Dự cuộc họp có các đồng chí: Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Lê Thế Phúc, Phó Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao...
Toàn cảnh cuộc họp. |
Ngày 25/6/2018, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 05 quy định về việc phối hợp thông báo, gửi thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội (gọi tắt là Thông tư 05) để thay thế Thông tư liên tịch số 03 ngày 01/6/2006 hướng dẫn về việc thông báo, gửi, cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến người phạm tội. Nội dung Thông tư 05 quy định cụ thể những loại hồ sơ, tài liệu liên quan đến người phạm tội cần được thông báo, gửi, cung cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ thuộc ngành Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án; xác định rõ trách nhiệm của ba ngành trong hoạt động tố tụng hình sự và thi hành án hình sự.
Việc ban hành Thông tư 05 là căn cứ pháp lý quan trọng, cần thiết để cơ quan tiến hành tố tụng các cấp gửi và yêu cầu cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến người phạm tội phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đồng thời, là căn cứ để cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ các cấp yêu cầu cung cấp những thông tin, tài liệu phục vụ việc thu thập, lưu trữ những dữ liệu liên quan đến người phạm tội và cung cấp những thông tin này cho cơ quan tiến hành tố tụng.
Trình bày báo cáo tại cuộc họp, Thiếu tướng Ngô Thị Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an cho biết, sau hơn 03 năm thực hiện Thông tư số 05, lãnh đạo liên ngành Công an – Viện kiểm sát – Tòa án các cấp ở nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo, quán triệt tổ chức thực hiện nghiêm túc Thông tư 05. Đã có 53/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Quy chế hoặc văn bản phối hợp giữa ba ngành. Thông tin, tài liệu về người phạm tội đã được cơ quan Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp gửi về cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ tăng nhiều lần so với trước đây. Các thông tin, tài liệu đều đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Thiếu tướng Ngô Thị Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ trình bày báo cáo tại cuộc họp. |
Một số loại thông tin, tài liệu được Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án các cấp gửi cho cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ đạt tỷ lệ tương đối cao. Cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ nhiều địa phương đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo liên ngành đôn đốc, kiểm tra, thường xuyên thông báo việc thực hiện các quy định của Thông tư 05, đồng thời làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý, khai thác, cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm và thi hành án hình sự.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra khó khăn, vướng mắc, tồn tại; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người phạm tội của ba ngành Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án...
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định, việc ban hành Thông tư 05 là một việc làm rất cần thiết, thực tế đem lại hiệu quả rất cao, qua đó mà ba ngành Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án có mối quan hệ chặt chẽ hơn trong việc lưu trữ, sử dụng các loại thông tin liên quan đến tố tụng, phục vụ kịp thời, hiệu quả các mặt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng các yêu cầu xây dựng Chính phủ số, xã hội số và cải cách hành chính...
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại cuộc họp. |
Để nâng cao hiệu quả phối hợp trong việc trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người phạm tội giữa ba ngành Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị, cần tập trung sửa đổi Thông tư 05 nhằm khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập đang tồn tại hiện nay. Trước mắt, khẩn trương đề xuất nhân sự, thành lập Ban Soạn thảo Thông tư sửa đổi, trong đó giao Cục Hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an là đơn vị chủ trì, đầu mối thường trực kết nối với Viện Kiểm sát và Tòa án để thống nhất các nội dung sửa đổi. Trong đó hướng tới việc chuyển đổi phương thức phối hợp, thông báo, trao đổi thông tin, tài liệu giữa các ngành mang tính chất số hóa, chuyển từ phương thức thủ công sang trực tuyến. Bên cạnh đó, cần thường xuyên theo dõi, tập hợp tình hình thực hiện Thông tư 05 của Cơ quan điều tra cấp Bộ, Cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ cấp tỉnh và việc phối hợp với cơ quan Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp...