Nỗi đau đại dịch
Theo một cuộc khảo sát của Ủy ban châu Âu, nỗi đau tài chính đã và đang ảnh hưởng đến các hộ gia đình. Hiện tại là thời điểm họ lo lắng về giá cả nhất trong thế kỷ này và chi tiêu dè dặt hơn. Theo đó, nhu cầu bị ảnh hưởng có thể tác động đến tốc độ phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.
Giá khí đốt bán buôn đã tăng gần 300% trong năm qua do lượng dự trữ thấp bất thường, cùng lúc đó, nhu cầu gia tăng từ các nền kinh tế do đại dịch và nguồn cung hạn chế từ Nga. Điều này có thể khiến lạm phát tăng cao, Ngân hàng Mỹ (BOA) cho biết nền kinh tế đã "chịu áp lực từ sức mua của người tiêu dùng". Tổ chức ước tính chi phí năng lượng hộ gia đình sẽ tăng 50% trong năm nay và nguồn viện trợ từ các chính phủ cho các hộ gia đình sẽ chỉ bù đắp được khoảng một phần tư số đó.
Bloomberg Economics ước tính cuộc khủng hoảng năng lượng có thể giảm tới 1% tổng sản phẩm quốc nội. Tác động giữa các quốc gia sẽ khác nhau và sự hỗ trợ của chính phủ có thể đồng nghĩa với việc giảm thiểu tác hại nghiêm trọng hơn. Georg Zachmann, chuyên gia thị trường năng lượng tại Bruegel cho biết: "Đây là những khoản tiền không đáng kể, đặc biệt là đối với các hộ gia đình nghèo. Nếu bạn lấy số tiền đó ra khỏi túi của những hộ gia đình nghèo, điều này sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng".
Ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ Banque Pictet & Cie ước tính giá năng lượng tăng có thể làm giảm 0,2 điểm phần trăm so với tăng trưởng trong quý này. Nếu ngân hàng buộc các công ty sử dụng nhiều năng lượng phải cắt giảm sản lượng, điều này có thể gây ra tác động lớn.
Ngân hàng Thế giới cảnh báo một cuộc khủng hoảng kéo dài "sẽ dẫn đến rủi ro triển vọng khu vực đồng euro giảm đáng kể trong ngắn hạn". Các nhà kinh tế của ngân hàng UBS AG đã cắt giảm dự báo của họ đối với việc mở rộng năm 2022 của khu vực từ 4,8% xuống 4,2% vì xuất hiện biến thể Omicron và các hạn chế mới. Họ cũng nhận thấy rủi ro do giá năng lượng tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, tác động kinh tế có thể bị hạn chế vì người tiêu dùng vẫn còn một lượng lớn tiền tiết kiệm được tích lũy trong thời kỳ đại dịch. Bên cạnh đó, thị trường lao động có vẻ vững chắc sẽ phần nào hỗ trợ tiền lương. Reinhard Cluse tại UBS cho biết: "Đó sẽ là một vấn đề đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp. Ở đây, việc ép giá năng lượng cao hơn là rất rõ ràng. Đối với toàn bộ khu vực hộ gia đình, khoản tiết kiệm gom góp được sẽ là phương tiện để cầm cự".
Lạm phát gia tăng
Cho đến nay, cuộc khủng hoảng đang được đặc biệt chú ý ở phía đông châu Âu, mức chi tiêu của người tiêu dùng tại 10 quốc gia bị quá tải bởi các hóa đơn năng lượng. Tại Ba Lan, các công nhân khai thác từ nhà sản xuất than lớn nhất châu Âu đã chặn không cho nhiên liệu đến các nhà máy điện trong hai ngày vào tuần trước do họ phải làm việc ngoài giờ để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến vào năm ngoái mà không được trả lương. Họ cũng đang yêu cầu tăng lương, nguồn thu nhập này có thể giúp họ trả các hóa đơn cho năng lượng chính họ sản xuất ra.
Lạm phát ở Ba Lan đang ở mức 8,6%, đây là mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ qua. Khu vực đồng euro là 5%, mức này cũng là một kỷ lục đối với khu vực, với Estonia và Lithuania đang phải trải qua lạm phát hai con số. Mặc dù lạm phát dự kiến sẽ giảm bớt trong năm nay, nhưng hậu quả để lại vẫn rất nặng nề. Lập luận của các chủ ngân hàng trung ương về mức tăng đột biến "nhất thời" không thể thay đổi thực tế là giá cả leo thang kéo theo gánh nặng đối với người tiêu dùng tăng lên từng tháng.
Trong tuần này, tin tức giá khí đốt tự nhiên châu Âu sẽ giảm trong tương lai đã đem lại niềm hy vọng. Tuy nhiên, giá cả vẫn đang tăng đột biến và một đợt thời tiết lạnh giá hoặc căng thẳng châu Âu và Nga gia tăng có thể khiến tình hình chuyển biến một lần nữa.
Nadia Gharbi, một nhà kinh tế tại Pictet ở Geneva, cho biết: "Trong ngắn hạn, chúng tôi không nghĩ rằng giá năng lượng tăng sẽ đe dọa tăng trưởng của khu vực đồng euro khi các chính phủ đã thực hiện các biện pháp đối phó nhanh chóng". Nhưng sự gia tăng bền vững "có thể thách thức tăng trưởng kinh tế", đặc biệt nếu các chính phủ loại bỏ hỗ trợ, bà nói.
Tại Vương quốc Anh, hai chục công ty cung cấp năng lượng gia dụng đã sụp đổ, tháng khủng hoảng sẽ là tháng Tư. Đó là khi giới hạn mới được đưa ra để hạn chế việc tăng giá bắt đầu. Nó dự kiến sẽ tăng 50% lên gần 2.000 bảng Anh (2.725 USD).
Đắt đỏ đến mức không thể mua được
Theo Citigroup, tổng hóa đơn năng lượng chính của châu Âu sẽ vào khoảng 1 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, trong khi trước đó chủ yếu do giá dầu tăng, thì lần này là về chi phí sưởi ấm và cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ gia đình đến phương tiện giao thông và các nhà máy công nghiệp lớn.
Các nhà phân tích của Citi, bao gồm cả Alastair Syme, cho biết: "Khí đốt và điện đang trở nên cực kỳ đắt đỏ ở châu Âu. Người tiêu dùng và ngành công nghiệp trên toàn khu vực có thể sẽ phải đưa ra một số lựa chọn khó khăn về mức tiêu thụ năng lượng của họ".
Áp lực chi phí đang thúc đẩy một số nơi phải đổi mới. Palettes53, một công ty gia đình chuyên sản xuất bảng màu gần Le Mans ở phía tây bắc nước Pháp, đã quyết định ngừng sử dụng nguồn cung cấp năng lượng hạt nhân và chuyển sang dùng máy phát điện chạy bằng dầu diesel.
Yannick Chopin, người điều hành công ty, cho biết đây là lựa chọn duy nhất, mặc dù việc này sẽ cần rất nhiều động cơ diesel. Gắn bó với nguồn cung cấp điện lưới sẽ đẩy chi phí năng lượng lên gấp 5 lần, đến 50% tổng chi phí. Chopin nói: "Nếu không hành động ngay lập tức, chúng tôi sẽ gặp vấn đề về tiền. Chúng tôi đã trải qua một số cuộc khủng hoảng, như khủng hoảng tài chính năm 2008. Chính cuộc khủng hoảng này khiến chúng tôi lo lắng nhất".
Những khó khăn đã khiến các công ty phải tính phí nhiều hơn để bảo vệ lợi nhuận, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Công ty sản xuất giấy Bồ Đào Nha Navigator cho biết họ sẽ tăng giá khăn giấy lên 15% vì chi phí năng lượng, hậu cần và hàng hóa cao hơn. Công ty bán lẻ đồ nội thất Ikea cũng đang tăng giá trung bình 9% tại các nơi tiêu thụ của mình, vì những lý do tương tự.
Tại Cộng hòa Séc, chi phí năng lượng tăng cao đã gây thêm áp lực lên Charita Litomerice, công ty điều hành một viện dưỡng lão cho 33 bệnh nhân Alzheimers. Karolina Wankowska, người đứng đầu tổ chức từ thiện, cho biết họ đã phải cắt giảm số lượng và chất lượng thực phẩm cung cấp cho những người sống tại đây trong giai đoạn cuối của cuộc đời.
"Chúng tôi đang thực sự gặp khó khăn", cô nói. "Sau khi Covid-19 bùng phát, giá cả leo thang, chúng tôi phải đối mặt với lạm phát chưa từng có cũng như giá năng lượng, và các nhà cung cấp của chúng tôi cũng đang tăng giá các mặt hàng".