Ra quân truy quét
Theo cơ quan chức năng các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, các đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động ngày càng tinh vi, thường lựa chọn những địa phương vùng giáp ranh. Quá trình khai thác trái phép, bọn chúng chọn thời gian ban đêm, hoạt động lén lút ở các khu vực hẻo lánh ít phương tiện thủy qua lại, thuê người canh đường, liên tục thay đổi thời gian. Bên cạnh đó, chủ các phương tiện khai thác cát trái phép còn sử dụng lao động không có hợp đồng, không có giấy tờ tùy thân, chưa có tiền án, tiền sự về hành vi khai thác khoáng sản trái phép, cho ăn ở, sinh hoạt trên tàu.
Tại tỉnh Đồng Tháp, năm 2022, địa phương cấp phép khai thác cát sông với công suất khoảng 6 triệu m³/năm thì năm 2023 giảm còn 4 triệu m³. Trong khi đó, nhu cầu cát của tỉnh này giai đoạn 2022 - 2025 lên đến khoảng 43 triệu m³. Chính vì vậy, một số dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở địa phương đang thiếu hụt nguồn cát nghiêm trọng. Khi cát ngày càng hút hàng, cầu vượt cung, giá cát tăng thì hoạt động khai thác cát sông trái phép diễn biến hết sức phức tạp.
Vào tối 03/11, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Tháp phối hợp Công an huyện Cao Lãnh tổ chức tuần tra trên tuyến sông Cái Nhỏ (ấp Bình Mỹ A, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh), phát hiện 2 đối tượng đang khai thác cát trái phép lên ghe gỗ có trọng tải 45 tấn. Phát hiện công an, 2 đối tượng đã nhảy xuống sông bơi vào bờ trốn thoát. Kiểm tra phương tiện, lực lượng chức năng tìm thấy trên ghe lắp đặt hệ thống bơm hút cát và có khoảng 20m3 cát.
Tương tự, lúc 5 giờ 20 ngày 24/11, tại tuyến kênh Lấp Vò - Sa Đéc (thuộc thủy phận phường 2), tổ công tác thuộc Trạm Cảnh sát đường thủy Sa Đéc, Phòng CSGT tuần tra phát hiện sà lan không số đăng ký (trọng tải 98 tấn) chở khoảng 60m3 cát do thuyền trưởng Lê Quốc Cường (SN 2002, ngụ xã An Nhơn, huyện Châu Thành) điều khiển, đi cùng có Huỳnh Văn Hoàng (SN 1995, ngụ xã An Nhơn, huyện Châu Thành). Tại thời điểm kiểm tra, cả hai không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc cát.
Không chỉ vậy, một số đối tượng còn manh động tấn công lại lực lượng công an hòng tẩu thoát. Trước đó, trên tuyến sông Tiền (thuộc thủy phận ấp Nhứt, xã An Phong, huyện Thanh Bình), Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Tháp bắt quả tang Dương Tuấn Thanh (SN 2004, ngụ tỉnh Tiền Giang) và Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ tỉnh Đồng Nai) sử dụng phương tiện ghe gỗ có trọng tải khoảng 60 tấn đang thực hiện hành vi khai thác cát sông trái phép. Bị tổ công tác truy đuổi, các đối tượng còn có hành vi sử dụng 2 vòi nước xịt mạnh vào lực lượng đang thi hành công vụ, nhưng sau đó vẫn bị bắt giữ.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện 20 vụ, 29 đối tượng khai thác cát trái phép và mua bán, vận chuyển khoáng sản (cát sông) không nguồn gốc. Cơ quan chức năng đã xử phạt 14 vụ, 20 đối tượng và buộc nộp gần 280 triệu đồng; chuyển cơ quan điều tra 1 vụ/2 đối tượng. Riêng Công an các huyện Long Hồ, Bình Tân, Vũng Liêm, TX.Bình Minh và TP.Vĩnh Long phát hiện 103 vụ/130 đối tượng khai thác trái phép cát sông và vận chuyển cát sông không rõ nguồn gốc.
Triển khai nhiều biện pháp mạnh
Để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác chống "cát tặc", Công an tỉnh Tiền Giang tham mưu UBND tỉnh thành lập các tổ công tác liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện do lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường làm chủ công phối hợp với CSGT và một số đơn vị ngoài ngành cùng thực hiện quyết liệt công tác đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn; kiên quyết giải quyết triệt để những "điểm nóng", phức tạp, nhất là ở các tuyến sông chính như sông Tiền, Cửa Đại, Cửa Tiểu.
Theo thống kê, từ ngày 15/10 đến 15/11, các tổ công tác liên ngành đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 98 vụ vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sông trên địa bàn các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, Cái Bè và TP.Mỹ Tho. Trong đó, xử lý hình sự, khởi tố 7 vụ/8 bị can; xử lý vi phạm hành chính 90 vụ khai thác, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc, phương tiện có gắn thiết bị bơm hút cát.
Điển hình, tổ công tác liên ngành tỉnh Tiền Giang kiểm tra 2 ghe cát đang neo đậu trên tuyến sông Tiền (ấp Thạnh Thới, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây). Qua đo đạc, xác định trên phương tiện chứa gần 32m3 cát. Ông Nguyễn Văn Thanh (ngụ xã Vĩnh Hựu) là chủ 2 phương tiện không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số cát và giấy tờ liên quan đến phương tiện. Quá trình làm việc, ông Thanh thừa nhận giao phương tiện cho người làm thuê đi mua cát hợp pháp. Nhưng vì lợi nhuận, người làm thuê tự ý mua cát từ các ghe hút cát trái phép trên sông với giá rẻ để đem về bán lại cho người dân có nhu cầu san lấp.
Vào đêm 25/11, đơn vị trên tiếp tục tuần tra phát hiện 2 tàu sắt đang khai thác cát trái phép trên tuyến sông Tiền (khu vực thuộc xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè). Điều khiển 2 tàu sắt là Phạm Văn Duyên và Võ Minh Tuyến (cùng ngụ TX. Gò Công), trên phương tiện đang chở 143m3 cát. Tổ công tác tiến hành lập biên bản và bàn giao vụ việc cho tổ liên ngành huyện Cái Bè tiếp tục điều tra, xử lý.
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Văn Linh (SN 1993, ngụ huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Trước đó, Linh được thuê điều khiển sà lan đi mua cát với tiền công mỗi chuyến 600.000 đồng. Trong lúc đợi tại khu vực Vàm Cái Muối (xã Đồng Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) chờ mua cát, đối tượng nảy sinh ý định hút trộm cát để bán nên lái sà lan đến khu vực cách Vàm Cái Muối (thuộc thủy phận sông Tiền), khởi động động cơ bơm hút cát từ lòng sông lên sà lan khoảng 2 tiếng đồng hồ. Công an tuần tra phát hiện phương tiện đã hút được 35m3 cát sông.
Xem thêm: lmth.954651_cat-tac-gnohc-nan-naig/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc