Các nhà khoa học trao đổi tại tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống" trong khuôn khổ Tuần lễ khoa học công nghệ, do Quỹ VinFuture tổ chức - Ảnh: BTC
Tọa đàm là sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ khoa học công nghệ, do Quỹ VinFuture tổ chức. Hoạt động này kỳ vọng là cơ hội kết nối tư tưởng và hành động của các nhà khoa học lỗi lạc với các nhà hoạch định chính sách, các doanh nhân, đồng thời là sự kết nối giữa cộng đồng khoa học công nghệ Việt Nam với thế giới.
Kết nối khoa học Việt Nam với thế giới
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng ba chủ đề về năng lượng, AI và chăm sóc sức khỏe được bàn thảo tại cuộc tọa đàm chính là ba lĩnh vực quan trọng mà Việt Nam đang rất quan tâm để giải quyết những vấn đề mà chúng ta đang phải đối diện.
"Ở Việt Nam lúc này đang phải đương đầu thách thức về biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19... và ta phải ứng dụng công nghệ, tìm kiếm những ý tưởng giải pháp mới từ AI, Bigdata để giải quyết những vấn đề ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu..." - Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.
Ông Bùi Thế Duy cũng bày tỏ hy vọng việc Quỹ VinFuture kết nối các nhà khoa học hàng đầu thế giới tới Việt Nam, tổ chức các hoạt động trao đổi khoa học sẽ tạo sự kết nối chặt chẽ giữa cộng đồng khoa học Việt Nam và thế giới.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng kỳ vọng từ các hoạt đồng này của Quỹ VinFuture và Tập đoàn Vingroup sẽ góp phần tạo ra làn sóng đầu tư mới trong khoa học công nghệ, không chỉ từ Chính phủ mà còn sự tham gia nhiều hơn ở khu vực tư nhân.
AI sẽ giúp Việt Nam phát triển bền vững
Chia sẻ về nhận định này tại phiên tọa đàm, TS Bùi Hải Hưng - viện trưởng Viện VinAI - và GS Vũ Hà Văn - giám đốc khoa học của Viện VinBigdata - nêu những dẫn chứng cụ thể về tầm nhìn đối với AI của Việt Nam từ trải nghiệm của chính bản thân.
"VinAI bắt đầu hành trình của mình ba năm trước. Việt Nam đang đạt độ chín về nhu cầu công nghệ, nhu cầu nghiên cứu về AI, thị trường... Tôi muốn đưa điểm chín đó đẩy lên tầm cao mới, tạo kết quả thiết thực cho chất lượng cuộc sống người dân. Chúng tôi đặt ra câu hỏi có thể xây dựng phòng lab về AI đẳng cấp ngay tại Việt Nam. Ban đầu tôi cũng không biết có thành hiện thực không? Phòng lab Việt Nam có theo kịp ở thung lũng Silicon không?
Hiện tôi tự tin VinAI là một trong các phòng lab hàng đầu về số ấn phẩm công bố, hội thảo tham gia. Ví dụ năm nay tôi có tám ấn phẩm công bố từ phòng lab. Ít nhất tới hiện tại, theo cảm nhận, tôi đã làm một điều gì đó đưa độ chín đó lên tầm cao mới. Lúc này chúng ta có thể làm nhiều hơn để giải quyết vấn đề đào tạo, giáo dục tập huấn, làm sao tạo nguồn nhân tài từ chính người Việt Nam" - TS Bùi Hải Hưng chia sẻ.
TS Bùi Hải Hưng tự tin khẳng định: "Tôi nghĩ không chỉ tại các viện, trường mà cả khu vực tư nhân và doanh nghiệp nữa, ta thấy AI hoàn toàn có thể giúp ta phát triển bền vững".
Còn GS Vũ Hà Văn cũng cho hay: "Hiện tại tôi đang dẫn dắt VinBigdata. Hồi bắt đầu, tôi muốn mang AI đến Việt Nam như một công cụ hữu ích cho người dân hưởng lợi từ AI. Muốn xây dựng hệ thống AI cần hai yếu tố: một là bộ dữ liệu sạch, hai là nguồn nhân tài sẵn sàng cống hiến công sức. May là Việt Nam là một nước đang phát triển, có rất nhiều công cụ hữu ích".
Theo GS Văn, Việt Nam đang có thuận lợi về cả nguồn dữ liệu và nguồn nhân lực để phát triển AI, Bigdata. "Nếu có tầm nhìn, chúng ta có thể tạo được sản phẩm giá trị cho người dân Việt Nam" - GS Vũ Hà Văn nói.
Việt Nam có tiềm năng phát triển AI
Một nhà khoa học tham gia tọa đàm đến từ ĐH Stanford (Hoa Kỳ) đặt câu hỏi: "Việt Nam không phải là quốc gia đi đầu mà là đi sau về AI. Từ góc độ chính sách, Việt Nam có thể làm gì để thu hẹp khoảng cách?".
GS Vũ Hà Văn trả lời: "Để rút ngắn khoảng cách, đầu tiên phải nâng cao nhận thức người dân về giá trị khoa học nói chung, sau đó mở rộng đầu tư trong lĩnh vực này. Phải có chính sách, cơ chế hỗ trợ nhà khoa học trẻ. Với sự hỗ trợ từ bên ngoài, một nhóm nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu lớn mạnh có thể thu hút hỗ trợ từ bên ngoài cho trung tâm lớn đó. Nghiên cứu bây giờ hoàn toàn mở, không phải bảo mật, như hệ thống của chúng tôi có thể thu hút nhiều nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam. Đây là cách để tiến nhanh cùng thế giới".
Trả lời câu hỏi "Việt Nam có thể kỳ vọng gì hơn nữa từ AI?", TS Bùi Hải Hưng cũng đánh giá có hai điểm Việt Nam nổi trội, trong đó một là nhân tài.
"Hiện ta thấy cơ hội tuyệt vời để khởi nghiệp, để tham gia và hưởng lợi. Ít nhất hiện tại ta thấy tương lai vô cùng tươi sáng tại Việt Nam. Để biến tương lai thành hiện thực - nơi Việt Nam được tham gia vào thị trường không chỉ với tư cách là đối tượng hưởng lợi mà sản xuất ra các sản phẩm AI. Với tầm nhìn này, ta có thể làm được" - TS Hưng khẳng định.
AI tác động to lớn những năm tới
Có mặt tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia tên tuổi của thế giới trong lĩnh vực AI cũng chia sẻ tầm nhìn về ứng dụng, tác động của AI trong tương lai. Đứng từ góc độ Việt Nam, TS Hưng nhấn mạnh AI sẽ mang lại tác động to lớn những năm tới, những đột biến của AI sẽ mang đến cơ hội lớn.
Ông Hưng cũng bày tỏ: "Hy vọng chúng tôi sẽ truyền cảm hứng với những người đã đang và sẽ làm trong ngành AI. Đây là cơ hội để tham gia, ta chỉ cần tự tin, ngoài kia có nhiều cánh tay để hỗ trợ chúng ta trong hành trình AI".
Cộng sự của con người
Chứng minh cho nhận định của TS Hưng, GS Jennifer Tour Chayes (ĐH California (Berkeley, Hoa Kỳ) - đồng thời là giám đốc điều hành của ba trung tâm Microsoft tại Cambridge, New York và Motreal và là thành viên của Viện hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ - cho biết: "Tôi nghĩ AI là cộng sự của con người. Trong tương lai tôi có kế hoạch đến Việt Nam tham dự nhiều hội thảo về AI, khi Việt Nam trở thành nơi đi đầu về AI".
TTO - Tôn vinh khoa học vì số đông, tôn vinh những nghiên cứu tác động đến phần đông người dân trên thế giới, thực sự có ý nghĩa toàn cầu, vì thế ngay từ năm đầu tiên giải thưởng VinFuture đã vượt xa kỳ vọng.
Xem thêm: mth.4245547002102202-ehgn-gnoc-coh-aohk-gnort-iom-gnos-nal-yad-cuht/nv.ertiout