Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2021 của Mỹ đã tăng 7% so với cùng kỳ 2020. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/1982. Lạm phát leo thang đang làm tăng chi phí hộ gia đình, ăn mòn tiền lương, gây áp lực lên Tổng thống Joe Biden và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) để giải quyết những gì đã trở thành mối đe dọa lớn nhất với nền kinh tế Mỹ.
Giá ôtô, khí đốt, thực phẩm và đồ nội thất tăng mạnh vào năm 2021, như một phần của sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Những khoản viện trợ lớn từ chính phủ và lãi suất cực thấp cũng đã giúp thúc đẩy nhu cầu hàng hóa, trong khi tiêm chủng giúp người dân tự tin đi ăn ngoài và đi du lịch.
Khi người Mỹ tăng cường chi tiêu, các chuỗi cung ứng vẫn bị siết chặt bởi tình trạng thiếu nhân công và nguyên liệu thô, và điều này làm tăng áp lực giá cả. Báo cáo hôm thứ Tư (12/1) của Bộ Lao động Mỹ cho biết, thước đo lạm phát không bao gồm giá thực phẩm và khí đốt cũng đã tăng 5,5% trong tháng 12, là mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Lạm phát tổng thể tháng 12 tăng 0,5% so với tháng 11.
Giá cả có thể tăng chậm hơn khi các khó khăn trong chuỗi cung ứng giải tỏa dần. Nhưng hầu hết nhà kinh tế cho rằng lạm phát sẽ không sớm trở lại mức trước đại dịch. "Áp lực lạm phát của Mỹ không có dấu hiệu giảm bớt. Chúng ta có thể gần đạt đỉnh, nhưng rủi ro là lạm phát vẫn sẽ cao trong thời gian dài", James Knightley, Nhà kinh tế quốc tế trưởng tại công ty dịch vụ tài chính ING, nhận xét.
Các công ty lớn nhỏ đang tìm cách thích ứng tốt nhất có thể. Nicole Pomije, Chủ một tiệm bánh ở Minneapolis, bang Minnesota, có kế hoạch tăng giá bánh quy vì chi phí nguyên liệu tăng cao.
Một chiếc bánh quy cơ bản của cô có giá 99 cent, trong khi loại cao cấp được bán với giá 1,5 USD. Nhưng Pomije cho biết sẽ phải tăng giá bánh cơ bản lên mức giá cao cấp. "Chúng tôi phải kiếm tiền. Chúng tôi không muốn mất khách nhưng có khả năng như vậy", cô nói.
Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thuê mướn nhân sự đã chấp nhận tăng lương. Nhưng giá hàng hóa và dịch vụ tăng đã làm xói mòn mức tăng thu nhập đó của nhiều người Mỹ. Những gia đình có thu nhập thấp cảm thấy điều này rõ nhất. Các cuộc thăm dò cho thấy lạm phát đã bắt đầu thay thế Covid-19 như một mối quan tâm hàng đầu của công chúng.
Mỹ đã không chứng kiến lạm phát cao như vậy kể từ đầu những năm 1980. Vào thời điểm đó, Chủ tịch Fed Paul Volcker đã phản ứng bằng cách đẩy lãi suất lên rất cao - mức cơ bản dành cho khách hàng tốt nhất của các ngân hàng là 20% vào năm 1980 - khiến nền kinh tế rơi vào một cuộc suy thoái sâu. Nhưng bù lại, Volcker đã thành công trong việc kiềm chế lạm phát vốn đã ở mức hai con số trong phần lớn giai đoạn 1979-1981.
Lạm phát cao đã đặt Tổng thống Biden vào thế phòng thủ. Chính quyền của ông, từng lặp lại nhận định của Fed, ban đầu cho rằng việc tăng giá sẽ chỉ là tạm thời. Bây giờ lạm phát đã kéo dài, Biden và một số nghị sĩ đảng Dân chủ bắt đầu đổ lỗi cho các tập đoàn lớn. Họ nói rằng các nhà sản xuất thịt và các ngành công nghiệp khác đang tận dụng tình trạng thiếu hụt do đại dịch gây ra để tăng giá và lợi nhuận.
Nhưng ngay cả một số nhà kinh tế trung tả cũng không đồng ý với phân tích đó. Hôm thứ Tư (12/1), tổng thống đã đưa ra một tuyên bố lập luận rằng việc giảm giá xăng trong tháng 12 và mức tăng giá thực phẩm nhỏ hơn đã cho thấy sự tiến bộ.
Một xu hướng mà các chuyên gia lo ngại là vòng xoáy giá cả - tiền lương. Điều đó xảy ra khi người lao động muốn tăng lương để bù đắp chi phí cao hơn, và sau đó các công ty tăng giá hơn nữa để trang trải mức lương cao hơn. Hôm thứ Ba (11/1), Chủ tịch Fed Jerome Powell nói với Thượng viện rằng ông vẫn chưa thấy bằng chứng cho thấy tiền lương đang làm tăng giá trên toàn bộ nền kinh tế.
Theo các nhà kinh tế, nguyên nhân lớn nhất của lạm phát là do cung và cầu không phù hợp. Giá ôtô qua sử dụng đã tăng hơn 37% trong năm ngoái, do tình trạng thiếu chất bán dẫn khiến các công ty ôtô không thể sản xuất đủ xe mới. Những hạn chế trong chuỗi cung ứng cũng đã khiến giá đồ nội thất cao hơn gần 14%.
Những người mua sắm đang cảm thấy ngột ngạt trong chi tiêu, từ trạm xăng đến cửa hàng tạp hóa. Bà Vicki Bernardo Hill, 65 tuổi, sống tại Gaithersburg, Maryland, không còn dám lấy thêm thức ăn đóng hộp, ngũ cốc hoặc các loại bánh vào giỏ hàng khi đi mua sắm tại Giant Food.
"Tôi đang cố gắng bám vào danh sách hàng mình cần mua và chọn những thứ đang được giảm giá", bà nói. Vì không tìm được giá tốt cho một chiếc xe đã qua sử dụng, bà Hill đã mua một chiếc Mazda mới, chi hơn 5.000 USD so với dự định.
Lạm phát có thể giảm bớt khi làn sóng Omicron giảm dần, khuyến khích người Mỹ chuyển nhiều chi tiêu hơn sang các dịch vụ như du lịch, ăn uống và đi xem phim. Điều đó sẽ làm giảm nhu cầu hàng hóa và giúp khơi thông chuỗi cung ứng.
Nhưng một số hạng mục chi tiêu vẫn sẽ có mức giá cao hơn, như giá thuê nhà. Chi phí thuê nhà vốn đã tăng nhanh kể từ mùa hè, cũng đã tăng 0,4% trong tháng 12, là tháng tăng thứ ba liên tiếp. Giá thuê nhà rất quan trọng vì chi phí nhà ở chiếm một phần ba chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ.
Ông Powell nói với Quốc hội rằng nếu cần thiết phải chống lạm phát cao một cách quyết liệt hơn, Fed sẵn sàng đẩy nhanh việc tăng lãi suất mà họ dự kiến bắt đầu trong năm nay. Lãi suất ngắn hạn chuẩn của Fed, hiện được chốt gần 0, dự kiến sẽ tăng ít nhất ba lần trong năm nay. Việc tăng lãi suất sẽ làm cho việc vay mua nhà hoặc xe hơi đắt hơn, và do đó giúp hạ nhiệt nền kinh tế.
Một số nhà kinh tế và các thành viên của Quốc hội lo ngại Fed đã hành động quá chậm để ngăn chặn lạm phát. Điều này cuối cùng có thể buộc các đợt tăng lãi suất sắp tới phải mạnh tay hơn, và có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội và thậm chí một số nhà kinh tế tự do nói rằng Tổng thống Biden ít nhất phải chịu một phần trách nhiệm về lạm phát cao. Họ cho rằng gói giải cứu tài chính mà ông đã thông qua vào tháng 3 năm ngoái càng tăng động lực lạm phát đáng kể cho một nền kinh tế vốn đã mạnh lên.
Phiên An (theo AP)