AP đưa tin động thái của ông Biden sẽ ngăn dự luật đầu tư dựa trên kế hoạch hưu trí được Quốc hội Mỹ thông qua gần đây.
Dự luật này - do đảng Cộng hòa đề xuất - cấm chính phủ xem xét các tác động môi trường hoặc các vụ kiện tiềm ẩn khi đưa ra quyết định đầu tư từ kế hoạch hưu trí của người dân.
Trong một đoạn video do Nhà Trắng công bố, ông Biden giải thích việc sử dụng quyền phủ quyết là để chặn rủi ro đối với quỹ hưu trí của người dân trên cả nước.
Tổng thống Joe Biden. Ảnh: AP
Dự luật - nếu được thông qua - sẽ giúp khôi phục lệnh cấm dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đối với các nhà quản lý liên bang về kế hoạch nghỉ hưu khi xem xét đến các yếu tố như biến đổi khí hậu, tác động xã hội hoặc các vụ kiện đang chờ xử lý.
Việc phủ quyết cũng có thể giúp xoa dịu các nhà môi trường liên quan tới dự án khoan dầu lớn gây tranh cãi ở bang Alaska.
Theo AP, ông Biden có thể phủ quyết thành công bởi chỉ có 3 đảng viên Dân chủ tại Quốc hội (1 tại Hạ viện và 2 tại Thượng viện) ủng hộ dự luật của đảng Cộng hòa, không đủ quy tụ 2/3 thành viên trong lưỡng viện để bác quyền phủ quyết.
Thống kê cho thấy ông Donald Trump đã phủ quyết 10 dự luật trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Một tổng thống khác cũng phủ quyết nhiều dự luật là ông Barack Obama (phủ quyết 12 dự luật trong 2 nhiệm kỳ tổng thống).
Cùng ngày 20-3, ông Biden ký thành luật một dự luật yêu cầu phát hành tài liệu tình báo liên quan giữa sự bùng phát đại dịch COVID-19 và một phòng thí nghiệm ở TP Vũ Hán - Trung Quốc.
"Chúng ta cần phải đi đến tận cùng nguồn gốc COVID-19, bao gồm mối liên hệ tiềm tàng đến Viện Virus học Vũ Hán. Khi thực hiện luật này, chính quyền của tôi sẽ giải mật và chia sẻ càng nhiều thông tin đó càng tốt" - ông Biden tuyên bố.
Cũng theo ông Biden, vào năm 2021, sau khi nhậm chức, ông đã "chỉ đạo cộng đồng tình báo sử dụng mọi công cụ theo ý họ để điều tra nguồn gốc COVID-19".
Xem thêm: nhc.92323754112303202-teyuq-uhp-neyuq-gnud-neit-uad-nal-nedib-eoj-gnoht-gnot/nv.fefac