Đó là thông tin do một số sàn thương mại điện tử cung cấp cho Báo Người Lao Động ngày 20-1.
Theo đại diện Shopee, lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, nhiều đối tượng đã mạo danh sàn để lừa đảo người dùng thông qua hình thức tuyển dụng cộng tác viên đặt hàng theo yêu cầu. Sau đó, các đối tượng đề nghị người bị hại thanh toán đơn hàng qua tài khoản ngân hàng được chỉ định sẵn để chiếm đoạt.
Nhiều sàn thương mại điện tử thời gian qua bị kẻ gian mạo danh lừa đảo
"Nhiều khách hàng đã cầm cố xe, vàng, trang sức… để lấy tiền nộp vào tài khoản của người tự xưng là nhân viên của sàn thương mại điện tử với mong muốn được tuyển dụng làm việc tại các sàn này. Tuy nhiên, sau khi gửi tiền theo hướng dẫn, "nhân viên" sàn thương mại điện tử đã "mất hút", không để lại dấu vết" - đại diện Shopee thông tin.
Tin nhắn mạo danh nhân viên của Tiki để lừa đảo tuyển dụng
Đại diện một sàn thương mại điện tử khác cũng xác nhận tình trạng này. "Gần đây, chúng tôi ghi nhận phản ánh của khách hàng về việc sàn tuyển dụng người tạo chứng từ, giả mua hàng để tăng doanh thu rồi được hoàn trả vốn và thêm cả hoa hồng. Họ tạo thông tin giả mạo doanh nghiệp trên Facebook, Zalo, nhắn tin tới số điện thoại của khách hàng để mời chào người tham gia. Thực tế, sàn không có chính sách như vậy. Chúng tôi đã khuyến cáo người dùng cần tỉnh táo trước những tin nhắn lừa đảo"- vị đại diện nói.
Đặc biệt, các đối tượng này còn làm giả Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giả mạo con dấu, chữ ký của giám đốc điều hành… trong các văn bản cam kết thanh toán hoa hồng để lấy lòng tin của người bị hại. Anh H., một nạn nhân khác của chiêu trò lừa đảo này, phản ánh: "Họ còn cung cấp cả thẻ nhân viên, giấy phép kinh doanh và giấy cam kết có dấu mộc công ty như thật, nên tôi mới tin tưởng tham gia".
Các đối tượng còn làm giả giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để "dụ" khách hàng
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, đầu tuần trước, chị Thu Hồng (TP HCM) nhận được tin nhắn mời chào làm việc tạo chứng từ nhằm tăng độ "hot" cho sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, qua đó tăng lượt mua. Để được nhận làm, chị Hồng được một cá nhân có tên L.T.M.Sương - tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của một sàn thương mại điện tử - thông qua số điện thoại 0346.xxxx83 yêu cầu chuyển tiền 3 lần. "Hai lần đầu, số tiền tôi chuyển đều được hoàn trả. Đến lần thứ ba, tôi được giao 3 nhiệm vụ, mỗi nhiệm vụ phải chuyển 3,76 triệu đồng, tổng cộng hơn 11 triệu đồng nhưng sau đó không thấy chuyển lại. Tôi liên hệ với nhân viên tên Sương thì số điện thoại, Zalo, Facebook đều khóa. Tôi gọi lên tổng đài chăm sóc khách hàng của sàn thì được biết sàn không có nội dung công việc này, cũng không có nhân viên có tên, số điện thoại như vậy" - chị Thu Hồng phản ánh.
Với thủ đoạn mời chào tương tự, chị Trinh (TP HCM) đã cầm cố tài sản để có 40 triệu đồng tham gia một công việc trên sàn thương mại điện tử. Sau khi chuyển tiền cho các đối tượng vài lần mà vẫn không nhận được tiền hoàn và hoa hồng, chị Trinh gọi lại số liên lạc trước thì được biết phải chuyển thêm tiền vào mới được nhận lại, nếu không sẽ mất toàn bộ số tiền đã gửi. "Đến lúc đó thì tôi nghi mình đã bị lừa. Tôi gọi lên tổng đài chăm sóc khách hàng của sàn và được biết họ không có chương trình việc làm nào như vậy" - chị Trinh kể.
Thực tế, các thủ đoạn lừa đảo như trên không mới. Cơ quan công an, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã nhiều lần cảnh báo người tiêu dùng nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.