Không ít người chọn theo xu hướng sắm sửa hàng online, nhân viên siêu thị giao hàng cho khách ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bạn đã sẵn sàng đón Tết "bình thường mới" chưa?
Chẳng pháo hoa, không ào ra đường
Cùng gia đình, bạn bè ra đường vui chơi và đợi xem bắn pháo hoa đã trở thành thói quen của rất nhiều gia đình, đặc biệt là các bạn trẻ.
Khoảnh khắc cả biển người không quen biết nhưng đứng gần bên nhau, cùng háo hức, hân hoan với màn trình diễn ánh sáng của những bông pháo hoa rực rỡ, lung linh thực sự là những hình ảnh đẹp. Trong giây phút đặc biệt đó, mỗi người đều có những mong ước và nguyện cầu may mắn cho năm mới.
Năm nay, nhiều địa phương đã có quyết định không tổ chức bắn pháo hoa vào đêm giao thừa để hạn chế tập trung đông người.
Đó là sự lựa chọn vì bình an. Do vậy, dù có tiếc, có buồn nhưng chúng tôi chọn xem pháo hoa trên truyền hình, đồng thời hết sức hạn chế đến nơi đông người.
Dù 1/2 số tỉnh thành đang là "vùng xanh" nhưng không ít người chọn theo xu hướng sắm sửa hàng Tết online và cả mua hoa đón xuân cũng chọn mua giao hàng tận nhà.
Giảm ăn nhậu, tăng gặp gỡ online
Những ngày Tết cũ, người người tranh thủ về quê ăn Tết cùng bố mẹ và tranh thủ cơ hội... hẹn hò, họp lớp.
Các cuộc hò hẹn bạn bè từ cấp tiểu học cho đến lớp 12 "trăm hoa đua nở", nhiều người "chạy sô" suốt Tết bởi chẳng thể đi chỗ này mà bỏ chỗ khác. Mà đã họp lớp thì tránh sao được chuyện rượu bia, cũng đâu thể đeo khẩu trang, cũng khó tuân thủ 5K.
Suốt cả một năm vừa qua, người người từ già đến trẻ đã quen thuộc với họp hành, làm việc, học tập online, thậm chí cả đám cưới online, thì nay hội ngộ bạn bè online cũng chẳng phải là việc khó, liên hoan online biết đâu còn đông đủ hơn offline.
Hơn nữa, đối với nhiều lao động ngoại tỉnh đã có tới mấy tháng ở quê tránh dịch, chỉ mới quay lại thành phố để làm việc thì đón Tết ở thành phố sẽ là một lựa chọn tối ưu trong thời điểm này vì vừa an toàn lại vừa tiết kiệm. Hẹn hò online cũng là cơ hội "gặp gỡ" của những người bạn cách xa nhau cả ngàn cây số.
Và lì xì online
Cả một năm trời thanh toán online lên ngôi, từ cô bán cá, bán rau ở chợ cho đến các chị livestream bán hàng, trang thương mại điện tử đều thông thạo và ưu tiên hình thức chuyển khoản thay vì trả tiền mặt trực tiếp. Rất nhiều người có tài khoản ngân hàng và đủ các kiểu thanh toán không tiền mặt.
Các ví điện tử cũng tranh thủ tung ra những chương trình khuyến mãi vô cùng hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Người dân nói chung đã làm quen với thanh toán online, không lạ gì ví điện tử. Với sự thịnh hành của thanh toán online đó, lì xì online cũng trở thành xu hướng tất yếu! Hạn chế tập trung đông người, người ở xa về hạn chế đi lại gặp gỡ nhưng trẻ con vẫn thích được lì xì.
Do đó, lì xì online vừa mới lạ vừa an toàn, nhanh chóng lại còn tiết kiệm được thời gian và chi phí đổi tiền mới. Cả người cho lẫn người nhận lì xì đều vui vẻ, đúng tinh thần "một người khỏe, nhiều người vui"!
Tết trong hoàn cảnh "bình thường mới" đương nhiên phải khác với bình thường cũ. Nhưng thay đổi để mỗi người và cộng đồng đều được an toàn hơn trước dịch bệnh thì tại sao lại không mạnh dạn thay đổi?
Ngày Tết ở đâu yên đó
Bốn người nhà tôi vẫn luôn tha thiết về nội đón Tết quê. Mọi năm, mấy ngày này đã mua vé máy bay xong và đang sửa soạn mọi thứ, chờ ngày con trẻ nghỉ học là lên đường ngay.
Đắn đo mãi rồi cũng quyết về quê, vé may bay từ Tây Nguyên ra Hà Nội là 750.000 đồng. Con trẻ vui rộn ràng vì sắp gặp nội. Bà nội gọi vào bảo thôi đừng về dù ông bà rất mong con cháu. Những ngày này, ca nhiễm ở Hà Nội đang còn nhiều và chưa ai biết 10 - 15 ngày nữa sẽ ra sao?
Hỏi thăm sức khỏe bà con dòng họ, mẹ bảo những ngày này giảm tiếp xúc, ít đến nhà nhau, thăm hỏi nhau qua điện thoại, cần lắm mới gặp nhau. Người xa về hẳn vui lắm nhưng tuân thủ 5K dù không ai ngăn cấm cũng không nên đi thăm nhau, không hẹn hò tụ tập. Mẹ nửa đùa nửa thật: thăm bố mẹ thì về ở yên trong nhà, còn về đi khắp nơi thì không nên về nhé! Trẻ con tiu nghỉu, chồng tôi buồn lặng im không nói.
Tết xa người thân, với hầu hết người Việt, luôn vô cùng trống vắng và thiếu thốn. Mẹ cười nhân hậu trên màn hình điện thoại: giao thừa, mùng 1 gọi thăm nhau như thế này cũng đầy mùa xuân rồi.
Nghĩ một chút về bình an của người già con trẻ, cả nhà chọn ai ở đâu yên đó. Dù vùng đang xanh, dù mũi 3, dù không quá sợ hãi dịch bệnh nhưng muốn bình an không nên chủ quan.
PHƯƠNG NGA
TTO - Khoảng 23, 24 tháng chạp tôi sẽ về quê ăn Tết, ở nếp nhà nhỏ mà cha mẹ để lại, mừng một năm mới với bà con họ tộc, với quê hương.
Xem thêm: mth.24631451271102202-iom-gnouht-hnib-tet-nod/nv.ertiout