Ngày 14.1, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng vào cuộc điều tra, xác minh xử lý nội dung báo chí phản ánh về nạn trộm vỏ ốc bẫy mực.
Ngư dân kiểm tra ốc bẫy mực để ra biển hành nghề CTV |
Thời gian qua, ngư dân làm nghề ốc bẫy mực ở vùng biển Tây của tỉnh Cà Mau khốn đốn với nạn trộm ốc. Người bị mất ít trị giá vài chục triệu, mất nhiều đến hàng trăm triệu đồng.
Ngư dân Cao Văn Cương (ngụ xã Khánh Bình Tây, H.Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết đã 3 lần bị mất trộm ốc. "Năm 2020, tôi bị mất khoảng 200 triệu đồng tiền vỏ ốc. Tôi phải đi "chạy tiền" để mua lại gần 6.000 con ốc bị mất để mưu sinh. Nhưng 2 lần mất ốc vào tháng 11.2021, với số lượng thiệt hại gần 10.000 con làm kinh tế gia đình lâm vào cảnh khó khăn", ngư dân Cao Văn Cương kể.
Anh Tăng Quốc Vương (tài công chạy ghe ốc ngụ ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây) nói: "Ra biển, thả ốc bẫy mực, qua đêm kéo lên thì bị mất ốc. Trong năm nay tôi đã mất 4 lần khoảng 9.000 con. Giá 26.000 đồng 1 con ốc".
Theo người dân địa phương, những năm trước, ít xảy ra tình trạng trộm cắp ốc, nhưng hiện nay, cứ ra biển đánh bắt là bị mất. Những người làm nghề bẫy ốc ở cửa biển Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây); Kênh Mới (xã Khánh Hải) hầu như ai cũng ít nhất 1 lần bị mất cắp ốc.
Anh Lê Hữu Nghĩa, chủ ghe ốc ở ấp Khánh Hưng A, xã Khánh Hải chia sẻ: "Chuyến vừa rồi tôi ra biển hành nghề, 1 đêm bị lấy ốc mất, trị giá khoảng 80 triệu đồng. Còn ghe mấy anh em, có người mất ốc trị giá mấy trăm triệu đồng. Mong cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn tình trạng này để bà con yên tâm làm ăn".
Trước đó, nhiều ngư dân ở cửa biển Khánh Hội, H.U Minh cũng phản ánh việc bị mất trộm ốc bẫy mực. Có ngư dân bị mất liên tục trong thời gian dài, trị giá hơn 1 tỉ đồng.
Ốc bẫy mực là cách người dân dùng vỏ ốc giác kết lại thành chuỗi để đánh bắt mực tua. Theo ngư dân địa phương, mực tua có tập tính thích chui rúc để tìm nơi trú ẩn, người dân dùng vỏ ốc nói trên để làm bẫy, nên gọi là ốc bẫy mực.