Báo cáo tài chính cuối năm 2021 của AAC Technologies , một tập đoàn chuyên sản xuất và cung cấp linh kiện điện tử cho các "ông lớn" công nghệ như Apple, Huawei, Samsung, Xiaomi, Oppo/Vivo,... không được sáng sủa cho lắm. Lợi nhuận quý 3/2021 bị giảm sâu đến hơn 1/2 so với cùng kỳ năm 2020.
Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này không nằm ngoài cơn "cuồng phong COVID-19" càn quét khắp thế giới làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy nghiêm trọng khiến con số lãi ròng trong 3 tháng cuối năm của họ chỉ đạt được 32.6 triệu USD, "bốc hơi" mất hơn 51% so với năm ngoái.
Mặc dù vậy, ông Pan Benjamin Zhengmin, vị "tổng tư lệnh" của AAC Technologies, không hề xem đó là một thất bại đáng xấu hổ, bởi theo ông thì "điều quan trọng hơn cả là chúng ta phải hướng tới tương lai".
Tuy bị ảnh hưởng ít nhiều bởi tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhưng khối tài sản khổng lồ của người đàn ông 52 tuổi này vẫn không mấy suy suyển với hơn 2.8 tỷ USD theo thống kê mới nhất của Forbes đầu năm 2022.
Ông cũng là một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới, đứng vị trí thứ 83 người giàu nhất Trung Quốc và thứ 32 người giàu nhất trong lĩnh vực công nghệ trên toàn cầu.
Mặc dù rất giàu có và là đối tác quan trọng của những doanh nghiệp hàng đầu thế giới, nhưng Pan Zhengmin là một người rất kín tiếng. Thông tin về ông trên báo chí thế giới khá ít ỏi, hầu như chỉ có một vài chi tiết cơ bản về nhân thân. Ông cũng hiếm khi xuất hiện để tuyên bố các triết lý kinh doanh "hoành tráng" như một số doanh nhân khác.
Từ ông giáo dạy Toán đến đế chế linh kiện điện tử tỷ đô
Pan Zhengmin sinh năm 1969 tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Khác với hình dung của nhiều người về việc ông được đào tạo trong ngành kỹ thuật hoặc điện tử, Zhengmin lại theo học và tốt nghiệp ngành sư phạm Toán tại trường cao đẳng sư phạm TP. Vũ Tiến (tỉnh Giang Tô) năm 1987.
Sau khi ra trường và làm nghề giáo viên dạy môn Toán một thời gian, ông nhận ra bản thân không thật sự phù hợp với nghề "gõ đầu trẻ" chút nào. Đây cũng chính là thời điểm bùng nổ các thiết bị điện tử trên phạm vi toàn cầu, và bằng trực giác nhạy bén của mình, ông đã nhìn thấy trước cơ hội hái ra tiền cho lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử ở thị trường tỷ dân của Trung Quốc.
Trụ sở của tập đoàn AAC Technologies ở Trung Quốc (Ảnh: AAC Technologies)
6 năm sau khi yên bề gia thất, ông cùng với vợ là bà Ingrid Chunyuan Wu, lúc đó đang là y tá trong một bệnh viện địa phương, đã quyết định cùng nhau sáng lập nên doanh nghiệp của riêng mình mang tên AAC Technologies vào năm 1993.
Thời gian đầu, cả hai chỉ làm gia công linh kiện cho những thiết bị nghe nhìn nội địa, bao gồm: loa, microphone, anten, thiết bị thu phát,.... Đến năm 1998, công ty AAC Technologies mới có cơ hội bắt tay làm ăn với tập đoàn điện tử danh tiếng toàn cầu của Mỹ thời bấy giờ là Motorola.
5 năm sau đó, vợ chồng ông chuyển hướng sang tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp điện thoại di động cho đối tượng khách hàng rộng rãi hơn, không chỉ ở Trung Quốc đại lục mà còn ở thị trường quốc tế. Tập đoàn này này trở thành đối tác chính chuyên sản xuất và cung cấp linh kiện điện thoại di động, drive cho các hãng sản xuất điện thoại di động thông minh và thiết bị nghe nhìn trên toàn cầu, trong đó có cả hãng Apple và Sony Ericson.
Thời điểm đó, người ta thống kê được và nhận ra rằng, cứ 10 chiếc điện thoại di động bán ra thì có 5 chiếc được gắn linh kiện mang thương hiệu AAC. Công việc kinh doanh diễn ra hết sức thuận lợi nên đến năm 2005, AAC Technologies chính thức trở thành công ty đại chúng ở Hong Kong với giá trị ròng lên tới 386 tỷ USD. Thương hiệu của tập đoàn này phổ biến đến nổi bất cứ khách hàng nào ở Hong Kong đã bước chân vào cửa hiệu của AAC Technologies thì khi trở ra cũng phải mang theo cho mình ít nhất một món đồ công nghệ nào đó.
AAC là nhà cung cấp các linh kiện điện tử chính cho điện thoại thông minh của hãng Apple (Ảnh: AP)
Không chỉ thành công với tập đoàn AAC Technologies, ông Pan Zhengmin còn tiếp tục khẳng định bản thân bằng cách sáng lập thêm một loạt công ty khác, trong đó có hai cái tên nổi bật là Shenzhen Meiou và Changzhou AAC.
Cặp vợ chồng doanh nhân này cùng nhau "song kiếm hợp bích" để quản lý và điều hành các công ty của mình không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở cả Mỹ và các quốc gia khác. Năm 2018, Pan Zhengmin được tạp chí Harvard Business Review vinh danh là một trong 10 CEO có thành tích xuất sắc nhất Trung Quốc, xếp ở vị trí thứ 5.
Giờ đây, thương hiệu AAC đang được nhượng quyền với hơn 200 hãng sản xuất thiết bị điện tử, chiếm hơn 40% thị phần toàn cầu. Tập đoàn này vẫn đang không ngừng mở rộng thị trường kinh doanh của mình đến nhiều địa điểm mới trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
AAC Technologies và dấu ấn tại Việt Nam
Cuối tháng 12/2017, Công ty TNHH AAC Technologies Việt Nam đã tổ chức lễ khởi công xây dựng dự án Nhà máy AAC Technologies Vĩnh Phúc có tổng mức đầu tư khoảng 35 triệu USD.
Đây là nhà máy thứ hai của AAC Technologies tại Việt Nam chuyên sản xuất, lắp ráp Module âm học siêu nhỏ và các dây chuyền sản xuất khác đáp ứng nhu cầu thị trường linh kiện điện tử đang ngày càng nóng lên ở quy mô toàn cầu. Trước đó, AAC Technologies Việt Nam đã có mặt tại khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Doanh nghiệp này đã góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động tại hai địa phương nói trên.
AAC Technologies Việt Nam là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được ghi nhận năm 2019 (Ảnh: AAC Technologies)
Tháng 12/2019, Công ty TNHH AAC Technologies Việt Nam đã vinh dự được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng bằng khen vì đã có những đóng góp tích cực cho Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Nguyễn Thuận
Doanh nghiệp tiếp thị
Xem thêm: nhc.35370938061102202-elppa-ac-coud-ur-neyuq-ehc-ed-av-na-ib-couq-gnurt-uhp-yt/nv.zibefac