Jeff Green tham gia sáng kiến "Cam kết cho đi" ngày 16-11-2021- Ảnh: CNBC
Năm 17 tuổi, cậu thanh niên Jeff Green muốn giả làm người vô gia cư trong ngày cuối tuần để quan sát cuộc sống từ một góc nhìn khác. Green không tắm bốn ngày, khoác vào người bộ quần áo xấu xí rồi đến khu Five Points tồi tàn ở trung tâm thành phố Denver thuộc bang Colorado (Mỹ).
Tiền không thể mua được hạnh phúc. Tiền có thể mua những thứ có thể làm cho cuộc sống dễ chịu hơn. Nhưng những thứ đó và cuộc sống dễ chịu chỉ là phù du.
Thư cam kết của JEFF GREEN
Sáng kiến "Cam kết cho đi" phần lớn tài sản
Jeff Green đã làm quen với một người đàn ông tên James và dành nhiều giờ nghe James kể về cuộc sống đầu đường xó chợ. Khoảng 2h sáng, Green theo James tìm nơi kín gió để ngủ. Bất chợt tiếng còi hụ vang lên, cảnh sát ập đến đối xử khá thô bạo với những người không nhà.
Green kéo một sĩ quan cảnh sát sang bên và giải thích lý do vì sao mình có mặt ở đó. Viên cảnh sát bảo: "Cậu vào xe rồi đừng quay lại nữa". Trên đường về nhà, Green đã rơi nước mắt tự hỏi: "Tại sao anh ấy lại sống bụi đời ở đó trong cái lạnh tháng 12 trong khi tôi sống cuộc sống tiện nghi hơn?".
Jeff Green (sinh năm 1977) sau này trở thành giám đốc kiêm người sáng lập Công ty công nghệ quảng cáo The Trade Desk ở Ventura (bang California). Nhờ công ty ăn nên làm ra, anh đã trở thành tỉ phú.
Công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq năm 2016 với giá 18 USD một cổ phiếu. Nay giá cổ phiếu đã tăng lên 700 USD và vốn hóa thị trường của công ty lên đến trên 30 tỉ USD.
Ngày 16-11-2021, Green đã tham gia sáng kiến từ thiện "Cam kết cho đi" (Giving Pledge). Trong thư cam kết tham gia, anh nhắc lại câu chuyện trải nghiệm làm người vô gia cư năm 17 tuổi để giải thích lý do vì sao tham gia sáng kiến. Song song đó, anh cam kết sẽ cho đi 90% tài sản ước tính 5 tỉ USD để làm từ thiện.
Sáng kiến "Cam kết cho đi" là nỗ lực lớn nhất trên thế giới nhằm khuyến khích nhà giàu làm từ thiện. Sáng kiến do các tỉ phú Warren Buffett, Bill Gates và bà Melinda (vợ cũ) hợp tác thành lập.
Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, ba nhân vật kể trên đã tổ chức một số cuộc gặp không chính thức với một nhóm nhỏ các nhà tỉ phú để tìm cách khuyến khích họ làm từ thiện. Những người dự họp hiến kế hàng loạt ý tưởng nhưng từ đó nảy sinh vấn đề nhiều nhà giàu chỉ thích làm từ thiện riêng chứ không muốn tham gia hoạt động nào mang tính chất tập thể.
Cuối cùng vào tháng 8-2010, ba nhà sáng lập đưa ra sáng kiến "Cam kết cho đi". Ban đầu có 40 người giàu nhất nước Mỹ cam kết tham gia. Đến năm 2013, sáng kiến đã mở cho các đối tác quốc tế ký kết.
Sáng kiến "Cam kết cho đi" mời gọi các nhà tỉ phú (tài sản ròng từ 1 tỉ USD trở lên) cam kết dành phần lớn tài sản cho hoạt động từ thiện lúc họ còn sống hoặc khi đã qua đời (thể hiện trong di chúc).
Sáng kiến cũng mở rộng cho người mà nếu không bỏ tiền làm từ thiện thì có thể đã trở thành tỉ phú, ví dụ như ông Chuck Feeney đã tham gia sáng kiến "Cam kết cho đi" ngày 3-2-2011 sau khi đã chuyển giao gần hết tài sản cho Quỹ từ thiện Atlantic.
Người tham gia sáng kiến viết một thư cam kết. Họ không cần cung cấp bằng chứng làm từ thiện mới được tham gia mà chỉ cần bảo đảm thực hiện thư cam kết bằng cách chuyển tiền cho quỹ từ thiện hoặc một tổ chức nào đó phân phối tiền từ thiện lúc còn sống.
Chuck Feeney là một trong số những người truyền cảm hứng chủ yếu thúc đẩy sáng kiến "Cam kết cho đi" ra đời như Bill Gates đã từng bộc bạch: "Cam kết lâu dài của Chuck trong hoạt động "Cho đi khi còn sống" là kim chỉ nam cho Melinda và tôi. Chuck đã trở thành ngọn đèn hướng dẫn chúng tôi trong nhiều năm. Ông ấy đã sống như sáng kiến "Cam kết cho đi" rất lâu trước khi chúng tôi thành lập".
Tỉ phú Warren Buffett nhận xét: "Chuck đã nêu gương... Anh ấy là anh hùng của tôi và anh hùng của Bill Gates. Anh ấy nên là anh hùng của tất cả mọi người".
Sara Blakely là nữ tỉ phú đầu tiên tham gia sáng kiến "Cam kết cho đi" năm 2012 - Ảnh: Getty Images
Ai là người đã tham gia sáng kiến?
Sáng kiến "Cam kết cho đi" hướng tới mục đích tự nguyện "cho đi nhiều hơn, cho đi sớm hơn và cho đi thông minh hơn". Sáng kiến còn nhằm tập hợp các nhà tài trợ để "trao đổi kiến thức về cách làm từ thiện theo cách tốt nhất có thể". Hằng năm họ tập trung tại một địa điểm yên tĩnh để chia sẻ kinh nghiệm làm từ thiện.
TS Hans Peter Schmitz và TS Elena M. McCollim ở Đại học San Diego (Mỹ) đã nghiên cứu 196 thư cam kết của các nhà tài trợ tham gia sáng kiến "Cam kết cho đi" tính đến tháng 3-2021. Kết quả nghiên cứu xã hội học đã được công bố trên tạp chí Society tháng 5-2021.
Theo nghiên cứu, phần lớn các nhà tài trợ đều là tỉ phú tự lập thân. 184 người (84%) tự thân thành đạt trong khi chỉ 36 người (16%) giàu có nhờ thừa kế di sản. Trong 10 phụ nữ tham gia với tư cách cá nhân có 6 người là tỉ phú tự lập thân, 3 người được thừa kế tài sản sau khi chồng qua đời và 2 người sở hữu tài sản sau ly hôn.
Các nhà tài trợ làm giàu từ ba nguồn gồm công nghệ, tài chính và doanh nghiệp bán trực tiếp sản phẩm hay dịch vụ (đa số là các ngành công nghiệp truyền thống như năng lượng, bán lẻ, bất động sản, chăm sóc sức khỏe). Độ tuổi trung bình thấp nhất là nhóm công nghệ (53,3 tuổi), kế đến là nhóm tài chính (63,9 tuổi) và cuối cùng là nhóm bán hàng trực tiếp (68,3 tuổi).
Giá trị tài sản vào thời điểm cam kết có khác nhau đáng kể giữa ba nhóm. Nhóm công nghệ có tài sản trung bình là 6,91 tỉ USD/người, nhóm tài chính 5,15 tỉ USD/người và nhóm bán hàng trực tiếp 3,73 tỉ USD/người. Tóm lại, nhóm công nghệ làm từ thiện gồm các nhà tài trợ trẻ tuổi hơn và giàu hơn so với hai nhóm còn lại.
Các nhà tài trợ cam kết tài trợ cho ba lĩnh vực chủ yếu gồm giáo dục (45,91%), y tế (32,65%), quốc tế (23,46% gồm phát triển, hòa bình và giải quyết xung đột, nhân đạo...).
Các mục tiêu còn lại gồm môi trường và phúc lợi động vật, phúc lợi xã hội và công cộng (nghiên cứu ngoài y tế, phát triển cộng đồng, quyền con người...), phúc lợi con người (phụ nữ, trẻ em, quân nhân, người vô gia cư, an ninh lương thực, cơ hội kinh tế), văn hóa, nghệ thuật, khoa học nhân văn, chính sách công, tôn giáo...
Theo hai nhà nghiên cứu Schmitz và McCollim, nói chung các nhà tài trợ tham gia sáng kiến "Cam kết cho đi" chú trọng đến giáo dục và y tế nhưng ít khi đề cập đến các trở ngại lớn ảnh hưởng đến thành công cá nhân như vấn đề thiếu nhà ở, tình trạng phân biệt đối xử có hệ thống.
Các chủ đề như công bằng chủng tộc, tính đa dạng hoặc phát triển cộng đồng rất hiếm khi hoặc không bao giờ được đề cập trong các thư cam kết.
Đã có 231 người cam kết cho đi
Các nhà tài trợ tham gia sáng kiến "Cam kết cho đi" chủ yếu là nam giới, người da trắng và cư trú tại Mỹ. Đến cuối năm 2021, sáng kiến "Cam kết cho đi" đã quy tụ 231 nhà tài trợ từ 34-98 tuổi ở 28 quốc gia.
Các nước này gồm Úc, Mỹ, Canada, Brazil, Colombia, Peru, Anh, Đức, Hà Lan, Na Uy, Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha, Cyprus, Monaco, Nga, Ukraine, Slovenia, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Nam Phi, Tanzania, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Số nhà tài trợ tham gia mỗi năm bình quân gần 16 người từ năm 2011-2020 và 76% là công dân Mỹ. Năm 2021 có 14 nhà tài trợ tham gia.
********
Bà MacKenzie Scott là người đã làm đảo lộn mô hình làm từ thiện truyền thống. Triết lý từ thiện của bà là bất ngờ, tin tưởng nhau và không kèm điều kiện ràng buộc.
>> Kỳ tới: Nữ tỉ phú MacKenzie Scott - nhà từ thiện kiểu mới
TTO - Những tỉ phú đôla như Chuck Feeney hay MacKenzie Scott... đem phần lớn tài sản làm từ thiện giúp người và không muốn nêu danh tính.
Xem thêm: mth.49870249131102202-alod-uhp-it-auc-id-ohc-tek-mac-2-yk-neit-ohc-uaig-ahn-ihk/nv.ertiout