Cử tri nhiều địa phương rất bức xúc trước việc Công ty Việt Á đã nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) một số tỉnh, thành phố nhằm thu lợi nhuận bất chính.
Nội dung trên được nêu tại báo cáo công tác dân nguyện tháng 12 của Quốc hội, được ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình bày tại phiên họp thứ 7 của UBTVQH ngày 18-1.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn
Báo cáo của Ban Dân nguyện nêu rõ đây là hành vi vi phạm pháp luật có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng trên cả nước, cả hệ thống chính trị và nhân dân đang phải dốc toàn lực để thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch. Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng quyết liệt trong việc điều tra, kết luận sớm, xử lý nghiêm vụ việc và thông tin công khai, rộng rãi cho cử tri.
Phát biểu tại phiên họp của UBTVQH, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết hiện vụ án liên quan đến Công ty Việt Á đã khởi tố 19 người, trong đó có các bị can tại Bộ Y tế, CDC Hải Dương, Bình Dương...
Các tội danh điều tra bao gồm: Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ....
"Chúng tôi đang tiếp tục đấu tranh mở rộng vụ án vì xét thấy người liên quan rất nhiều"- Thiếu tướng Lê Quốc Hùng nói và nhấn mạnh Bộ Công an đề nghị điều chỉnh kịp thời các quy định liên quan mua bán, đấu thầu thiết bị y tế, sinh phẩm liên quan hoạt động chống dịch.
Về phía Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết cơ quan này đang phối hợp với cơ quan điều tra để mở rộng và xử lý nhanh vụ việc dư luận quan tâm, đặc biệt là vụ Công ty Việt Á.
"Vụ án này đang trong tiến trình mở rộng điều tra với tinh thần quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ" - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho hay.
Trước đó, tại Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV đã giao Chính phủ, các cấp, các ngành nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm quản lý của ngành y tế trong lĩnh vực dược và trang thiết bị y tế; tăng cường kiểm soát việc mua sắm công và thanh tra, kiểm tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế; chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.
"Tập trung khẩn trương, quyết liệt mở rộng điều tra, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán kit xét nghiệm Covid-19 và các vi phạm pháp luật khác (nếu có) liên quan đến Công ty Việt Á; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp trái pháp luật nào" - Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất nêu rõ.
Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã tạo thêm nhiều gánh nặng cho doanh nghiệp và cả người lao động, nhất là chưa có sự nhất quán trong việc chi trả chi phí xét nghiệm cho người lao động, dẫn đến tình trạng công nhân phải xét nghiệm Covid-19 nhiều lần và đều bị trừ phí xét nghiệm Covid-19 vào lương.
Theo Minh Phong
NLĐ