Trong bài phát biểu đầu tuần này tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2022 được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nền kinh tế lớn trên thế giới thúc đẩy tăng trưởng bằng cách hợp tác chính sách trong bối cảnh toàn cầu đang hồi phục sau đại dịch.
"Chuỗi cung ứng và sản xuất công nghiệp toàn cầu đang bị đứt gãy. Giá hàng hóa tiếp tục tăng. Nguồn cung năng lượng vẫn bị thắt chặt. Những rủi ro này cứ đến liên tiếp, càng làm tăng bất ổn với phục hồi kinh tế", ông nhấn mạnh.
Chủ tịch Trung Quốc cũng cảnh báo tác động của việc nâng lãi quá mạnh và quá nhanh. Ông nói rằng các biện pháp này có thể đe dọa ổn định tài chính toàn cầu.
"Nếu các nền kinh tế lớn hãm phanh hoặc đảo chiều chính sách tiền tệ quá nhanh, hậu quả sẽ nghiêm trọng", ông nói, "Điều này sẽ gây ra thách thức với ổn định tài chính và kinh tế toàn cầu. Các nước đang phát triển sẽ phải nhận gánh nặng này".
Nhiều quốc gia đang đối mặt với áp lực lạm phát và bắt đầu rút lại chính sách kích thích trong đại dịch. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tháng trước ra tín hiệu có thể nâng lãi 3 lần năm nay. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ chấm dứt chương trình mua lại trái phiếu trong tháng 3.
Ngân hàng Trung ương Anh thì tháng trước trở thành ngân hàng lớn đầu tiên nâng lãi suất kể từ đầu đại dịch. Các ngân hàng trung ương Đông Âu và Mỹ Latin cũng đã tăng lãi mạnh tay để kiềm chế lạm phát.
Trong khi đó, Trung Quốc – nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng dương năm 2020 – lại đi theo hướng hoàn toàn khác biệt. Nước này đang tăng trưởng chậm lại và phải đối phó với nhiều thách thức về duy trì đà tăng trong bối cảnh vẫn phải áp dụng chính sách zero Covid.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vì thế đang phải nới lỏng chính sách. Hôm 17/1, PBOC hạ lãi suất cho vay trung hạn lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020. Tháng trước, họ cũng hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất cho vay cơ bản.
GDP Trung Quốc tăng 8,1% năm ngoái. Dù tốc độ này vượt mục tiêu của chính phủ Trung Quốc, tăng trưởng đã chậm dần từ quý cuối năm ngoái và được dự báo còn giảm nhiều hơn do Covid-19 và khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.
Các nhà kinh tế học cố vấn cho chính phủ Trung Quốc đang cảnh báo hậu quả lan truyền từ việc Fed nâng lãi. Zhu Baoliang – kinh tế trưởng tại Trung tâm Thông tin Quốc gia Trung Quốc cho biết trên Financial News rằng nước này cần giám sát và ngăn chặn khủng hoảng tài chính gây ra bởi các đợt nâng lãi của Fed.
"Trong quá khứ, việc Fed nâng lãi từng gây khủng hoảng kinh tế và tài chính cho các nước khác", Zhu nói, giải thích rằng sự mất cân bằng có thể khiến dòng vốn ngoại rời khỏi Trung Quốc.
Vốn đầu tư toàn cầu đã rót vào trái phiếu Trung Quốc trong năm qua, khi nhà đầu tư theo đuổi lợi nhuận hấp dẫn tại thị trường này. Vốn đầu tư mạnh chảy vào đã góp phần kéo giá nhân dân tệ lên cao. Đây là một trong những tiền tệ có diễn biến tốt nhất năm 2021.
Yang Shuiqing – nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc thì cho rằng việc Fed nâng lãi có thể làm chậm lại nhu cầu ở Mỹ, từ đó ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần trước cảnh báo việc đột ngột thắt chặt tiền tệ tại Mũ và châu Âu có thể gây ra biến động kinh tế ở các nước đang phát triển. "Các nền kinh tế mới nổi nên chuẩn bị cho khả năng biến động kinh tế" do Fed thắt chặt chính sách nhanh.
Sự phục hồi tại các nền kinh tế mới nổi vẫn chưa mạnh mẽ. Các khu vực này vẫn đang đối mặt với "nợ công ở mức cao đáng kể", IMF giải thích.
Tháng 6/2021, các nhà kinh tế tại Fed cho biết rủi ro tác động lan truyền với các nước mới nổi phụ thuộc vào vài yếu tố. Trong đó có điều kiện tài chính tại các khu vực này và mức độ dễ tổn thương với lãi suất Mỹ.
Hà Thu (theo CNN)