vĐồng tin tức tài chính 365

Đồng Nai: Dự án trọng điểm có nguy cơ vỡ kế hoạch vì... cao su

2023-09-01 13:23

Tổng công ty Cao su Đồng Nai chưa chịu nhận tiền, giao đất

Dự án tuyến giao thông kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Tuyến số 1 và Tuyến số 2) được phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 1777/QĐ-TTg ngày 11/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I và Quyết định số 4892/QĐ-UBND ngày 24/12/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Với Tuyến số 1, diện tích phải thu hồi là 66,45 ha/321 trường hợp, thuộc địa bàn xã Long An và xã Long Phước (huyện Long Thành, Đồng Nai), với chiều dài 3,8 km.

Theo UBND huyện Long Thành, tới thời điểm này, huyện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 321 trường hợp/60,56 ha, đạt tỷ lệ 100% của Dự án. Cơ quan chức năng đã bàn giao mặt bằng cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP 57,39 ha, đạt tỷ lệ 94,77%.

Với Tuyến số 2, quy mô 59,68 ha, ngoại trừ 9,67 ha đất sông suối không tính giá trị bồi thường, thì Đồng Nai phải thu hồi hơn 50,1 ha của 451 trường hợp.

Tới thời điểm này, UBND huyện Long Thành đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 450 trường hợp/39,01 ha.

“Còn lại một trường hợp/11 ha là đất do Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty Cao su Đồng Nai quản lý. UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt phương án bồi thường và quyết định thu hồi đất. Tuy nhiên, đến nay, Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty Cao su Đồng Nai chưa đồng ý nhận tiền và bàn giao đất”, UBND huyện Long Thành báo cáo tại buổi tổng kết công tác bàn giao mặt bằng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tổ chức ngày 25/8.

Thế nên, ở Tuyến số 2, Đồng Nai mới bàn giao được 7,1 ha diện tích mặt bằng cho ACV.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có nguy cơ vỡ kế hoạch

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn I) có tổng chiều dài 53,7 km, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng mức đầu tư gần 18.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công.

Dự án thực hiện theo Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, được khởi công tháng 6/2023 và dự kiến đưa khai thác đồng bộ trong năm 2026.

Dự án được chia thành 3 thành phần. Dự án thành phần 1, do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, dài 16 km, tổng mức đầu tư 6.012 tỷ đồng. Dự án thành phần 2, do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư, dài 18,2 km, tổng mức đầu tư 6.852 tỷ đồng. Dự án thành phần 3, do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư, dài 19,5 km, tổng mức đầu tư 4.693 tỷ đồng.

Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải đã phải có cuộc họp về tiến độ Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, tiến độ triển khai Dự án rất chậm, có nguy cơ không đáp ứng theo chỉ đạo của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ.

Tính đến ngày 18/8, Bà Rịa - Vũng Tàu đã bàn giao được đạt 78% diện tích mặt bằng để triển khai thi công; đã hoàn thành kiểm kê, khảo sát giá đất và phê duyệt phương án bồi thường.

Nhưng Đồng Nai mới giao được khoảng 6% mặt bằng cho Dự án thành phần 2. Còn tại Dự án thành phần 1 do chính tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, diện tích đất thuộc tuyến chưa được kiểm kê, khảo sát và duyệt phương án bồi thường.

Tìm hiểu của chúng tôi, việc chậm bàn giao mặt bằng ở Đồng Nai do các bên chưa thống nhất việc hỗ trợ thu hồi đất dự án hiện thuộc sự quản lý của Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Dự án Khu tái định cư Long Đức.

Cụ thể, sau khi đo đạc, cắm mốc, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai xác định, có hơn 19 ha đất do Tổng công ty Cao su Đồng Nai quản lý. Trong đó, diện tích đất thuộc thành phần 1, thành phần 2 của Dự án gần 18 ha, còn lại là phần diện tích nằm trong Khu tái định cư Long Đức cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Tuy nhiên, giữa 2 bên không thống nhất về các khoản hỗ trợ để chặt hạ cây và bàn giao mặt bằng.

Tới tháng 5/2023, UBND Đồng Nai đã có văn bản đề nghị Tập đoàn Cao su Việt Nam chỉ đạo Tổng công ty Cao su Đồng Nai (đơn vị trực thuộc) khẩn trương thanh lý cây cao su và bàn giao toàn bộ diện tích đất nằm trên Dự án.

Sở dĩ phải yêu cầu “công ty mẹ” lệnh cho “công ty con”, bởi theo UBND Đồng Nai, đây dự án trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội, Chính phủ yêu cầu phải đảm bảo bàn giao khoảng 70% mặt bằng của dự án và khởi công trước ngày 30/6/2023.

Nhưng tính tới cuộc làm việc mới đây giữa Bộ Giao thông - Vận tải với cơ quan chức năng, thì việc thu hồi đất của Tổng công ty Cao su Đồng Nai nằm trong phạm vi dự án trên và Dự án Khu tái định cư Long Đức chưa thống nhất về các khoản hỗ trợ để chặt hạ cây và bàn giao mặt bằng.

Ngoài ra, Đồng Nai còn chưa thể thu hồi đất do Trường Giáo dưỡng số 4 tại Đồng Nai quản lý để thực hiện Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, do vướng quy hoạch điều chỉnh đất an ninh - quốc phòng.

Cũng liên quan dự án trên, tiến độ đầu tư xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn TP. Biên Hòa và huyện Long Thành không đảm bảo để bố trí tái định cư cho các hộ dân trong năm 2023. Do đó, không thể thực hiện việc thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường cho các hộ bị thu hồi đất ở trong năm 2023.

Đấu giá đất công làm dự án cũng tê liệt vì đất cao su

Sở Tài chính Đồng Nai đang xây dựng chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với giá cây cao su theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai. Lãnh đạo tỉnh này cũng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu quy trình thu hồi đất cao su để sớm triển khai các dự án.

Trên địa bàn tỉnh tỉnh Đồng Nai, hiện có nhiều khu đất cao su diện tích lớn do Tổng công ty Cao su Đồng Nai quản lý. Do vậy, không chỉ 2 dự án trên, mà có hàng chục dự án trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, khu tái định cư, khu công nghiệp, khu dân cư ở Đồng Nai cũng vướng đất cao su, như Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, Khu công nghiệp Long Đức, Khu công nghiệp Bàu Cạn - Tân Hiệp…

Nguyên nhân cũng bởi giữa các bên liên quan chưa thống nhất được mức giá, chính sách hỗ trợ vườn cây cao su.

Vì khó khăn này, trong 2 năm (2022-2023), tỉnh Đồng Nai triển khai đấu giá quyền sử dụng đất hàng loạt khu đất để có nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, nhưng tiến độ rất chậm.

Cụ thể, tháng 5/2022, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch số 105 dự kiến trong năm 2022 đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất 15 khu đất (hơn 157 ha). Sau đó, UBND tỉnh này phê duyệt phương án đấu giá và đăng thông tin bán đấu giá tới 2 lần chỉ với 2 khu đất, nhưng không có người tham gia.

Thế nên, 6 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh Đồng Nai lại phải ban hành kế hoạch về đấu giá quyền sử dụng và giao tổ chức đấu giá 3 khu đất (gần 59 ha), với giá khoảng 639,6 tỷ đồng và hoàn thành các thủ tục để đưa ra đấu giá tiếp trong năm 2024 đối với 8 khu đất khác có diện tích hơn 97,4 ha.

Nguyên nhân đưa đất vào đấu giá bị vỡ kế hoạch, theo UBND tỉnh Đồng Nai, ngoài sự phối hợp giữa cơ quan chức năng chưa đồng bộ, kịp thời, thì còn do nhiều khu đất của Tổng công ty Cao su Đồng Nai chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng do chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể. Một số khu đất, công ty này đã nhận tiền bồi thường, nhưng chưa cưa cắt cây để bàn giao mặt bằng. Khi không có mặt bằng sạch, thì không thể tổ chức đấu giá.

UBND tỉnh Đồng Nai thừa nhận, việc chậm trễ trên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm có nguồn vốn từ khai thác đấu giá đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Trong khi đó, Đồng Nai đang triển khai 19 dự án trọng điểm quốc gia và địa phương, chủ yếu là dự án hạ tầng giao thông. Năm 2023, các dự án trọng điểm ở Đồng Nai được bố trí tổng nguồn vốn hơn 4.000 tỷ đồng (chiếm hơn 50% số vốn phân bổ cho các dự án của tỉnh). Nhưng tính đến đầu tháng 8/2023, tỉnh này mới giải ngân được trên 450 tỷ đồng, đạt khoảng 11% kế hoạch.

Sẽ có chế tài nếu không giao mặt bằng làm đường kết nối sân bay

Tại buổi tổng kết bàn giao mặt bằng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam, tổ chức ngày 25/8/2023, liên quan đến 11 ha là đất do Tổng công ty Cao su Đồng Nai quản lý chưa bàn giao làm dự án Tuyến 2 đường kết nối Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, UBND huyện Long Thành cho biết sẽ tiến hành song song 2 việc: tiếp tục tổ chức vận động nhận tiền bàn giao mặt bằng, đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức các biện pháp hành chính (cưỡng chế) thu hồi đất theo quy định. Việc này cũng áp dụng với một số diện tích đất chưa thu hồi được ở dự án Tuyến 1 đường kết nối sân bay.

Xem thêm: lmth.940923tsop-us-oac-iv-hcaoh-ek-ov-oc-yugn-oc-meid-gnort-na-ud-ian-gnod/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Đồng Nai: Dự án trọng điểm có nguy cơ vỡ kế hoạch vì... cao su”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools