Sáng ngày 14/01/2022, Khối Viễn thông (gồm 05 đơn vị: Vụ Công nghệ Thông tin, Cục Viễn thông, Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Bưu điện Trung ương, Trung tâm Internet Việt Nam) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
Theo thông tin tại Hội nghị, năm 2022, Cục Viễn thông sẽ thực hiện việc phủ sóng mạng băng rộng di động tốc độ trên 1Gb đến các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; 100% người trưởng thành có Smartphone; 75% hộ gia đình có FTTH; 85% thuê bao băng rộng di động/100 dân; Thị phần dịch vụ điện toán đám mây của doanh nghiệp Việt Nam chiếm 40%.
Đáng chú ý, Cục Viễn thông đặt mục tiêu năm 2022, 100% người sử dụng điện thoại di động có tài khoản Mobile Money.
Mobile money, hay còn được gọi là tiền di động, được hiểu là hình thức thanh toán được thực hiện bằng hoặc thông qua một thiết bị di động và vận hành theo quy định tài chính của mỗi quốc gia. Thay vì thanh toán bằng tiền mặt, séc hoặc thẻ tín dụng, người tiêu dùng có thể sử dụng tài khoản của điện thoại di động để thanh toán cho các dịch vụ hàng ngày.
Tại Việt Nam, hình thức thanh toán qua tài khoản viễn thông (mobile money) đã được Bộ TT&TT đề xuất vào khoảng 2 năm trước và đã được Chính phủ đồng ý thí điểm thanh toán với hàng hóa có giá trị nhỏ, ở một đơn vị viễn thông.
Tháng 11/2021, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chính thức cấp phép cho 3 nhà mạng viễn thông gồm Viettel, VNPT và Mobiphone triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money. Đây là một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Được biết, hạn mức giao dịch Mobile Money không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản cho tổng giao dịch. Những thuê bao di động định danh rồi mới được mở tài khoản Mobile Money do đó không cần phải lo lắng về việc SIM rác.
Theo Thu Thuỷ
Doanh nghiệp & Tiếp thị