Tham gia các dự án outsourcing mà đội ngũ CNTT tại Việt Nam đóng góp vào những công đoạn cao trong chuỗi giá trị không chỉ là cách để nâng cao vị thế của nguồn nhân lực Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu mà còn giúp Việt Nam đẩy mạnh lợi nhuận kinh tế thu được từ lĩnh vực liên tục tăng trưởng này.
Mặc dù là ngôi sao đang lên trên thị trường outsourcing xong khi nhắc đến các điểm đến hàng đầu cho dịch vụ cung ứng phần mềm, đặc biệt tại Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam vẫn chưa thể thay thế được vị trí của Ấn Độ hay Trung Quốc. Trong khi cơ hội cạnh tranh về chi phí sản xuất gần như chia đều cho các nước thì năng lực đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và năng lực quản lý dự án được xem như là những yếu tố then chốt, giúp khách hàng đánh giá và chọn lựa các nhà cung cấp dịch vụ.
Trong tháng 3/2021 vừa qua, tập đoàn nhân sự hàng đầu Nhật Bản Mynavi công bố hợp tác chiến lược với NAL Solutions – một start-up Đà Nẵng hoạt động ở lĩnh vực tư vấn, phát triển phần mềm. Mặc dù không chính thức tiết lộ khoản đầu tư tại NAL Solutions song cả 2 phía đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ kỹ sư phần mềm và các bộ phận liên quan gồm hơn 1000 người trong 5 năm, từ 2021 đến 2026.
Chia sẻ về lý do chọn lựa NAL Solutions sau khi trao đổi, tiếp cận cùng lúc 50 doanh nghiệp khác nhau tại nhiều thị trường cung cấp dịch vụ phần mềm phổ biến như Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Philippines và Bangladesh, ông Shingo Miyake - Phó Giám đốc Vận hành Mynavi cho biết: Có 5 yếu tố chính mà các tập đoàn lớn như Mynavi sẽ tập trung đánh giá khi cân nhắc về đối tác cung ứng dịch vụ phần mềm, bao gồm: Hiểu biết về thị trường (văn hóa làm việc, ngôn ngữ); Khả năng chủ động tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới; Tư duy linh hoạt (Agile mindset), sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thử thách hoặc thậm chí là thất bại từ những dự án hợp tác; Văn hóa và con người; Tư duy toàn cầu (Global mindset) của đội ngũ sáng lập, lãnh đạo công ty.
Theo một báo cáo được Trung tâm ASEAN - Nhật Bản (Asean Japan Centre - AJC) công bố năm 2018, việc cung ứng dịch vụ phần mềm tại Việt Nam vẫn nằm ở những khâu có giá trị thấp trong chuỗi cung ứng. Trên toàn cầu, Nhật Bản được ghi nhận thuộc nhóm các nước có nhu cầu tìm kiếm dịch vụ cung ứng phần mềm mạnh, bên cạnh các thị trường lớn khác như Mỹ, Trung Quốc, Canada và Đức. Hiểu và đáp ứng được nhu cầu của những thị trường mà dịch vụ outsourcing tại Việt Nam vốn đã có kinh nghiệm là cách để nguồn nhân lực CNTT tại Việt Nam sớm nâng cao vị thế của mình, xây dựng thương hiệu để chinh phục những thị trường khác.
Nhìn nhận của AJC khi báo cáo về việc outsourcing tại thị trường Việt Nam
Thay vì hiểu outsourcing là gia công, làm theo yêu cầu sẵn có từ khách hàng, các doanh nghiệp cung ứng phần mềm tại Việt Nam cần hiểu outsourcing là cơ hội để cung ứng nguồn lực mà khách hàng chưa thể tìm thấy ở thị trường trong nước của họ. Nguồn lực mà doanh nghiệp CNTT Việt Nam mang đến vì thế phải bao gồm cả năng lực tư vấn, nghiên cứu, thiết kế, định hướng công nghệ để đồng hành cùng khách hàng ngay từ những bước đầu của cả dự án đến cả những công đoạn sau của vòng đời sản phẩm.
Đây cũng là lý do mà "tư duy toàn cầu" lại trở thành tiêu chí chọn lựa nhà cung ứng dịch vụ phần mềm theo chia sẻ từ đại diện của Mynavi. Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư, Mynavi đánh giá cao "tư duy toàn cầu" - tư duy giúp mảng outsourcing Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc làm hài lòng một bộ phận khách hàng ở một khu vực địa lý nhất định mà còn tạo dấu ấn sâu rộng, mang đến giá trị trên thị trường quốc tế.
Các nhà đầu tư luôn tìm kiếm "tư duy toàn cầu" trong đội ngũ nhân lực IT Việt Nam
Để có thể dịch chuyển trên chuỗi giá trị của việc sản xuất, cung ứng phần mềm thay vì chỉ làm những công đoạn đơn giản như lập trình, kiểm thử, bảo trì, lẽ dĩ nhiên, việc phân biệt giữa outsourcing và xây dựng, vận hành, làm chủ sản phẩm không nên tồn tại. Ông Giang Hải Anh - Giám đốc Phát triển Nhân sự tại NAL Solutions cho biết: Quá trình tuyển dụng 300 kỹ sư phần mềm trong mục tiêu của công ty năm 2022 hiện đang gặp không ít khó khăn, xuất phát từ rào cản đóng mác "outsourcing" vốn được hiểu một cách hạn hẹp và bị "bóp méo" trong nhiều năm qua.
Theo ông Giang Hải Anh, việc đóng mác "outsourcing" một cách cứng nhắc đã làm trì trệ khả năng phát triển của ngành
Việc nhìn thấy cơ hội rộng mở từ thị trường outsourcing đầy tiềm năng, gỡ bỏ lối tư duy định kiến về outsourcing truyền thống và đẩy mạnh khả năng tự nghiên cứu, phát triển sản phẩm trong hợp tác với các khách hàng khu vực và trên thế giới sẽ là bước đi đúng đắn để Việt Nam thực sự xây dựng được thương hiệu của mình trên đấu trường quốc tế.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế