Trong nỗ lực cắt giảm chi phí và tận dụng tối đa cơn sốt mua sắm online, các công ty logistics tại Nhật Bản đang tìm đến các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, với những chiếc xe van giúp chặng chuyển hàng cuối rẻ hơn và sạch hơn.
SBS Holdings, một công ty logistics cung cấp dịch vụ giao hàng có trụ sở tại Tokyo, gần đây đã ký hợp đồng mua 2000 xe tải điện hạng nhẹ trong vòng 5 năm với startup xe điện Nhật Bản folofly. Số xe điện này sẽ được sản xuất bởi một đơn vị của hãng xe Trung Quốc Dongfeng cùng một số nhà sản xuất xe Trung Quốc khác. Trong khi đó, hãng vận tải Sagawa cũng sẽ sử dụng 7200 xe minivan điện giá rẻ do Guangxi Automobile Group sản xuất.
Chủ tịch SBS Holdings Masahiko Kamata cho biết: “Xe điện Nhật Bản không phù hợp với yêu cầu chi phí của chúng tôi… Các hãng xe Nhật Bản nói rằng giảm giá xe là bất khả thi, do đó chúng tôi phải tìm mua các loại xe giá rẻ hơn. Chúng tôi không thể yêu cầu khách hàng chấp nhận giá cước cao hơn chỉ bởi vì chúng tôi sử dụng xe đắt tiền hơn.”
Như tại nhiều quốc gia khác, thương mại điện tử đã tăng trưởng mạnh mẽ tại Nhật Bản, khi mọi người mua sắm mọi thứ từ thực phẩm, quần áo cho đến thiết bị điện tử trên mạng. Sự phát triển ấy cũng đi kèm với việc phát thải khí nhà kính từ các công ty logistics tăng mạnh.
Thế nhưng, Nhật Bản đã cam kết cắt giảm gần 50% phát thải tới năm 2030 so với năm 2013, và để làm được điều này thì 90% số xe bán ra tại Nhật Bản phải là xe thuần điện sử dụng pin, theo McKinsey & Co.
SBS dự kiến sẽ xây dựng một đội xe gồm khoảng 10.000 xe van điện để giao hàng cho các nền tảng thương mại điện tử. Mỗi chiếc xe có thể đi khoảng 200 km cho một lần sạc và có giá khoảng 3,8 triệu Yen (33.000 USD).
Akira Miyahara, một quản lý tại SBS Sokuhai Support - đơn vị giao hàng nhanh của SBS Holdings - cho biết: “Khoảng cách không phải vấn đề lớn đối với công tác giao hàng chặng cuối.” Tuy vấn đề về khả năng sử dụng của những chiếc xe Trung Quốc sau 3 đến 4 năm vẫn còn bỏ ngỏ, ở thời điểm hiện tại thì sau 12 tiếng sạc qua đêm, những chiếc xe này không gặp vấn đề gì.
Tuy Nhật Bản chưa phải là thị trường lớn dành cho xe điện - tỉ lệ sử dụng xe điện mới là khoảng 1% so với 30% tại một số thành phố của Trung Quốc - các hãng xe Trung Quốc vẫn nhìn thấy được cơ hội tại đây. BYD Co. - một công ty được Warren Buffett tham gia đầu tư - đã chiếm khoảng 70% thị phần xe bus thuần điện tại Nhật Bản và nhắm đến việc có 4000 xe bus thuần điện chạy tại Nhật Bản tới năm 2030.
Lợi thế giá của xe Trung Quốc
Một đại diện của BYD cho biết: “Nhật Bản là thị trường xe có danh tiếng coi trọng chất lượng, do đó tiến vào thị trường này là bước đi quan trọng với chúng tôi… BYD Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình xe điện hóa nhằm tăng tốc đạt mục tiêu trung hòa carbon.”
Đại diện Dongfeng Motor không phải hồi yêu cầu bình luận. Trong khi đó, Guangxi Automobile nói rằng hợp đồng mới sẽ “tăng tốc độ phát triển thị trường logistics siêu nhỏ sử dụng năng lượng mới tại Nhật Bản”.
Nhờ các chính sách khuyến khích và hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc, giá trung bình của một chiếc xe điện đã giảm đáng kể tại quốc gia này, trong khi giá xe điện lại tăng tại châu Âu và Mỹ. Một báo cáo từ tháng 8/2021 của công ty phân tích thị trường ô tô JATO Dynamics cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc có thể mua một chiếc xe điện mới với giá rẻ nhất khoảng 4200 USD; giá tương đương tại châu Âu là 17.880 USD và tại Mỹ là 28.170 USD.
Chủ tịch SBS Holdings Kamata nói: “Nếu các hãng xe Nhật Bản không có hành động kịp thời, Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh thị trường”.
Không chỉ có các hãng xe Trung Quốc đang muốn tiến sâu hơn vào thị trường xe điện giao hàng tại Nhật Bản. Cenntro Electric Group, một hãng xe điện thương mại từ Mỹ, đã được cấp phép vào tháng 11 vừa qua để bán xe tải nhẹ chạy điện tại Nhật Bản. Xe của Cenntro sẽ được Amazon Fleet - đối tác giao hàng của Amazon tại Nhật Bản - và Hana Cupid - mạng lưới bán hoa tươi lớn nhất Nhật Bản - sử dụng.
Cenntro còn đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy lắp ráp xe tại Nhật Bản, khả năng tại Fukushima, để sản xuất xe điện tại chỗ và xuất khẩu một phần sang Đông Nam Á. CEO của Cenntro Peter Wang cho rằng nếu là xe tải nhẹ chạy điện vẫn là lựa chọn rẻ hơn so với xe hydro, dễ sử dụng, bảo dưỡng và sạc điện.
Ngành ô tô Nhật Bản cần làm gì?
Một số nhà quan sát lo ngại rằng ngành công nghiệp xe điện Nhật Bản có thể sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tương tự ngành đồ điện gia dụng trong quá khứ. Sau khi thống trị thị trường thế giới trong thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ 20, những thương hiệu như Panasonic, Sony, Toshiba và Sharp đã đánh mất thị phần vào các thương hiệu Trung Quốc giá rẻ hơn.
Hiroyasu Koma, CEO của startup xe điện folofly cho rằng: “Nếu các công ty Nhật Bản chỉ tiếp tục sản xuất xe xăng, các công ty nước ngoài sẽ tiếp tục tiến vào [thị trường Nhật Bản].” Theo ông Koma, Trung Quốc đã biến xây dựng hạ tầng xoay quanh xe điện thành một chiến lược cấp quốc gia, bao gồm khoản đầu tư vào Contemporary Amperex Technology (CATL) - tập đoàn sản xuất pin xe điện hàng đầu thế giới hiện nay.
Theo nhà phân tích Takeshi Miyao, Toyota vẫn còn khả năng xoay chuyển tình thế, đặc biệt nếu tập đoàn này tập trung sản xuất pin thể rắn hiệu suất cao. Ông Miyao cho rằng hiện các hãng xe Trung Quốc đang có lợi thế về giá cả, nhưng khó biết được liệu các hãng xe này còn có thể giữ vị trí đó trong vòng 3 năm nữa hay không.
Các hãng xe tải Nhật bản cũng đang dần có động thái phản công. Isuzu sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt xe tải điện trong năm 2022, trong khi Hino Motors - công ty con của Toyota - có kế hoạch bán xe tải nhẹ chạy điện Dutro Z vào đầu mùa hè này. Tập đoàn logistics Yamato Holdings sẽ dùng 2 chiếc xe điện của Hino trong tháng 5 và đo lượng khí thải CO2 giảm được trong suốt quá trình sử dụng. Tuy nhiên, theo ông Kamata, xe tải điện Nhật Bản khả năng sẽ đắt gấp 3 lần xe tải diesel, khiến các công ty logistics khó mua chúng với số lượng lớn.
Tùng Phong (Theo Bloomberg)