"Blouse trắng" là vở kịch được NSƯT Trịnh Kim Chi thực hiện nhằm tri ân lực lượng y bác sĩ tuyến đầu. Vở đã công diễn tối 10-1 và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả trong đó có các y bác sĩ, tình nguyện viên…
PLO đã có buổi trò chuyện với NSƯT Trịnh Kim Chi để được nghe về những khó khăn cũng như niềm hạnh phúc sau khi hoàn thành vở kịch đầy ý nghĩa.
NSƯT Trịnh Kim Chi trong poster vở "Blouse trắng". Ảnh: NVCC.
Hạnh phúc ngày trở lại và khó khăn bởi dịch bệnh
. Phóng viên: Chúc mừng NSƯT Trịnh Kim Chi đã công diễn thành công vở "Blouse trắng" tại Liên hoan Kịch nói Toàn quốc 2021. Trở lại sân khấu có khán giả sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh cảm xúc của chị thế nào?
+ NSƯT Trịnh Kim Chi: Tôi thật sự rất vui, giống như cá được trở về với nước vậy. Gần hai năm không được lên sân khấu, diễn lại cầm chừng nên không đủ để tôi thoả mãn niềm đam mê của mình cũng như với tình hình dịch càng khốc liệt thời gian qua thì thực sự là rất buồn và lo cho tết năm nay.
Tuy nhiên đến hiện tại tôi đã tự tin hơn rất nhiều vì tình hình tiêm phòng dịch đã đầy đủ và một phần nữa trong thời gian liên hoan sân khấu tôi đi đến các sân khấu thì thấy mọi người rất hồ hởi và chuẩn bị tâm thế để được lên sân khấu ngay cả sân khấu của tôi cũng vậy.
. Được biết, đêm diễn rất thành công với sự đón nhận của đông đảo khán giả trong đó có những người trong lực lượng tuyến đầu. Vậy sau khi vở diễn kết thúc chị có tiếc nuối điều gì không?
+ Nói đúng hơn, đó không phải là tiếc mà là cố gắng để khắc phục. Đêm diễn đầu tiên của Blouse trắng theo tôi là chưa trọn vẹn lắm, điều tôi muốn là nó phải trọn vẹn 100%.
Vì vậy sau suất diễn đầu tiên này tôi sẽ chỉnh sửa lại một chút, họp lại để rút kinh nghiệm một số chi tiết để mọi người làm cho hoàn thiện và gây hiệu ứng mạnh hơn với khán giả. Và tôi tin rằng, nếu vở diễn này được lan toả, được biểu diễn nhiều suất thì vở diễn sẽ càng chạm đến trái tim của mọi người nhiều hơn.
Vở "Blouse trắng" tái hiện hình ảnh phòng cấp cứu bệnh viện dã chiến trong những ngày TP.HCM căng mình chống dịch. Ảnh: NVCC.
. Điều khiến chị tâm đắc nhất với vở diễn lần này là gì?
+ Điều tôi tâm đắc nhất là tôi đã tái hiện được thời điểm khắc nghiệt, khó khăn, ác liệt nhất của người dân cũng như lực lượng tuyến đầu của TP.HCM. Đồng thời, tôi đã đề cao được sự hi sinh cống hiến của lực lượng y bác sĩ.
Hiện tại bây giờ chúng ta cũng chưa thể khẳng định đã chiến thắng hoàn toàn đại dịch nên cái kết trong vở Blouse trắng là sự hi sinh mất mát của nữ bác sĩ khi người thân của mình ra đi.
Ở đây có một câu nói mà tôi nhớ mãi: "Để cho không ai bị bỏ rơi lại phía sau thì chúng ta phải bỏ rơi chính gia đình và người thân của mình". Đấy là sự hi sinh rất to lớn của lực lượng y bác sĩ và cái kết này đã được tôi thực hiện trọn vẹn nhất và nó đã đánh vào trái tim thổn thức của rất nhiều người, bởi họ biết được rằng bên cạnh họ có những người đang sẵn sàng cứu giúp họ về sức khoẻ, mạng sống và phải trả giá như thế nào.
. Trở về những ngày tập luyện trong thời điểm thành phố vẫn còn dịch bệnh đã tạo ra những khó khăn gì cho chị và mọi người?
+ Thực ra vở này tôi đưa ý tưởng, lên nội dung kịch bản vào tháng 6 khi dịch bệnh bắt đầu căng thẳng. Tôi và bạn biên tập đã bàn luận và chỉnh sửa rất nhiều mới co được một kịch bản hoàn thiện.
Đến tháng 9, TP.HCM vẫn chưa hết giãn cách, tôi bắt đầu làm việc với đạo diễn, sau đó tôi làm việc với diễn viên. Sang tháng 10 thì ê-kíp thực hiện trên online, tôi cùng mọi người họp và phân tích từng nhân vật trong vở diễn.
Qua giữa tháng 11, vở diễn mới được đưa lên sàn, lúc đó thành phố cũng mới mở giãn cách cho nên tất cả mọi điều vẫn còn rất rụt rè. Lúc đó tôi cũng chưa thể tập hợp các diễn viên phụ (vở diễn hơn 40 diễn viên) mà chỉ làm việc với diễn viên chính trước.
Cuối tháng 11, tôi bắt đầu làm việc trên sân khấu. Làm việc cũng khá nhiều nhưng không thường xuyên vì mặt bằng cũng không thể thuê liên tục, dù được hỗ trợ nhưng tôi cũng tính toán sao cho hợp lý. Ngoài ra, cứ ba ngày phải test COVID một lần cho 40 người vì nếu như có một bạn bệnh lây cho những người khác thì nguyên một vở sẽ hỏng, ngưng trệ lại hết.
Sau hai tuần tập luyện, thì cũng rơi rụng một số bạn bị F0, F1 rồi gia đình có vấn đề nên phải bổ sung những bạn khác vào và phải tập luyện cho người đó lại từ đầu vì vở diễn cần sự phối hợp nhịp nhàng từ mọi người chứ không phải chỉ riêng các diễn viên diễn với nhau vì vậy rất là cực.
Vở diễn đã chạm đến trái tim khán giả khi lột tả được những mất mát do dịch COVID-19 gây ra. Ảnh: NVCC.
Nhiều sự cố trong đề tài khó
. Trong quá trình tập luyện chị có tham khảo hay nhận đóng góp từ những người bác sĩ chuyên môn?
+ Có chứ. Sau khi hoàn thiện quá trình tập luyện, gần đến ngày phúc khảo tôi đã mời nhân viên y tế, bác sĩ đến và diễn lại cho họ xem xem là những động tác, cách sơ cứu… nguyên tắc sử dụng dụng cu y tế, trang phục có đúng không cũng như những ngữ điệu hình thể của một bác sĩ có hợp lý không?
Không chỉ vậy, vì đây là vở diễn tả thực khung cảnh một bệnh viện dã chiến và một phòng cấp cứu nên tôi cũng nhận tư vấn từ bác sĩ rất là nhiều: cách người ta khử khuẩn, xử lý thi thể như thế nào?...
Thậm chí, trước 7 ngày công diễn vở kịch, một bác sĩ đã góp ý cho tôi là poster bị sai về nguyên tắc y tế. Trước đó tôi nghĩ sẽ lấy hình ảnh lúc y bác sĩ được nghỉ ngơi nên không cần thiết phải che mặt vì sẽ khiến khán giả không nhìn thấy được mặt diễn viên.
Tuy nhiên khi mọi người xem thì không hiểu ý này vì vậy bác sĩ mới nói là sai về nguyên tắc phòng dịch của lực lượng y tế, nên tôi đã bỏ toàn bộ phướng, poster, gần 500 vé và tour để quảng bá vở diễn và làm mới lại hoàn toàn.
Thực sự mà nói, nếu như tôi không sửa thì cũng chẳng sao nhưng vì đây là vở kịch tri ân lực lượng y bác sĩ nên tôi không muốn họ cảm thấy bị tổn thương hay khó chịu mà thay vào đó là cảm thấy hài lòng và được trân trọng. Tôi làm mới lại từ đầu dù hơi tốn kém nhưng như vậy mình sẽ cảm thấy yên tâm hơn.
. Theo chị, điều khó khăn nhất khi thực hiện vở kịch về đề tài y bác sĩ là gì?
+ Khi tôi quyết định làm về đề tài này nhiều người cho rằng đây là đề tài khó và rất dễ bị bắt lỗi, vì là một ngành nghề rất phức tạp nên tôi cũng rất căng thẳng trong suốt thời gian dựng vở diễn.
Ngay cả thời gian chuẩn bị kịch bản tôi cũng cân đo đong đếm từng cảnh, từng nội dung để làm sao cho nó hợp lý và đúng với hoàn cảnh cũng như ngữ điệu để mình thể hiện đúng hình ảnh của một người bác sĩ về công việc của họ. Sau khi kịch bản xong rồi thì lại đến những điều lặt vặt trong y tế như trang phục, dụng cụ y tế cho đến cách cấp cứu như thế nào.
Nói chung đây là vở với một đề tài quá khó khi chuyển tải lên sân khấu chỉ cần sai một chút sẽ bị bắt lỗi mà lỗi đấy khi mình làm vở thì không thể nào cho phép được vì vở diễn mang ý nghĩa ca ngợi một ngành rất quan trọng của đất nước.
"Blouse trắng" là vở kịch tri ân các y bác sĩ với sự hi sinh to lớn trong những ngày dịch bệnh căng thẳng. Ảnh: NVCC.
. Tết Nguyên đán đã cận kề, kế hoạch cho sân khấu của chị trong dịp năm mới ra sao?
+ Tôi cũng đang theo dõi tình hình dịch COVID-19. Thực sự, việc mở cửa trở lại rất là khó đối với tất cả các sân khấu tại TP.HCM và vấn đề khán giả có đủ tự tin đế đến chỗ đông người để họ xem hay không? Cũng là điều rất đau đầu với quản lý của tất cả sân khấu trong đó có tôi.
Hiện tại bây giờ mọi người đã tiêm vaccine đầy đủ ba mũi, tôi hi vọng người dân trở lại lại cuộc sống như bình thường giống với Sài Gòn những năm trước, có những dự định giải trí trong những ngày tết thì sân khấu mới sáng đèn vĩnh viễn được còn mọi người vẫn lo sợ thì mình phải tính theo cách khác.
NSƯT Trịnh Kim Chi mong mỏi Sài Gòn sẽ sớm trở lại giống như những năm trước. Ảnh: NVCC.
. Chị có nghĩ mình sẽ tái diễn vở kịch Blouse trắng trong dịp tết Nguyên đán?
+ Từ khi Liên hoan Kịch nói diễn ra, các sân khấu cũng tập luyện vở để tham dự liên hoan đồng thời dùng vở đó để diễn tết. Đó là kế hoạch của các sân khấu và tôi cũng vậy. Tuy nhiên với vở Blouse trắng thì không thể diễn tết được rồi vì mang bi kịch nhiều cho nên tôi phải để sau tết Nguyên đán để tôi có thể biểu diễn vở này. Hi vọng vở diễn này sẽ ăn khách và sẽ được lan toả vì đầy tính nhân văn nó.
. Cảm ơn NSƯT Trịnh Kim Chi đã chia sẻ thông tin!