Nhu cầu lớn về container lạnh
Tại cuộc họp trực tuyến về thúc đẩy nông sản qua vận tải đường biển do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải tổ chức chiều 12/1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, bên cạnh phát triển xuất nhập khẩu qua đường bộ, các doanh nghiệp cần phải phát triển mạnh cả đường biển. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn cùng các bộ, ngành, doanh nghiệp xây dựng cơ chế để xuất khẩu nông sản mạnh và thuận lợi qua đường biển.
Lấy dẫn chứng, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay, trong tháng 1 này, 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang sẽ có tổng cộng 106.800 tấn thanh long được thu hoạch. Trong đó, nhu cầu xuất khẩu là 54.400 tấn, riêng đi đường biển xấp xỉ 34.000 tấn, chiếm 32% tổng sản lượng trong tháng với nhu cầu container lạnh loại 40 feet là 1.704 cont.
Tháng 2, tổng sản lượng thanh long của 3 tỉnh là 65.600 tấn, trong đó, 45.000 tấn dành cho xuất khẩu, đi đường biển xấp xỉ 33.000 tấn, cần 1.661 container lạnh loại 40 feet. Trong tháng cuối cùng của quý 1, 3 tỉnh thu hoạch 54.000 tấn thanh long, dành 47.100 tấn cho xuất khẩu với 34.200 tấn đi đường biển, cần 1.722 container lạnh 40 feet.
Tính ra, trong cả quý 1, 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang thu hoạch 226.400 tấn thanh long. Trong đó, xuất khẩu 147.500 tấn, đi đường biển 101.216 tấn, cần 5.087 container lạnh 40 feet.
Như vậy, nhu cầu cont lạnh để xuất khẩu thanh long qua đường biển trong quý 1 này là khá lớn. Trong khi đó, lượng container phục vụ cho xuất khẩu hàng lạnh nói chung đang hạn chế. Chẳng hạn, mỗi tuần, hãng tàu Cosco hiện chỉ có 350-400 cont đi tất cả các tuyến và cho tất cả các hàng lạnh (thủy sản, rau quả …); hãng tàu CMA có 250-300 cont lạnh mỗi tuần …
Theo đại diện Cục Hàng hải, Bộ Giao thông vận tải, hiện có khoảng 30 hãng tàu có xuất khẩu sang Trung Quốc; trong đó số hãng chuyên xuất khẩu sang thị trường này. Do đặc thù của container lạnh cần ổ cắm điện, mỗi tàu chỉ bố trí khoảng 20% công suất. Phía Bắc, hàng hóa đi đường biển container lạnh từ Hải Phòng thường theo thời vụ, còn từ Tp.Hồ Chí Minh đi quanh năm.
Trong tháng 11/2021, có khoảng 1.400 container lạnh từ Tp.Hồ Chí Minh sang Trung Quốc, nhưng tháng 12 đã tăng hơn 3 lần, lên 4.100 container. Đây là sự dịch chuyển lớn cũng trùng với thời gian bị tắc ở đường bộ. Tại cảng Hải Phòng, thời gian gần đây hàng hóa cũng tăng cao.
Theo Cục Hàng hải, hàng hóa đi đường biển yêu cầu bộ chứng từ phải đầy đủ. Để hàng hóa lên được tàu thì phải có chất lượng, mã số vùng trồng… Nếu hàng hóa không đảm bảo các yêu cầu thì khi sang Trung Quốc sẽ bị trả lại. Khi đó chủ hàng sẽ phải chịu toàn bộ chi phí.
Về vỏ container lạnh bị thiếu, đại diện Cục Hàng hải cho rằng do đặc điểm thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hiện hàng xuất khẩu sử dụng container lạnh nhưng hàng nhập khẩu lại không sử dụng container lạnh. Các doanh nghiệp vận tải còn cho rằng, chi phí nhập khẩu vỏ container về rất cao; cùng với đó là tình trạng hạn chế về ổ cắm trên tàu nên khả năng đáp ứng container lạnh không cao.
Ông Văn Nhật Tùng, đại diện hãng tàu CMA cho biết, ngoài vận chuyển thanh long đi Trung Quốc, doanh nghiệp còn có mặt hàng chuối. Chuối đi nhiều hơn thanh long và đây là mặt hàng đã có sự thiết lập hợp đồng từ trước. Nay hàng hóa tăng thêm sẽ có xung đột với khách hàng đã đi thường xuyên và có cam kết với hãng tàu. Nếu doanh nghiệp thanh long đi đường biển thì cần có tiến trình, cam kết để doanh nghiệp đầu tư chuyển vỏ container về.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã đi đường biển thì họ đã có được hệ thống, sự tin tưởng của địa phương, lực lượng hải quan... với doanh nghiệp. Nhưng nay, một số doanh nghiệp mới đã quen theo cách thông quan đường bộ nay chuyển sang đường biển sẽ có những trục trặc nhất định. Do đó, doanh nghiệp phải chắc chắn về thông quan hàng hóa, ông Văn Nhật Tùng nhấn mạnh.
Tránh nhu cầu đơn lẻ, khó đáp ứng, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cho rằng, cần có đầu mối thu gom hàng. Trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ có giải pháp để có bài toán về chi phí ổn định hơn.
Về dài hạn doanh nghiệp phải có giải pháp căn cốt về vận tải đường biển vì vấn đề mở tuyến không chỉ nói mở là mở ngay được. Doanh nghiệp sẽ nghiên cứu, xem xét việc miễn, giảm phí vận chuyển cho các doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ tiêu thụ thanh long nói riêng và nông sản nói chung.
Bài toán về chi phí logistic
Phát biểu trong cuộc họp, ông Mai Xuân Thìn - Giám đốc Công ty TNHH Rồng Đỏ đề xuất, các hãng vận tải nên phát triển đội tàu lạnh, trọng tải nhỏ để có thể vào các cảng gần vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, vấn đề vận chuyển quốc tế là thiếu yếu, cơ quan quản lý cần kiểm soát mức giá trần về phí logistics để hàng hóa có thể lưu thông được.
Tại cuộc họp, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho rằng, cần có sự minh bạch về cước vận chuyển để doanh nghiệp yên tâm trong thương mại. “Chi phí logistics quá cao đang khiến chúng ta mất thị trường. Có hay không việc các hãng tàu nâng giá quá cao? Nhiều khi doanh nghiệp xuất khẩu nông sản rất mang tiếng với nông dân vì mua với giá thấp nhưng bán ở thị trường nước ngoài với giá rất cao. Nhưng khoảng chênh đó đang bị đổ vào hết chi phí logistics. Nếu tình trạng này kéo dài thì hàng hóa Việt Nam sẽ không cạnh tranh được với các nước khác”, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết, hiện cơ sở hạ tầng cảng biển cơ bản đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Một số hạn chế đang được Bộ Giao thông vận tải đưa vào khắc phục thời gian tới. Chẳng hạn việc sắp tới sẽ đầu tư xây dựng cảng Vạn Ninh (Quảng Ninh) để mở thêm một tuyến vận tải hàng hóa bằng đường biển sang Trung Quốc. Nếu cảng Vạn Ninh hoạt động sẽ giúp giảm được chi phí cho doanh nghiệp.
Với phương thức vận tải đường biển, doanh nghiệp cần có sự chỉnh chu hơn về thủ tục và thời gian hình thành các tuyến. Thời gian vừa qua, các hãng tàu đã gánh đỡ một phần chi phí, nhưng cũng không thể gánh được mãi. Nhu cầu tăng, các hãng tàu muốn tăng cũng không thể tăng quá lớn cần có thời gian thiết lập. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu qua đường biển cũng mất chi phí hơn vì phải thêm các công đoạn vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, vận tải đường bộ hay đường biển doanh nghiệp đều phải quen mối, quen lái.
Bộ Giao thông vận tải sẵn sàng cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cầu nối giữa nhà xuất khẩu vào người mua, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết.
Qua kiến nghị của các doanh nghiệp, để điều kiện thuận lợi nhất hàng hóa có thể vận chuyển qua các đường vận chuyển, Thứ trưởng Trần Thanh Nam giao Tổ công tác 970 của Bộ phối hợp cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tập hợp nhu cầu tiêu thụ, vận chuyển bằng đường biển. Từ đó, Tổ sẽ kết nối với Bộ Giao thông vận tải để liên hệ với các doanh nghiệp vận chuyển để làm sao có chi phí thấp nhất, thuận lợi nhất.
Với đường bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục làm việc với các cửa khẩu để thông tin đến các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng phải phối hợp chặt với các địa phương biên giới để nắm thông tin kịp thời, nhằm đảm bảo lượng hàng không bị ùn tắc.
Bên cạnh sự việc vào cuộc tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển qua đường bộ hay đường biển, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đã và tiếp tục có diễn đàn kết nối các nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu, để làm sao bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng cho các nhà máy. Bộ sẽ kết nối với các Tham tán thương mại ở các nước để thúc đẩy, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản.
Các địa phương, doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề tiêu thụ nội địa vẫn là số một, đặc biệt cho dịp Tết Nguyên đán, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Cảng biển báo lãi sau nhiều năm lỗ
Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2021 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Tổng Giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, 2021 là một năm đặc biệt với tổng công ty. Từ một doanh nhân (DN) nhà nước luôn nằm trong "top đầu" về thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản, nhưng với việc triển khai tái cơ cấu một cách quyết liệt, toàn diện, VIMC đã bứt phá mạnh mẽ và đạt được kết quả tích cực.
Lợi nhuận của Tổng công ty ước đạt 3.750 tỷ đồng, trong đó cảng biển chiếm 67% lợi nhuận, dịch vụ hàng hải chiếm 26%, vận tải biển chiếm 7%.
Đặc biệt, lần đầu tiên sau nhiều năm thua lỗ kéo dài, toàn khối vận tải biển của đơn vị đã ghi nhận lợi nhuận gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2021.
Bên cạnh việc tiếp tục giữ vững và duy trì tăng trưởng sản xuất kinh doanh, trước tình hình diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, các DN thành viên luôn sát cánh, đồng hành và cùng chia sẻ khó khăn, hỗ trợ nhau để vượt qua đại dịch.
Ghi nhận những thành quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết, VIMC tiền thân Vinalines trải qua thời gian đặc biệt khó khăn, cùng với khủng hoảng ngành vận tải biển, hàng hải toàn cầu.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, Bộ Giao thông vận tải, tập thể lãnh đạo viên chức người lao động VIMC đã nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn, đã tái cơ cấu thành công, phát triển vươn lên và đạt kết quả thành công và có lãi lớn.
“DN vận tải biển, nhất là các đơn vị vận tải của VIMC lãi lớn, cổ phiếu tăng cao nên bản thân cũng thấy tiếc vì trước đây đã không đầu tư cổ phiếu của VIMC”, Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng, năm 2021 vận tải biển có lãi là do sự nỗ lực lớn của đơn vị và được hưởng lợi chút ít từ đại dịch. Dịch bệnh nên giá dịch vụ vận tải trên thế giới tăng cao, tác động kéo theo cước vận tải, giá cước tàu tăng lên.
Do vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để vận tải biển phát triển bền vững. Đạt được mục tiêu này VIMC cần đánh giá kết quả và có những giải pháp phù hợp để kết quả sản xuất kinh doanh trong năm tiếp theo sẽ đạt được kết quả bằng và tốt hơn năm nay.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, trong quy hoạch cảng biển có cả quy hoạch cảng cạn và đường thuỷ nội địa, do vậy VIMC cần quan tâm phát triển cảng biển với đội tàu biển phù hợp làm cơ sở để phát triển các “cánh tay nối dài” của cảng biển...
Hương Anh (tổng hợp)