vĐồng tin tức tài chính 365

Thị trường bị 'vạ lây' vì cổ phiếu đầu cơ

2022-01-18 03:01

Tâm lý hoảng loạn khiến nhà đầu tư tiếp tục bán tháo trong phiên hôm nay (17/1). Số lượng cổ phiếu niêm yết trên sàn TP HCM giảm hết biên độ sau phiên này là 125 mã, gấp ba lần số tăng giá. Nếu tính cả HNX thì tổng cổ phiếu giảm sàn lên đến 184 mã.

Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM rơi xuống 1.452,83 điểm, giảm hơn 43 điểm (2,89%) so với tham chiếu, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây. Lần gần nhất VN-Index giảm hơn mức này là phiên 20/8 khi mất 45 điểm.

Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta cho rằng, đà giảm của thị trường về bản chất vẫn liên quan tới các mã đầu cơ, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng đã lan rộng.

Nhóm cổ phiếu bị ảnh hưởng mạnh nhất trong phiên hôm nay, bên cạnh nhóm bất động sản đầu cơ, là nhóm chứng khoán. Nguyên nhân xuất phát từ nhịp điều chỉnh những phiên gần đây, cùng với lo ngại về khả năng ảnh hưởng của đợt sóng giảm đang diễn ra với các mảng kinh doanh chính, như tự doanh.

Bên cạnh đó, một phần lý do là khả năng "call margin" đã xảy ra với những nhóm khác, do các mã đầu cơ mất thanh khoản.

Các cổ phiếu được chú ý trong giai đoạn trước, như nhóm FLC và nhóm hưởng lợi từ phiên đấu giá đất Thủ Thiêm, đã giảm kịch sàn liên tiếp những phiên gần đây. Tuy nhiên, cùng với đà giảm, thanh khoản các mã này cũng lao dốc, gần như không đáng kể so với lượng dư bán sàn vài chục triệu cổ phiếu. Với những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy, việc bán giải chấp (force sell) đã xảy ra nhưng không thể thực hiện được do không có lệnh đối ứng. Theo nguyên tắc đảm bảo rủi ro, các công ty chứng khoán sẽ tiến hành bán các mã khác trong danh mục của khách hàng nhằm thu hồi khoản vay.

"Do trạng thái mất thanh khoản của nhóm cổ phiếu đầu cơ, nhiều mã khác không liên quan đến những nhóm này nhưng vô tình đã bị vạ lây, tạo ra hiệu ứng giảm mạnh trên toàn thị trường", ông Minh bình luận.

125 mã giảm sàn trên HoSE cuối phiên 17/1. Ảnh: Minh Sơn

125 mã giảm sàn trên HoSE cuối phiên 17/1. Ảnh: Minh Sơn

Cuối phiên hôm nay, tình trạng mất cân đối cung - cầu với các mã đầu cơ và bất động sản vẫn diễn ra. Các cổ phiếu hưởng lợi từ phiên đấu giá đất Thủ Thiêm hay nhóm FLC chỉ giao dịch vài trăm nghìn đơn vị, trong khi lượng dư bán sàn tới hàng chục triệu cổ phiếu. Tình trạng này đã kéo dài trong nhiều phiên gần đây.

Cùng quan điểm với ông Minh, bà Lê Thu Hằng, Trưởng phòng tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán FPT (FPTS) cũng đánh giá, áp lực giảm từ nhóm đầu cơ đang ảnh hưởng tới phần còn lại từ thị trường.

Phiên phục hồi cuối tuần trước chỉ mang tính hiệu ứng sau chuỗi 4 phiên giảm mạnh, còn xu hướng giảm của nhóm này vẫn đang tiếp tục. Ngoài rủi ro bán giải chấp đã lan sang các nhóm ngành khác, một phần nguyên nhân đến từ tâm lý nhà đầu tư trước kỳ nghỉ lễ kéo dài.

Nhiều nhà đầu tư, dù không cầm các mã đầu cơ, vẫn quyết định bán hết danh mục để bảo toàn vốn trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong khi những người chưa bị "force sell" cũng chọn cách bán phần còn lại của danh mục để đảm bảo an toàn, hoặc để "gồng lỗ".

"Nhiều nhà đầu tư có vẻ đã mất kiên nhẫn, đặc biệt là những người dùng đòn bẩy tài chính", bà Hằng nhận xét.

Trong báo cáo cuối phiên hôm nay, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá lực bán mạnh về cuối phiên đã kích hoạt tâm lý khá tiêu cực và tạo hiệu ứng dây chuyền trên thị trường. Mặc dù thanh khoản chưa thực sự đột biến, cho thấy đà giảm có thể sẽ không kéo dài, nhưng trong bối cảnh hiện tại, VCBS cho rằng nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý đến chuyện hạn chế rủi ro và bảo vệ thành quả.

"Nhà đầu tư tạm thời chưa nên vội vàng bắt đáy trong giai đoạn thị trường vẫn đang biến động mạnh như hiện tại, và vẫn nên cân nhắc chốt lời danh mục ngắn hạn cũng như loại bỏ các cổ phiếu đầu cơ ra khỏi danh mục", báo cáo của VCBS viết.

Minh Sơn

Xem thêm: lmth.6057144-oc-uad-ueihp-oc-iv-yal-av-ib-gnourt-iht/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thị trường bị 'vạ lây' vì cổ phiếu đầu cơ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools