6G – mạng di động thế hệ thứ 6 sau thế hệ thứ 5 (5G, sắp thương mại hóa tại Việt Nam) và thế hệ thứ 4 (4G, đang được cung cấp), sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức khởi động nghiên cứu trong năm 2022.
Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Khối Viễn thông mới đây.
Trong khi đó, mạng 5G tại Việt Nam, theo kế hoạch cũng sẽ được chính thức cấp phép thương mại hóa trong năm nay.
Chính vì thế có dư luận đặt ra là, có nên nghiên cứu 6G trong bối cảnh dịch vụ 4G vẫn đang được cung cấp tại Việt Nam và dịch vụ 5G chỉ mới dự kiến được thương mại hóa trong năm 2022 và sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có thể kết thúc chu kỳ khai thác?
Theo thông tin từ website của Cục Tần số vô tuyến điện, hiện trên thế giới cũng đã có một số quốc gia đầu tư vào nghiên cứu 6G, như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước Châu Âu mà đi đầu là Pháp, Đức…
Thạc sĩ Mai Tuyết chuyên hoạt động trong lĩnh vực marketing sản phẩm, dịch vụ công nghệ cho rằng, việc nghiên cứu 6G được khởi động và thúc đẩy sớm là cần thiết. Việt Nam luôn cần có bước đi về nghiên cứu cùng nhịp với thế giới trong hoàn cảnh trình độ công nghệ của chúng ta còn thấp, vì thế càng nghiên cứu sớm càng tốt. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để đầu tư nghiên cứu hiệu quả, thành công và hữu dụng.
Một trường hợp điển hình về việc sớm nghiên cứu mang đến thành công vượt trội và lợi thế cạnh tranh chính là công nghệ 5G của Huawei. Huawei đã đi trước về nghiên cứu 5G so với Mỹ và Châu Âu, nhờ đó đã mang tới chất lượng công nghệ 5G vượt trội và giá thành cạnh tranh. Cũng từ đó, Trung Quốc trở thành một cường quốc về công nghệ 5G như hiện nay, với hệ sinh thái ứng dụng rộng mở.
Sau khi thua sút so với Huawei về 5G về sự chậm chân, các công ty công nghệ và viễn thông của Mỹ đã ý thức hơn bằng cách “thua keo này, bày keo khác”, tập trung nghiên cứu 6G. Điển hình là tập đoàn bán dẫn Intel của Mỹ, bước qua sự thua sút về 5G để tập trung vào 6G.
Cùng với đó, các công ty lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản như Samsung, NTT DoCoMo… cũng nhanh chóng nhập cuộc 6G sau khi 5G vừa được khai trương tại quốc gia của họ. Hơn thế nữa, chính phủ tại hai quốc gia này cũng quyết định đầu tư hàng trăm triệu USD để đi trước đón đầu về 6G nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong tương lai.
Theo Cục Viễn thông, Ban chỉ đạo 6G đã được thành lập. Trong khi đó, một trong những doanh nghiệp đã đạt được một số thành quả nhất định về công nghệ 5G là Viettel, cũng cho biết đã bắt tay vào nghiên cứu 6G.
Trên thực tế, việc nghiên cứu luôn cần sớm sủa đến mức có thể. Bởi chờ đến khi 5G được thương mại hóa một cách rộng rãi mới bắt tay vào nghiên cứu 6G thì e rằng đã chậm chân, sẽ mãi đi theo sau chứ khó mà “đi tắt đón đầu”.
Một quốc gia như Mỹ, sự đi đầu về công nghệ luôn nằm ở sự chủ động đầu tư nghiên cứu từ khối doanh nghiệp. Rút kinh nghiệm từ cuộc cách mạng 5G, nhằm chiếm lĩnh vị thế dẫn đầu về 6G, Liên minh các Giải pháp công nghiệp viễn thông (ATIS: Alliance for Telecommunications Industry Solutions) đã đề xuất sáng kiến thành lập Liên minh thế hệ tiếp theo (Next G Alliance) vào tháng 10 năm 2020 với sự tham gia 45 doanh nghiệp lớn thuộc các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bán dẫn, nhà cung cấp thiết bị, nhà mạng…