Ngày 14-1, VKSND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2022. Đến dự hội nghị có Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí và ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM.
Tội phạm kinh tế, tham nhũng và chức vụ tăng
Tại hội nghị, VKSND TP.HCM báo cáo trong năm 2021, tình hình tội phạm tại địa bàn diễn biến phức tạp nhưng nhìn chung có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, một số loại tội phạm gia tăng như tội phạm kinh tế, môi trường, tham nhũng và chức vụ, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng… Cụ thể có 24 vụ án về tham nhũng và chức vụ đã khởi tố (tăng chín vụ), trong đó tham ô tài sản chiếm 14 vụ.
Đáng chú ý, VKS đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử năm vụ với 39 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Ba vụ thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo do VKSND Tối cao phân công. Ba vụ do Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM theo dõi, đôn đốc.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: CTV
Trong năm qua, tỉ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung là 10,44%, tăng 3,54% so năm 2020. Nguyên nhân trả do hết thời hạn điều tra, cơ quan điều tra chưa hoàn thiện được đầy đủ hồ sơ vụ án do không triệu tập được người trong khu vực cách ly, phong tỏa, VKS truy tố chuyển hồ sơ đến tòa nhưng không xét xử do ảnh hưởng của dịch COVID-19…
Giải quyết dứt điểm các nguồn tin về tội phạm dư luận quan tâm Lãnh đạo VKSND TP.HCM cho biết sẽ rà soát, đôn đốc để yêu cầu cơ quan điều tra, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, giải quyết dứt điểm các nguồn tin về tội phạm chưa giải quyết năm 2021 chuyển sang năm 2022. Nhất là các nguồn tin về tội phạm dư luận quan tâm, đã quá thời hạn kiểm tra, xác minh (thực hiện xong trong quý I-2022). |
Chú trọng việc chọn kiểm sát viên
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi nhận định năm vừa qua TP.HCM đối mặt với nhiều thách thức, đời sống người dân gặp không ít khó khăn do dịch COVID-19. Đây là một trong những yếu tố tiềm ẩn có thể khiến tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội mất ổn định.
VKSND TP.HCM đã phối hợp, chủ động nắm bắt tình hình, giải quyết rốt ráo nhiều vấn đề phát sinh liên quan, từ đó làm tốt công tác kiểm sát, góp phần giữ vững an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. “Đây là điều kiện rất cơ bản giúp TP ổn định, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” - ông Mãi nhấn mạnh.
VKSND TP.HCM cũng kịp thời tham mưu cho Thành ủy TP.HCM xử lý nghiêm, đúng pháp luật các vụ án tham nhũng, chức vụ. Chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử án hình sự tiếp tục được nâng cao. Cơ quan tiến hành tố tụng các cấp thuộc TP thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Ông Mãi yêu cầu VKSND TP.HCM làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, nắm chắc tình hình diễn biến tội phạm, cẩn trọng trước những vấn đề có thể ảnh hưởng đến an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội. VKSND hai cấp thuộc TP tiếp tục đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng môi trường lành mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, ông đề nghị ngành kiểm sát TP phối hợp với các cơ quan tư pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh những vụ án hình sự nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm, tập trung giải quyết tốt các vụ việc, vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Ghi nhận những nỗ lực của VKSND TP.HCM, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết tội phạm kinh tế có xu hướng tăng, đặc biệt là ở TP lớn như TP.HCM. Ông Trí yêu cầu VKSND TP.HCM phải tập trung nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường hiệu quả quản lý, đánh giá cán bộ và chất lượng công việc.
Ông Trí nhấn mạnh cần chọn ra các kiểm sát viên có năng khiếu hùng biện, sử dụng thành thạo công nghệ để tranh tụng trước những phiên tòa được dư luận quan tâm với lực lượng đông đảo luật sư tham gia. Đối với những vụ án phức tạp thì phải chọn kiểm sát viên ngay từ đầu để tham gia vụ án cho trôi chảy, vì xã hội quan sát từng lời nói, từng hành vi ứng xử nên cần phải đầu tư, có kế hoạch cụ thể và rõ ràng.
Ông Lê Minh Trí: “Viện trưởng Trảng Bàng đã nhận sai” Về công tác cán bộ, đạo đức cán bộ, ông Lê Minh Trí dẫn chứng vụ ông Tạ Hoàng Phi, Viện trưởng VKSND thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh), bị tố cáo sàm sỡ cấp dưới. Ban đầu ông Phi không thừa nhận mình sai, thậm chí còn tố ngược lại người tố cáo. Tuy nhiên, sau khi viện trưởng VKSND Tối cao yêu cầu chuyển hồ sơ sang Bộ Công an điều tra, giao Vụ 2 VKSND Tối cao phối hợp điều tra thì ông Phi đã có đơn gửi gấp cho viện trưởng VKSND Tối cao thừa nhận sai do có ăn nhậu, mất kiểm soát và xin lỗi. Trường hợp này nếu không thừa nhận sai mà ngoan cố thì sẽ bị xem xét khởi tố. “Cán bộ hư hỏng như thế dù do ăn nhậu vào, có tí nghiệp vụ mà đòi đối phó với cả ngành” - ông Trí nói. ĐH |