Trò xưa như Trái đất ấy hóa ra cứ tồn tại mãi, khiến không biết bao nhiêu "đấng mày râu ngã ngựa", mà hình như "dây kinh nghiệm" vẫn dài vô tận, rút hoài chưa thấy bóng dáng đoạn cuối nằm ở đâu.
Cuộc phiêu lưu tình ái kiểu ông Phi quả là không mới, nó quen quen và nông choẹt như lỗ chân trâu, nhưng các vị lắm quyền nhiều thế rất hay tàn đời khi sa chân. Nó làm cho không ít vị có chức sắc phải trả giá bởi cái mặt nạ đạo đức bị xé toang từng mảnh. Nó là hậu quả không chỉ xuất phát từ bản năng hoang dã của con người luôn ẩn phía sau, mà còn do sự buông lỏng kỷ cương của chính thủ phạm lẫn cấp trên quản lý.
Nhân gian vẫn thường tặc lưỡi bỏ qua chuyện háo sắc, tà dâm. Cho nên mấy anh thuộc loại "quan trên trông xuống, người ta trông vào" rất hay quá đà, nếu không tự rèn luyện, không tự khép mình thì tất yếu sẽ dẫn đến việc bất chấp luân thường đạo lý.
Trong khi đó, không phải cấp trên nào cũng nghiêm khắc, luôn giữ vững kỷ cương phép nước, thẳng thắn vạch trần và trừng trị mọi sự đồi bại, trụy lạc. Thực tế cho thấy có không ít vị lãnh đạo rất dễ dãi, xuề xòa, coi đó là... chuyện sinh hoạt cá nhân, bới ra thêm phiền phức, đó là chưa kể cố tình bao che với nhiều lý do khác nhau.
Dù cố gắng biện minh bằng thứ lý lẽ "nhân vô thập toàn" thì cũng khó chấp nhận khi người bình thường có hành vi xâm phạm thân thể phụ nữ, riêng ông Phi - một quan chức cầm cân công lý - lại càng không thể bỏ qua. Nghề nghiệp của ông là đặc thù, được hưởng phụ cấp liêm chính, đáng ra ông phải tạo dựng hình ảnh đẹp đẽ, đằng này ông lại nêu gương xấu.
Điều đó chẳng những làm cho chính ông thân bại danh liệt mà còn vấy bẩn chốn công đường, gây tổn hại nơi tôn nghiêm và ảnh hưởng tiêu cực đến thanh danh đồng nghiệp. Liệu ông còn tư cách nào để nhân danh điều kia khoản nọ mà luận công phán tội?
Hành vi của ông Phi hoàn toàn không đơn giản, nhưng hình như cơ quan chủ quản là Viện KSND Tây Ninh không nhận thức đầy đủ tính chất trầm trọng và đầy nhạy cảm, đồng thời nhanh chóng có biện pháp giải quyết rốt ráo, thỏa đáng. Sự việc xảy ra khoảng trung tuần tháng 10, tới ngày 12-12, khi có yêu cầu mới có báo cáo lên ông Lê Minh Trí - viện trưởng Viện KSND tối cao.
Theo lời ông Trí, suốt thời gian khá dài, cấp cơ sở lẫn Viện KSND Tây Ninh không xử lý được vụ việc, thậm chí nạn nhân còn bị tố ngược, đến khi dự định chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra vào cuộc thì ông Phi mới vội làm đơn thừa nhận sai phạm của mình.
Trước tình hình như vậy, lãnh đạo Viện KSND tối cao buộc phải có văn bản gửi Viện KSND Tây Ninh, đặt câu hỏi: Làm hết trách nhiệm chưa, tại sao không kịp thời báo cáo lên trên?
Thật là sai lầm nếu ai đó cứ nghĩ "một tay có thể che trời". Ông Lê Minh Trí cũng là người, cũng hỷ - nộ - ái - ố, chính ông tâm sự rằng rất đau xót khi phải kỷ luật thuộc cấp, sẵn lòng chia sẻ tai nạn rủi ro, nhưng làm lãnh đạo không nghiêm thì không nên làm lãnh đạo. Nên nhớ, đất nước này còn nhiều ông Trí, những kẻ gieo rắc tội lỗi dẫu ở cương vị nào cũng coi chừng!
TTO - Viện trưởng Viện KSND tối cao vừa yêu cầu Viện KSND Tây Ninh trình bày rõ lý do vì sao chậm trễ báo cáo, làm rõ thông tin vụ viện trưởng Viện KSND thị xã Trảng Bàng sàm sỡ nhân viên dưới quyền.
Xem thêm: mth.13865647061102202-mal-nen-gnohk-iht-meihgn-gnohk-am-oad-hnal/nv.ertiout