Chợ đầu mối Thủ Đức (TP HCM) là nơi bán sỉ trái cây, rau củ lớn nhất miền Nam với lượng hàng tiêu thụ khoảng 3.500 tấn/ngày, có thể tăng gấp đôi vào những ngày lễ, Tết. Tuy nhiên, trong lúc nông sản đang ùn ứ ở cửa khẩu, không xuất được sang Trung Quốc thì các thương nhân ở chợ vẫn không dám nhập thêm hàng để bán.
Không thể tiêu thụ hết
Theo ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, thương nhân chỉ đưa hàng về chợ dựa theo khả năng bán ra chứ không thể nhận hết hàng xuất khẩu "quay đầu". "Lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc rất lớn, nếu chuyển hết về nội địa sẽ khó tiêu thụ hết vì sức mua của người tiêu dùng có hạn" - ông Phương nói.
Ông Nguyễn Văn Lưu, quản lý cửa hàng "Nông sản chia sẻ" trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết mấy ngày qua, ông liên tục nhận được điện thoại từ các nhà vườn miền Tây, Tây Nguyên nhờ hỗ trợ tiêu thụ nông sản vì không bán sang Trung Quốc được. "Mấy ngày trước, chúng tôi bán được khoảng 10 tấn dưa hấu Gia Lai. Thanh long Long An mới bán được 2 ngày, chúng tôi đặt mục tiêu từ nay đến Tết sẽ bán khoảng 20 tấn thanh long giúp nông dân. Nhóm chúng tôi đã thực hiện các chiến dịch "giải cứu" nông sản nhiều năm nhưng năm nay lượng hàng bán ra chậm hơn hẳn. Hầu như chỉ có khách hàng lẻ mua, còn doanh nghiệp (DN) thì không mua với số lượng lớn như trước" - ông Lưu nhận xét.
Bà Trần Ngọc Châu, chủ cửa hàng Trái vườn Tâm Ngọc (quận 8, TP HCM) - chuyên cung cấp trái cây sỉ và lẻ theo mùa 8 năm qua, cho biết trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc thường rất to trong khi người tiêu dùng trong nước lại thích cỡ trung. Do đó, khi chuyển hàng xuất khẩu về bán nội địa không phù hợp thị hiếu, khó tiêu thụ.
"Nông sản phải kêu gọi "giải cứu" nhiều năm nhưng nhiều nông dân không chịu thay đổi, vẫn trông chờ thị trường Trung Quốc. Chúng tôi đang nỗ lực liên kết cùng những nông dân chịu thay đổi, chuyển sang sản xuất theo quy trình an toàn, minh bạch để có được đầu ra ổn định" - bà Châu nói.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, cho hay mới đây, tại buổi làm việc giữa đoàn DN gồm siêu thị, thương nhân chợ đầu mối, sàn thương mại điện tử… TP HCM với tỉnh Long An về kết nối tiêu thụ nông sản, hơn 10 DN TP HCM cam kết sẽ hỗ trợ tiêu thụ thanh long cho nông dân tỉnh Long An từ nay đến Tết. "Thông tin từ các chợ đầu mối tại TP HCM cho thấy mỗi ngày thương nhân tại các chợ đầu mối có thể tiêu thụ hàng trăm tấn thanh long. Nếu kết nối bán được hàng vào chợ đầu mối sẽ góp phần "giải cứu" đầu ra cho trái thanh long" - ông Trịnh thông tin.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, đang có hiện tượng bán đổ bán tháo thanh long nên giá bán chỉ khoảng 5.000 đồng/kg. "Tỉnh Long An còn khoảng 20.000 tấn thanh long cần tiêu thụ, chưa tính các tỉnh khác. Toàn bộ sản lượng này sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc nên không thể bán đi thị trường nào khác mà chỉ trông cậy vào sức "giải cứu" của thị trường nội địa" - ông Trịnh bày tỏ.
Trái cây giá rẻ bán đổ đống trên đường phố TP HCM. Ảnh: NGỌC ÁNH
Không chạy đua sản lượng
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về hiện tượng "giải cứu" thanh long cứ tái diễn mỗi khi thị trường Trung Quốc không "ăn" hàng, ông Trịnh cho biết đại đa số người trồng thanh long chưa mạnh dạn chuyển đổi từ canh tác bình thường sang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vì đầu ra cho các sản phẩm chất lượng vẫn phập phù, chưa có sự khác biệt so với sản phẩm thông thường. Vì vậy, nhà nước cần có những chính sách thiết thực hơn để hỗ trợ người dân chuyển đổi, tiêu thụ sản phẩm "sạch".
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, do nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thương lái Trung Quốc, sản xuất loại trái cây "đẹp mã" nhưng chất lượng không đạt nên khi Trung Quốc "đóng khẩu" thì toàn bộ sản lượng bị tồn ứ, không thể tiêu thụ ở thị trường nào khác, kể cả trong nước vì người tiêu dùng ngày càng có yêu cầu cao về chất lượng, an toàn đối với nông sản, thực phẩm.
"Chúng ta cần xem lại cách chạy đua theo sản lượng khi nới lỏng thị trường và bán hàng theo yêu cầu của thương nhân Trung Quốc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách vô tội vạ, không có trách nhiệm. Bởi nếu cứ duy trì cách sản xuất như vậy, chắc chắn chúng ta phải lãnh hậu quả. Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, an toàn nên nông dân phải thay đổi cách làm" - ông Viên nói.
Ông Viên cho rằng người tiêu dùng và DN trong nước không có trách nhiệm "giải cứu" nông sản kém chất lượng mà căn cơ của vấn đề là nhà nước phải bằng mọi giá hợp tác với phía Trung Quốc kiểm soát được đơn vị nhập hàng có thương hiệu, tên tuổi và bán hàng cho các nhà xuất khẩu uy tín để tăng thương hiệu nông sản Việt, kiểm soát chất lượng để từ đó, đáp ứng đòi hỏi cao hơn từ thị trường Trung Quốc. Trường hợp không bán được cho Trung Quốc cũng có thể bán cho những thị trường khác hoặc bán được giá tại thị trường nội địa.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng ngành trái cây lâu nay tập trung vào bán tươi cho Trung Quốc, chưa quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa (gồm bán tươi và phục vụ các nhà chế biến). "Ngay từ khi lên kế hoạch sản xuất cần tính đến nơi tiêu thụ để chăm sóc mối mua hàng hợp lý. Với thị trường Trung Quốc hiện rủi ro nên nông dân sản xuất hướng đến thị trường này cần cắt giảm sản lượng để phù hợp với khả năng tiêu thụ, tránh bị rớt giá" - ông Nguyên khuyến cáo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bình Phương gợi ý nông dân, DN không thể tăng nhiều về số lượng nhưng có thể tăng giá trị bằng việc đầu tư cho chất lượng và mẫu mã. Phải làm sao để trái cây Việt Nam có chất lượng đồng đều, đóng gói chuyên nghiệp và có thể truy xuất được nguồn gốc. Ngoài ra, trái cây Việt Nam cũng cần đầu tư công nghệ bảo quản để kéo dài thời gian bán hàng, còn nếu chỉ bán tươi như hiện tại không thể thoát cảnh "sáng rau chiều rác". "Chôm chôm Thái Lan xuất khẩu qua Việt Nam đã được bảo quản lạnh, trường hợp hàng về nhiều có thể cất vào kho bán sau nên không bị rớt giá" - ông Phương so sánh.
Thị trường vẫn bị thao túng
Ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng thị trường nông sản đang bị các thương lái thao túng. Ví dụ ngành mít, toàn bộ do thương lái Trung Quốc phối hợp với thương lái biên giới xây dựng hệ thống các vựa để thu mua và bán sang Trung Quốc. Đây là cuộc chơi giữa những cá nhân thương lái nhưng lại làm náo loạn thị trường nông sản Việt. Nhà nước Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát chất lượng hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam, hướng đến nhập khẩu chính ngạch. Phía Việt Nam cũng phải làm sao kiểm soát được sản phẩm xuất khẩu và trồng trọt theo hướng số hóa, kiểm soát được thị trường và tạo đầu ra ổn định cho nông sản.
Xem thêm: mth.47435540271102202-ahn-nas-ial-ort-nas-gnon-aud/et-hnik/nv.moc.dln