Trong khi hầu hết nhà đầu tư thất vọng với đà sụt giảm gần 4% của vàng vào năm 2021 thì một đơn vị quản lý quỹ tại Mỹ lại cho rằng thị trường nên nhìn nhận diễn biến của giá vàng theo hướng tích cực hơn.
Ông Joe Foster, Giám đốc đầu tư chiến lược vàng của công ty quản lý đầu tư toàn cầu VanEck nhận định mặc dù hoạt động của vàng năm ngoái là đáng thất vọng. Tuy nhiên, kim loại quý vẫn đang cố gắng chinh phục nền cơ bản mới cao hơn 1.800 USD/ounce.
“Đại dịch mang đến nhiều bất ổn và rủi ro, cùng với các chính sách tài khóa và tiền tệ siết chặt tại Mỹ đã hỗ trợ giá vàng tăng. Các nhà đầu tư đổ xô đầu tư vào vang để tìm kiếm sự an toàn. Kể từ khi COVID-19 bùng phát vào tháng 3.2020, giá vàng đã đạt trung bình 1.817 USD/ounce”, báo cáo chỉ ra.
Trong khi lạm phát tại Mỹ tăng nóng tới 7% vào tháng trước lẽ ra phải là một môi trường tích cực cho vàng nhưng ông Foster cho rằng kim loại quý vẫn phải đối mặt với những khó khăn đáng kể từ năm 2021. Trong đó có một Fed ngày càng "diều hâu" hơn.
Ông nói: “Mặc dù phản ứng của Fed đối với lạm phát có thể là quá muộn, nhưng các thị trường dường như vẫn chưa tin tưởng vào khả năng quản lý nền kinh tế của tổ chức này”.
Đồng thời, vàng đang phải vật lộn trước sức mạnh gia tăng của đồng đô la Mỹ, mức định giá kỷ lục trên thị trường chứng khoán và sự thèm muốn quyết liệt đối với tiền điện tử.
“Trong thời kỳ hưng phấn, hầu hết nhà đầu tư đều thiếu ý thức về rủi ro và chẳng có lý do gì để mua một tài sản trú ẩn an toàn".
Ông Foster nói thêm rằng mặc dù giá vàng phải vật lộn để phục hồi khi đối mặt với lạm phát, nhưng vẫn cần thêm thời gian để nó bắt kịp phần còn lại của ngành hàng hóa.
Theo ông Foster, giá nhà tăng, tiền thuê nhà tăng, các công ty cạnh tranh lao động trong thị trường lao động thắt chặt, giá thực phẩm tăng và người tiêu dùng vẫn có nhiều tiền nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là tất cả những yếu tố sẽ tiếp tục đẩy áp lực giá tiêu dùng ngày một thêm nóng.
Tuy nhiên, ông cho rằng chính sách tiền tệ của Fed vẫn là yếu tố quan trọng nhất sẽ thúc đẩy giá vàng. Hiện tại, các thị trường kỳ vọng Fed sẽ siết chặt chính sách tiền tệ trong năm nay. Tiềm năng là sẽ có bốn đợt tăng lãi suất trong 2022, với lần tăng đầu tiên vào tháng ba. Bên cạnh đó cũng còn kỳ vọng về ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ thu hẹp bảng cân đối kế toán trước cuối 2022.
“Chúng tôi phân tích diễn biến của vàng trong 6 tháng trước và sau mỗi lần đầu tăng lãi suất trong ba chu kỳ vào các năm 1999, 2004 và 2015. Kết quả cho thấy vàng đã giảm từ 5% đến 10% trong 6 tháng trước mỗi lần tăng lãi suất đầu tiên.
6 tháng sau lần tăng đầu đó, kim loại quý đã tăng từ 10% đến 20%. Có lẽ diễn biến tiêu cực của vàng vào năm 2021 là một điều bình thường trước mỗi đợt tăng lãi suất. Năm 2022 chắc hẳn sẽ là một năm thú vị”, ông nhấn mạnh.
Xem thêm: odl.189599-con-hnab-gnat-gnas-nas-gnav-aig-pah-mah-gnon-ioig-eht-tahp-mal/et-hnik/nv.gnodoal