Ngày càng nhiều hãng công nghệ nhảy vào lĩnh vực ôtô - Ảnh: Car Expert
Ôtô là biên giới tiếp theo của quá trình kỹ thuật số hóa, và đang dần biến thành một cỗ máy tính lăn trên bánh xe. Phần mềm giờ đây có thể xác định mọi thứ từ phạm vi hoạt động, mức độ an toàn đến cách di chuyển.
Trong khi có rất nhiều startup ôtô tập trung vào công nghệ, như Tesla, Lucid, Rivian và Canoo, ở chiều ngược lại, các hãng công nghệ cũng đang làm ra những chiếc ôtô của riêng họ.
Sony
Sony được cho là một trong những hãng công nghệ có kế hoạch cụ thể nhất để tiến vào ngành công nghiệp ôtô.
Hiện diện lần đầu tại CES 2020, chiếc sedan Sony Vision-S là một mẫu concept điện được giới thiệu là thể hiện tầm nhìn của công ty về tương lai công nghệ ôtô, với hệ thống thông tin giải trí chạy ngang gần như toàn bộ chiều rộng xe, hệ thống âm thanh 360 độ độc quyền cùng các cảm biến phục vụ tự lái cấp độ 4.
Gần đây hơn, Sony đã tiết lộ Vision-S 02 concept, sử dụng cùng một ngôn ngữ thiết kế, có kích cỡ tương đương Mercedes-Benz E-Class và BMW 5 Series, tại CES 2022.
Dấu hiệu Sony sẽ đưa mẫu xe vào sản xuất thương mại là khi họ chế tạo nguyên mẫu hoạt động của chiếc sedan sử dụng khung gầm của nhà cung cấp nổi tiếng Magna và thành lập công ty Sony Mobility Inc. nhằm tìm cách xâm nhập thị trường xe điện.
Apple
Apple cho biết đang thử nghiệm công nghệ tự lái và có một đội xe Lexus SUV đang được sửa đổi phù hợp. Nhưng họ chưa xác nhận có đang nỗ lực sản xuất hàng loạt một mẫu xe cụ thể nào không.
Những nỗ lực phát triển ôtô bí mật của Apple trong khuôn khổ dự án "Project Titan" được cho là bắt đầu vào năm 2014 với hơn 1.000 kỹ sư âm thầm phát triển xe điện. Báo chí Mỹ còn đưa tin những cư dân gần cơ sở thử nghiệm thậm chí còn phàn nàn về những tiếng ồn lớn "giống như tiếng động cơ".
Việc Apple muốn sản xuất ôtô đã râm ran từ lâu - Ảnh: Fox Business
Theo các phương tiện truyền thông khác nhau, trọng tâm của Project Titan đã thay đổi nhiều lần, từ một chiếc xe sang công nghệ lái xe tự động, rồi một chiếc xe tự lái không có vô lăng hay bàn đạp sẽ được ra mắt vào năm 2025.
Có báo nói rằng Apple đã đàm phán với một loạt các nhà cung cấp và doanh nghiệp ôtô, bao gồm cả Toyota, Nissan, Hyundai và Magna để chế tạo một chiếc xe mang thương hiệu Apple và đã thuê nhân tài đến từ Tesla, BMW, Mercedes, VW, General Motors và Ford.
Google / Waymo
Dự án xe tự lái Google nổi lên từ năm 2009, với việc công ty tung ra một đội xe Toyota Prius được trang bị phù hợp. Những nỗ lực này cuối cùng biến thành công ty Waymo cùng thuộc Alphabet.
Waymo đã từng bước phát triển công nghệ xe tự lái và phiên bản "thế hệ thứ năm" mới nhất (được gọi là Waymo Driver) có một bộ cảm biến lidar, radar và camera cùng với CPU và GPU "cấp máy chủ".
Công ty đang thử nghiệm dịch vụ gọi xe tự lái Waymo One ở San Francisco và Phoenix, Mỹ, với Waymo Driver là sự kết hợp giữa Chrysler Pacifica Hybrid và SUV điện Jaguar I-Pace.
Waymo cũng đang thử nghiệm Waymo Via, dịch vụ vận tải tự lái với các xe tải được trang bị công nghệ Waymo Driver ở các bang New Mexico và Texas của Mỹ.
Công ty có kế hoạch mua 20.000 chiếc Jaguar I-Pace và 62.000 chiếc Chrysler Pacifica nhưng đến năm 2021 mới chỉ có 600 xe - Ảnh: Stuff
Foxconn
Foxconn nổi tiếng với việc sản xuất iPhone cho Apple. Gần đây, công ty đã quyết định nhảy vào thị trường xe điện với thương hiệu riêng Foxtron. Tháng 10-2021, công ty đã giới thiệu 3 mẫu concept điện: Model C, E và T.
Model C là SUV điện 7 chỗ tương đương Mitsubishi Outlander, có thể tăng tốc từ 0-100 km/h trong 3,8 giây, phạm vi hoạt động 700km - Ảnh: Inside EVs
Foxtron Model E được định vị là đối thủ của Tesla Model S, tầm hoạt động 750 km, thời gian tăng tốc 0-100 km/h trong 2,8 giây - Ảnh: Motor1
Xe buýt Model T phạm vi 400 km, tốc độ tối đa 120 km/h - Ảnh: Motor Authority
Foxconn cũng đã phát triển một kiến trúc EV "mở", sẵn sàng cấp phép cho các nhà sản xuất khác và sản xuất xe điện cho Fisker. Cuối năm ngoái, công ty đã mua lại nhà máy của startup Lordstown Motors ở Ohio, Mỹ và sẽ sản xuất xe bán tải chạy điện Endurance.
Huawei
Tại Trung Quốc, Huawei đã cho ra mắt mẫu SUV SF5. Thương hiệu tuyên bố tầm hoạt động khi chỉ chạy điện là 180 km (theo thử nghiệm NEDC, vốn được đánh giá là khá dễ dãi), tổng phạm vi "hơn 1.000 km" và thời gian tăng tốc 0-100 km/h là 4,7 giây. Ở bên trong là hệ thống âm thanh 11 loa chất lượng "như thính phòng".
SF5 kết hợp hai mô-tơ điện cùng động cơ xăng 4 xy-lanh 1.5L - Ảnh: Huawei
Hiện tại vẫn chưa biết liệu Huawei có ý định xuất khẩu chiếc xe này ra bên ngoài Trung Quốc đại lục hay không.
Các công ty công nghệ khác
Có rất nhiều hãng công nghệ khác chưa công bố kế hoạch tung ra chiếc xe hoàn chỉnh nào, nhưng đã thể hiện sự tham gia nhất định vào ngành công nghệ ôtô.
Qualcomm, Intel (thông qua công ty con Mobileye) và Nvidia sản xuất phần cứng CPU và chip GPU cho hệ thống thông tin giải trí và hỗ trợ trình điều khiển mới nhất. Ví dụ, chiếc Polestar 3 SUV sắp ra mắt sử dụng công nghệ Khung gầm kỹ thuật số Snapdragon và Buồng lái kỹ thuật số của Qualcomm dựa trên chip Snapdragon 820 SoC, vốn được sử dụng để cung cấp năng lượng cho điện thoại thông minh.
"Ngôi nhà di động" của LG tại CES 2022 - Ảnh: LG
LG cung cấp pin cho nhiều xe điện bao gồm Mercedes-Benz EQC, giới thiệu minivan "giải pháp giao thông thông minh" với hệ thống trí thông minh nhân tạo tân tiến. Samsung, khác với Renault-Samsung, công ty con gần như thuộc sở hữu hoàn toàn của thương hiệu Pháp, là nhà cung cấp pin cho cho xe Rivian.
Tại CES 2022, Samsung đã trình diễn tầm nhìn về những trải nghiệm trên xe trong tương lai.
Xem thêm: mth.83425404161102202-oto-mal-ihk-ehgn-gnoc-gnah-cac-auc-yaht-gnut-auhc-tur-coun-aud-couc/nv.ertiout