Hội nghị GEM tháng 01/2022 thảo luận về những tiến triển mới nhất của thị trường kinh tế và tài chính toàn cầu, đặc biệt tập trung vào chủ đề “Giá nhà sau đại dịch: động lực và ý nghĩa”.
Sau phiên họp GEM lần trước diễn ra vào tháng 11/2021 đến nay, tăng trưởng toàn cầu đã giảm nhẹ trong bối cảnh số ca nhiễm Covid gia tăng, các gói kích thích tài khóa bắt đầu được gỡ bỏ mặc dù nhiều khó khăn vẫn chưa được xử lý. Lạm phát giá tiêu dùng đang ở mức cao tại nhiều quốc gia, và điều kiện tài chính toàn cầu ngày càng thắt chặt khi đồng đô la Mỹ tăng giá và lợi suất trái phiếu chính phủ ở nhiều nước tăng. Trong khi đó, rủi ro thị trường tài sản leo thang, điều kiện tín dụng trở nên lỏng lẻo ở nhiều quốc gia phát triển, đế chế bất động sản Evergrande ở Trung Quốc vỡ nợ, biến thể omicron lan rộng ra nhiều quốc gia …
Theo nghiên cứu của BIS, giá nhà tăng cao trong đại dịch, điển hình là giá nhà tại Mỹ, Đức, và Anh đang cao hơn mức trước đại dịch lần lượt là 24%, 15% và 13%, và tăng ở hầu hết các nước phát triển khác. BIS cho rằng động lực cho sự tăng giá này là hoạt động kinh tế phục hồi nhanh hơn kì vọng, với lãi suất tiết kiệm cao hơn và các gói hỗ trợ tài khóa lớn làm tăng thu nhập hộ gia đình, đặc biệt là ở các nước phát triển. Bên cạnh đó, nhu cầu về không gian sống và bất động sản xa trung tâm thành phố ngày càng lớn, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu làm tăng giá gỗ và thép … là những nhân tố ảnh hưởng đến sự tăng giá nhà. Theo Báo cáo của BIS, thị trường bất động sản tăng có tác động lớn đến sản xuất và lạm phát. Giá nhà còn ảnh hưởng lạm phát một cách gián tiếp thông qua các thành phần tổng cầu, cũng như trực tiếp thông qua giá thuê nhà.
Cụ thể với Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nhu cầu xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội là rất lớn trong khi dân số đông, mật độ dân cư tại thành phố lớn ngày càng tăng khiến nhu cầu nhà ở ngày càng cao, tạo ra xu thế tăng giá bất động sản tự nhiên. Ngoài ra, thông tin bất cân xứng trên thị trường, chi phí và độ trễ giao dịch lớn cũng đóng góp vào xu hướng tăng giá tự nhiên của BĐS tại Việt Nam. Dịch bệnh Covid-19 làm tăng nhu cầu phòng vệ của người dân, xu hướng làm việc từ xa làm tăng nhu cầu một số loại hình BĐS và gây hiện tượng tăng giá ở một số phân khúc thị trường.
Trong bối cảnh đó, NHNN đã chỉ đạo TCTD kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh BĐS, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cảnh báo TCTD về tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ngoài ra, NHNN ban hành, sửa đổi các Thông tư quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn, điều chỉnh giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo lộ trình, tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay tiêu dùng lớn, nhằm hướng tín dụng vào các phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ; đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS, tăng cường thanh tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về cấp tín dụng trong lĩnh vực này.
Trong năm 2022, NHNN sẽ hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hạn chế tín dụng đen. Với lĩnh vực bất động sản, vẫn tạo điều kiện cho bất động sản nhà ở, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thực sự, chính đáng và tiếp tục kiểm soát chặt chẽ bất động sản đầu cơ, dự án lớn có hệ số rủi ro cao.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế trụ sở tại Basel, Thụy Sỹ được thành lập từ năm 1930. Đây là tổ chức quốc tế của các Ngân hàng Trung ương có vai trò thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các Ngân hàng Trung ương và các cơ quan khác để ổn định tài chính và tiền tệ. Đến nay, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế có 63 thành viên chính thức. Việt Nam đã gia nhập tổ chức này từ tháng 10/2020.
HTQT
Xem thêm: 016874VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www