Đám cưới là khoảnh khắc để tôn vinh tình yêu, sự gắn bó lâu dài và lời hứa thiêng liêng về một "hạnh phúc mãi mãi". Tuy nhiên, đây cũng là dịp để khách mời có thể thoải thích ăn diện, vui chơi và chụp ảnh check-in.
Còn ở Ấn Độ, đây cũng là thời điểm để giới thượng lưu khoe khoang về độ giàu có của mình.
Những buổi lễ náo nhiệt, rực rỡ và đông vui này thường sẽ kéo dài từ 3-5 ngày. Do đó, không có gì khó hiểu khi ngành công nghiệp dịch vụ cưới hỏi có trị giá lên tới 50 tỷ USD.
Đại dịch giảm nhiệt cũng là lúc mà các đám cưới xa hoa bắt đầu lên ngôi. Cô dâu và chú rể không còn phải trao nhẫn trước tấm phông xanh tẻ nhạt của Zoom; những lời chúc mừng chẳng còn bị gián đoạn bởi kết nối wifi kém.
Đám cưới của giới thượng lưu Ấn Độ là nơi quy tụ của hàng loạt gia tộc giàu có trong nước. Cô dâu, chú rể không ngại chi tiền để mời các siêu sao quốc tế về biểu diễn, xây dựng lễ đường hoành tráng đến choáng ngợp, tổ chức các trò chơi có 1-0-2 nhằm mua vui cho đám đông.
"Trước đây, nhiều gia đình Ấn Độ còn thuê thêm người nước ngoài đến dự hoặc chụp ảnh tạo dáng trong đám cưới của mình", Monisha Ajgaonkar - nhiếp ảnh gia đám cưới, founder của The Photo Diary - cho biết. "Giờ thì họ có xu hướng chuyển sang những trải nghiệm có phần mới lạ hơn".
Cô dâu Ấn Độ chờ chú rể đến đón bằng trực thăng (Ảnh: Knotting Bells)
Các cặp đôi Ấn Độ sẵn sàng bỏ hàng triệu USD để chuẩn bị thức ăn, đồ trang trí và túi quà tặng. Họ muốn ngày vui của mình phải thật nổi bật và đặc sắc.
"Khách hàng nào cũng đưa ra những yêu cầu kỳ lạ. Họ muốn xuất hiện thật ấn tượng trong đám cưới của mình", Shrey Bhagat - co-founder của công ty chụp ảnh cưới Knotting Bells - chia sẻ.
Đám cưới gần đây mà anh tham gia được tổ chức ở Lake Como (Ý).
"Chúng tôi chụp ảnh cho một đám cưới tổ chức ở biệt thự từng xuất hiện trong phim House of Gucci. Chú rể khăng khăng đòi đến bằng trực thăng, nhưng lại không xin được giấy phép hạ cánh ở đó", Bhagat nói.
"Rốt cuộc, anh ta vẫn đến bằng trực thăng. Còn nhà trai đến bằng thuyền và phải đậu ở một điểm cách biệt thự khoảng 10 phút đi bộ. Cô dâu và chú rể cũng trao nhau vòng hoa trên thuyền".
Theo những người trong ngành dịch vụ cưới hỏi, thay vì bước vào lễ đường như truyền thống, các cặp đôi Ấn Độ lại thích xuất hiện bằng trực thăng, xuồng cao tốc hoặc siêu xe.
"Chúng tôi đã tổ chức một đám cưới tại một cung điện ở Jaipur. Cô dâu nhất quyết muốn đến bằng xe Bentley", Bhavnesh Sawhney - founder của công ty tư vấn và thiết kế đám cưới FB Celebrations - cho biết.
"Vấn đề là đường phố Jaipur quá hẹp nên xe của cô dâu đã bị kẹt lại. Chúng tôi đành phải bế cô dâu trong bộ váy cưới nặng nề vào trong lễ đường".
Cô dâu chú rể trao nhau vòng hoa trên thuyền (Ảnh: Knotting Bells)
Một số đám cưới có sự xuất hiện của siêu xe; có đám lại tái hiện khung cảnh kỳ vĩ trong truyện thần thoại.
"Gần đây chúng tôi có chụp cho một đám cưới mà cô dâu và chú rể ăn mặc như các vị thần, đeo cung và tên, rồi tiến vào lễ đường trên cỗ xe ngựa lớn. Tất cả đều được thực hiện trong nhà, tại một khách sạn ở Mumbai", Aditya Mahagaonkar - co-founder của WhatKnot Wedding Photographer - nhớ lại.
Đôi khi, các cặp đôi còn đem cả phim Bollywood vào trong đám cưới.
"Tôi có một cặp khách hàng thích phim Bollywood đến mức muốn trang trí giống hệt phim trường", Ajgaonkar đã mất tận 2 tháng để đáp ứng nguyện vọng của cặp đôi này.
"Họ thậm chí còn thuê cả biên đạo múa về để tái hiện lại cảnh quay trong phim. Tuy nhiên, điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là các nhân viên đã cần tới 60-80 ngày để trang trí hội trường cưới, nhưng lại không được mời ăn cưới".
Chú rể tiến vào lễ đường trên siêu xe được cải tiến lấy cảm hứng từ "Bat Mobile" (Ảnh: Dotdusk Studios)
Dù vậy, không phải đám cưới nào cũng diễn ra như kế hoạch, đặc biệt là ở khâu trang trí.
"Chúng tôi từng tổ chức một đám cưới mà cô dâu muốn xây một khu rừng nhiệt đới trong lễ đường", Mehak Sagar - co-founder của công ty tổ chức sự kiện WedMeGood.
"Họ đã nhập khẩu một số loại bướm và chim lạ từ châu Âu để trang trí cho bữa tiệc. Thế nhưng, đám chim này sau đó bắt đầu ‘đại tiện’ khắp phòng và khiến mọi thứ hỗn loạn".
Theo Sagar, có cặp đôi thượng lưu còn thuê hẳn đội ngũ chuyên gia đến để nâng và di dời lều cưới từ Ấn Độ sang Dubai do họ không thể dựng nó giữa sa mạc. Người giàu Ấn Độ sẵn sàng chi tiền để làm đám cưới hoành tráng nhất có thể.
"Một cặp còn xây cả bể bóng khổng lồ trong tiệc chiêu đãi của mình, rồi đặt bàn ăn giữa đống bóng. Một đôi khác lại muốn dựng mô hình núi cỡ người thật trong đám cưới. Họ nghĩ những thứ khác lạ này sẽ khiến ngày vui thêm đáng nhớ hơn".
Một chiếc cầu trượt cỡ lớn được dựng trong sảnh cưới (Ảnh: Altair)
Với các cặp đôi bình thường, các đồ trang trí như giấy nhớ hoặc hashtag cầm tay là đủ để khiến bữa tiệc đáng nhớ. Tuy nhiên, như thế là chưa đủ với giới thượng lưu Ấn Độ.
"Có đôi muốn tổ chức tiệc chiêu đãi theo chủ đề casino. Thế là họ đưa cả gia đình và bạn bè từ Ấn Độ sang Las Vegas để chơi vào dịp cuối tuần", Mahagaonkar.
Tương tự, Sawhney - người đã có thâm niên 8 năm trong ngành dịch vụ cưới hỏi - cũng có những kỷ niệm khó quên khi phục vụ cho giới thượng lưu Ấn Độ.
"Chúng tôi từng tổ chức tiệc chiêu đãi ở Delhi theo hình thức câu lạc bộ ban đêm. 4 khu được xây dựng trên cùng 1 hội trường, với từng phong cách khác nhau: 1 UK, 1 Bangkok, 1 Miami, 1 Hollywood", anh cho biết.
Cô dâu tiến vào lễ đường trên con thuyền hình hoa sen (Ảnh: 1plus1 Studios)
Sawhney đã phải mời đầu bếp và vận chuyển đồ trang trí đặc biệt từ Anh, Thái Lan và Mỹ về để tạo nên trải nghiệm độc đáo cho khách hàng.
"Các cặp đôi sẵn sàng trả tới 5-6 triệu USD cho ngày vui của mình", anh nói.
(Theo Vice)
Theo Linh Hân
Trí Thức Trẻ