Phát biểu "90% người Việt Nam ăn gạo bẩn" của một doanh nhân đã vấp phải nhiều ý kiến phản biện, bất bình.
Nói "90% người Việt Nam ăn gạo bẩn" là vô căn cứ
Theo ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), sản xuất lúa gạo hiện nay đã an toàn hơn rất nhiều. "Nói “90% người dân Việt Nam ăn gạo bẩn” là thiếu căn cứ" - ông Dương bức xúc nói.
Hiện nay, các mặt hàng thực phẩm nói chung (trong đó có mặt hàng gạo), đều đã được Bộ Y tế, Bộ NNPTNT ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, cũng như các yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó quan trọng có quy định về mức tồn dư tối đa cho phép (MRL) đối với các hóa chất, thuốc BVTV tồn dư, và định kỳ hoặc đột xuất, đều có các cơ quan chức năng kiểm tra, lấy mẫu giám sát. “Tất cả các mặt hàng nông sản, thực phẩm lưu thông trên thị trường, đều phải tuân thủ các quy định này”-ông Dương khẳng định.
Về khâu tổ chức sản xuất, 5 năm qua, nước ta đã có đề án về IPM (quản lí dịch hại tổng hợp) về sản xuất nói chung, trong đó đặc biệt quan tâm giành cho cây lúa tại 63 tỉnh thành, bởi đây là cây trồng trọng điểm quốc gia về đảm bảo an ninh lương thực cũng như cho mục tiêu xuất khẩu.
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng nhấn mạnh: Hiện nay, chưa có bất cứ cuộc nghiên cứu khảo sát, số liệu thống kê chính thống nào về vấn đề này, nên phát ngôn "90% người Việt Nam ăn gạo bẩn" là không có căn cứ. Nhận xét cảm tính như vậy sẽ làm tổn hại đến thương hiệu gạo Việt mà chúng ta đang cố gắng xây dựng từ nhiều năm nay.
Quy trình sản xuất lúa đã được sản xuất đúng
Ông Thanh cho rằng, trong trồng trọt, cụ thể là trồng lúa, hiện nay chúng ta chưa đạt tới mức hoàn toàn không có dư lượng thuốc trừ sâu, nhưng hầu hết nông dân trồng lúa đã biết cách sử dụng đúng. Cơ bản các địa phương đang tiến tới sản xuất đúng, đảm bảo an toàn thực phẩm, các địa phương cũng đã xây dựng rất nhiều mô hình, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con nông dân. Nhận thức của người dân trong sản xuất lúa an toàn, lúa sạch ngày càng được nâng cao.
Từ 5–7 năm trở lại đây, các mô hình sản xuất lúa an toàn VietGAP, lúa hữu cơ đi vào cuộc sống, lan toả nhanh, được bà con nông dân hưởng ứng, bởi sản xuất an toàn đã nâng cao giá trị gạo Việt không chỉ ở thị trường trong nước mà trên thị trường thế giới. Nhiều giống gạo ngon đã có thể cạnh tranh được với gạo các nước Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản…“Ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL chúng tôi đã triển khai các chương trình "1 phải 5 giảm", tức là phải sử dụng giống xác nhận để sản xuất lúa hàng hóa; giống, phân bón, thuốc BVTV, chi phí bơm tát, thu hoạch và thất thoát sau thu hoạch cần giảm để tăng lợi nhuận; hay trước đó "3 giảm 3 tăng" (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu; tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả-PV). Các chương trình trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính thích ứng với biển đổi khí hậu, sử dụng thuốc trừ sâu có trách nhiệm, tiết kiệm vật tư… Các tiến bộ kỹ thuật này không chỉ giúp nông dân giảm giá thành sản xuất mà còn nâng cao chất lượng hạt gạo cung ứng cho thị trường” – ông Lê Quốc Thanh cho biết.
Về ý kiến “90% người Việt ăn gạo bẩn”, ông Nguyễn Như Cường cũng khẳng định: Gạo ăn trong nước và gạo để xuất khẩu cùng chung 1 nguồn sản xuất, không có chuyện phân định vùng trồng nguyên liệu. Vậy, cùng 1 nguồn gạo, tại sao số xuất khẩu đi đạt tiêu chuẩn, số để ăn trong nước lại bị coi là “bẩn”?
“Kể cả đối với gạo xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước, chúng ta cũng chỉ có khái niệm gạo đó đạt các yêu cầu về an toàn thực phẩm, hay không đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu mà thôi, chứ không ai dùng từ gạo bẩn hay là gạo sạch”
(Ông Nguyễn Quý Dương – Phó Cục trưởng Cục BVTV).
Xem thêm: odl.397338-uc-nac-ov-al-nab-oag-na-man-teiv-iougn-09-ion/et-hnik/nv.gnodoal