Ngày 20-1, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, thông tin về số liệu nhập khẩu của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, liên quan đến vụ mua bán kit xét nghiệm COVID-19 đang được Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra.
Theo Tổng cục Hải quan, ông Phan Quốc Việt là giám đốc điều hành Công ty Cổ Phần Công Nghệ Việt Á, có năm chi nhánh.
Việt còn đứng tên giám đốc trên 11 công ty, trong đó chỉ có Công ty Cổ Phần Công Nghệ Việt Á hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng máy móc, thiết bị dụng cụ y tế, nhập khẩu chất thử thí nghiệm dùng trong thủy sản, mồi phản ứng PCR, phụ kiện dùng trong phòng thí nghiệm...
Phan Quốc Việt cùng các bị can bị khởi tố trong vụ án
Từ tháng 9-2021 đến tháng 12-2021, Công ty Việt Á đã nhập khẩu 3 triệu que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên virus SARS-CoV-2 chủng loại Novel Coronavirus 2019-nCoV Antigen Test-Colloidal Gold), mới 100% từ Trung Quốc với giá khai báo 0,955 USD/test (khoảng 21.560 đồng/test), tương ứng tổng trị giá là 64,7 tỉ đồng.
Ngoài ra, Công ty Việt Á có tổng kim ngạch nhập khẩu của trong 5 năm (2017-2021) là 286 tỉ đồng.
Trong đó, que test nhanh thành phẩm, hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm là 162 tỉ đồng và 123 tỉ đồng máy móc, thiết bị các loại phục vụ việc xét nghiệm, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh, điều tra bảy công ty có liên quan đến Công ty Cổ Phần Công Nghệ Việt Á.
Bảy công ty này gồm: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Kỹ thuật – Technimex, Công ty cổ phần vật tư khoa học Biomedic, Công ty cổ phần kỹ thuật và sinh học ứng dụng Việt Nam, Công ty TNHH thiết bị khoa học Lan Oanh, Công ty TNHH thương mại Việt Hoàng Long, Công ty TNHH thiết bị khoa học sinh hóa Vina, Công ty cổ phần công nghệ TBR.
Bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á
Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã khởi tố hàng loạt bị can trong vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, về các tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ngoài lãnh đạo và nhân viên Công ty Việt Á, nhiều bị can bị khởi tố là giám đốc CDC các tỉnh, lãnh đạo cấp vụ thuộc Bộ Y tế và Bộ KH&CN.
Theo C03, sau khi được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19, Công ty Việt Á dưới sự chỉ đạo của Phan Quốc Việt chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh sử dụng.
Tiếp đó, Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để quyết toán theo giá mức do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Thực tế, Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit.
Tính đến nay, công ty này đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, TP trên cả nước, với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.
Điều đáng nói, để tăng doanh thu và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ khống, Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi % “hoa hồng” hợp đồng cho lãnh đạo các bệnh viện, CDC với số tiền rất lớn.
Lời khai ban đầu của Việt cho biết bị can này đã bắt tay với các đối tác để nâng khống giá kit xét nghiệm khoảng 45%, qua đó thu về số tiền hơn 500 tỉ đồng. Đặc biệt, số tiền mà Công ty Việt Á chi "hoa hồng” cho các đối tác lên tới gần 800 tỉ đồng.
Ngoài các sai phạm từ phía Công ty Việt Á, C03 còn xác định có căn cứ xác định dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, nghiên cứu, chuyển giao đề tài khoa học về sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 tại Bộ KH&CN trong việc cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 và trong việc hiệp thương giá sản phẩm kit xét nghiệm với Công ty Việt Á tại Bộ Y tế.
Cùng với đó, lãnh đạo, cán bộ thuộc CDC một số tỉnh, thành đã thông đồng, câu kết với các bị can tại Công ty Việt Á để thực hiện hành vi vi phạm khi tổ chức đấu thầu mua vật tư phòng chống dịch bệnh COVID-19.