Hội nghị kết nối cung cầu TP.HCM và các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: N.TRÍ
TP.HCM vẫn chưa tiêu thụ nhiều
Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Thiện Nghĩa - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết thị trường TP.HCM chỉ tiêu thụ khoảng 10-12% sản lượng nông sản của địa phương, thậm chí thị trường này chỉ tiêu thụ khoảng 2-3% sản lượng trái cây tươi của tỉnh.
Ngược lại, 70% thị trường trái cây Đồng Tháp xuất vào Trung Quốc, trong đó chủ yếu xuất tươi qua tiểu ngạch với nhiều rủi ro. Do đó, tỉnh rất cần sự hỗ trợ, liên kết từ TP.HCM để tăng lượng nông sản tiêu thụ, đặc biệt những sản phẩm đang rớt giá.
"Đồng Tháp có nông nghiệp nhưng chưa có kho lạnh, bảo quản, chế biến và doanh nghiệp lớn để đảm bảo sự phân phối. Các doanh nghiệp cần gì cứ đặt hàng, chúng tôi cam kết đáp ứng", ông Nghĩa khẳng định.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre - cho biết tỉnh có hơn 70.000ha dừa với hơn 100 sản phẩm chế biến từ dừa, 30.000ha trái cây khác, tuy nhiên rất ít sản phẩm này được tiêu thụ tốt trên hệ thống hiện đại ở TP.HCM.
"Chúng tôi cần doanh nghiệp hỗ trợ khâu sơ chế, đóng gói và định hướng thị trường để người dân làm đúng tiêu chuẩn. Tránh tình trạng sản xuất xong rồi không biết bán ở đâu dẫn đến tồn đọng rớt giá như thanh long, mít Thái, dưa hấu hiện nay", bà Nga nói.
Đại diện một số địa phương cho biết, cái khó hiện nay là nhiều nông dân không biết trồng cái gì, tiêu chuẩn ra sao để phù hợp với nhu cầu thị trường dẫn đến việc sản xuất mất cân đối, ùn ứ rớt giá. Do đó, rất cần nhà thu mua đưa ra các tiêu chuẩn, phương thức sản xuất cụ thể để người dân điều chỉnh sản xuất cho phù hợp.
Ghi nhận ý kiến các địa phương tại hội nghị, bà Phan Thị Thắng - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cam kết sẽ tạo điều kiện để các địa phương đưa hàng hóa vào hệ thống các chợ đầu mối, phân phối của thành phố, đặc biệt dịp cao điểm Tết.
"Ba chợ đầu mối gồm Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức cung ứng 60-70% nhu cầu thực phẩm tươi sống cho thành phố, 9 hệ thống phân phối chủ lực chiếm 60-70% thị phần bán lẻ thành phố, và lượng lớn doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến đã cam kết hỗ trợ tiêu thụ nông sản các tỉnh", bà Thắng khẳng định.
Nhiều hợp đồng ghi nhớ hợp tác, tiêu thụ hàng hóa được ký kết tại hội nghị - Ảnh: N.TRÍ
Nhiều hợp đồng ghi nhớ hợp tác, tiêu thụ nông sản được ký kết
Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết 22 biên bản hợp tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ, sản xuất, thương mại điện tử TP.HCM với các hợp tác xã tỉnh Đồng Tháp, trong đó có nhiều hợp đồng ký kết tiêu thụ hàng hóa dịp Tết.
Sở Công thương Đồng Tháp cũng ký kết phát triển thương mại điện tử và thu mua hàng hóa với Công ty CP Tiki, Công ty CP Công nghệ Sendo, Hội Công nghệ cao, Big C và Sở Công thương TP.HCM.
Cần sớm tăng cường khâu chế biến sâu, thay đổi bao bì
Trao đổi tại chương trình, đại diện nhiều đơn vị thu mua cho rằng nhu cầu thị trường rất lớn, để đẩy nhanh tiêu thụ nông sản thì cần phải nhanh chóng đẩy mạnh hệ thống kho lạnh, kho trữ, nhà máy chế biến sâu.
Cụ thể, đại diện Tập đoàn Central Retail cho biết mỗi ngày chuỗi siêu thị đơn vị có 0,6% khách mua thanh long, 1,6% mua xoài, và quýt ở mức thấp nên dư địa thị trường tiêu thụ vẫn còn rất nhiều.
"Chúng tôi sẽ về lại Đồng Tháp và các tỉnh để xây dựng thương hiệu trái cây, đặc biệt xoài cát Hòa Lộc. Các thị trường lớn như Mỹ, Nhật... có nhu cầu đối với trái cây Việt Nam rất nhiều", đại diện đơn vị này khẳng định.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Tùng - giám đốc Vina T&T (TP.HCM), cái thiếu hiện nay là khâu chế biến. Cụ thể, nông sản loại 1 chủ yếu được xuất khẩu, loại 2 được phân phối trong nước, và loại 3 có sản lượng rất lớn, phù hợp cho chế biến thì không mấy ai mua dẫn đến ứ đọng, đổ bỏ.
Ngoài ra, hầu hết doanh nghiệp chỉ làm bao bì để tiêu thụ trong tỉnh, trong nước nên rất sơ sài. Do đó, khi cần hàng xuất khẩu không tìm ra sản phẩm đạt chuẩn, rất khó.
TP.HCM: Tổ chức hội chợ xuất khẩu, xây dựng bộ tiêu chí hàng hóa
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Nguyên Phương - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết dự kiến tháng 6-2022 TP sẽ tổ chức hội chợ chuyên về hàng xuất khẩu để hỗ trợ cho doanh nghiệp học hỏi kinh nghiệm, xúc tiến, trưng bày hàng hóa xuất khẩu. Đồng thời tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp sớm tiếp cận cụ thể yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa.
"TP sẽ xem xét sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn về hàng hóa để tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp các địa phương chủ động trong sản xuất, chế biến", ông Phương khẳng định.
TTO - Nhiều hình thức tiêu thụ nông sản mới đã được hình thành trong các đợt giãn cách vừa qua, mở ra cơ hội sản xuất và tăng giá trị nông sản cho nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long.