Các y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội) cầu cứu vì hơn 8 tháng bị nợ lương - Ảnh: NAM TRẦN
Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, Hà Nội) và một số bệnh viện khác sau khi thực hiện tự chủ, cộng với dịch COVID-19 và nhiều lý do khác dẫn đến y bác sĩ không có lương. Từng làm giám đốc bệnh viện, tôi hiểu muốn thực hiện chính sách "tự chủ bệnh viện" điều đầu tiên là phải biết làm, nếu không biết làm thì không nên tự chủ. Vì tự chủ bệnh viện, trước mắt có lợi cho người bệnh.
Vì sao phải "biết làm"? Đó là phải có ý tưởng thực hiện tự chủ bệnh viện, phải suy nghĩ, đánh giá, phân tích thấu đáo về nội lực của mình xem điểm mạnh, điểm yếu, từ đó chọn mặt mạnh để phát huy. Các mặt chưa mạnh cần phải bổ sung thêm điểm nào để có thể "cạnh tranh" được với các bệnh viện bạn, từ đó thu hút bệnh nhân.
Tự chủ bệnh viện, điều quyết định là phải có "khách hàng", tức là đòi hỏi bệnh viện phải nâng chất lượng phục vụ. Từ khi nhiều bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính, hoạt động "chăm sóc khách hàng" được đầu tư khá nhiều.
Trước đây làm gì có chuyện bệnh viện công quảng bá dịch vụ, kỹ thuật trên mạng xã hội. Nhưng hiện nay bệnh viện nào cũng có các "kênh" để giao tiếp với người bệnh. Như vậy, tự chủ bệnh viện đã đem lại cho người bệnh chất lượng phục vụ tốt hơn.
Đồng thời, khi thực hiện tự chủ tài chính, bệnh viện được quyền chủ động hơn trong mua sắm, đầu tư cho khang trang hơn. Những phòng bệnh cũ kỹ cần phải nâng cấp, trước đây có khi mất vài tháng chưa xong vì người được giao nhiệm vụ quản lý bận công tác.
Nhiều thứ phải chờ. Cơ sở vật chất xuống cấp, khó phục vụ bệnh nhân tốt được. Bệnh viện được tự chủ, họ quyết là có thể sửa chữa nhanh. Và nhiều vấn đề khác ở bệnh viện cũng được giải quyết nhanh như vậy.
Hàng chục y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh cầm băngrôn "cầu cứu" trước cổng viện chiều 12-1 - Ảnh: NAM TRẦN
Tuy nhiên nhìn lại, có một số mô hình tự chủ làm chưa tốt, có cùng điểm chung là bệnh viện "quên" phát huy điểm mạnh của mình. Ví dụ bệnh viện chuyên về Đông y lẽ ra phải phát huy thế mạnh về Đông y nhưng lại sắm máy móc, thiết bị mà nhiều bệnh viện khác đã có. Vì thế, đó là khoản đầu tư không hiệu quả. Sắm máy, không có người bệnh thì sao có nguồn thu!
Nhưng nếu cho là chưa quen, khó làm, thôi dừng tự chủ, quay lại cách làm cũ? Tự chủ bệnh viện là hướng đi đúng, vẫn nên triển khai ở các bệnh viện có khả năng, điều kiện thực hiện tự chủ và phải có những quy chế quản lý chặt chẽ.
Điều kiện đó là gì? Là những người được giao quyền quản lý phải luôn "đau đáu" đổi mới chất lượng dịch vụ và cách tiếp cận - chăm sóc người bệnh gắn với nâng cao đời sống y bác sĩ trong bệnh viện.
Phải đặt "quyền lợi" của cả tập thể lên cao nhất để có thể tận dụng được những điểm mạnh để đưa bệnh viện phát triển. Còn người nào "vung tay quá trán", quá đà, chuyên quyền thì "quyền lợi" trở thành "quyền hại".
Tất nhiên kể cả không có thực hiện tự chủ này, bệnh viện hoạt động theo cơ chế cũ, vẫn có những giám đốc mắc phải "quyền hại" vì lạm quyền.
Muốn bệnh viện công nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, con đường ngắn nhất là tự chủ bệnh viện.
Tự chủ sẽ giúp thôi thúc bệnh viện khắc phục mặt chưa tốt, tạo điều kiện cho đội ngũ y bác sĩ cống hiến vì mục tiêu phát triển bệnh viện. Khi nhiều bệnh viện công cùng cạnh tranh, người bệnh có nhiều lựa chọn.
TTO - Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị Bộ Tài chính xem xét và sớm trình Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ Bệnh viện Tuệ Tĩnh 10,2 tỉ đồng để hỗ trợ chi trả lương và hoạt động thường xuyên cho bệnh viện.
Xem thêm: mth.34793928012102202-gnoul-on-oc-eht-gnohk-tot-uhc-ut/nv.ertiout