Bộc lộ "điểm yếu" nhờ Covid
Ngày 21/1, tại hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp sản xuất và trả lời câu hỏi bắt đầu từ đâu", TS Hoàng Thị Bảo Thoa, Giám đốc Đào tạo và Phát triển dự án, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số nhận định: “Dữ liệu là vấn đề quan trọng cho doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh hiện nay”.
Dữ liệu là một loại tài sản vô giá đối với doanh nghiệp, hơn nữa, đối với bước đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số, ta cần khiến tài sản đó thành một dòng chảy trơn tru trong nội bộ doanh nghiệp, tạo được một cơ sở dữ liệu tập hợp thì mới có thể tối ưu hoá hoạt động vận hành, sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, với doanh nghiệp truyền thống, đây lại là một điểm yếu. Bởi những doanh nghiệp đi lên từ nghề truyền thống sẽ không có xu hướng chú trọng việc lưu giữ dữ liệu. Trên thực tế, họ sẽ thường quan tâm tới năng suất lao động, kế hoạch sản xuất, tuy nhiên, dữ liệu đầu vào có tốt thì kế hoạch sản xuất mới được phát huy hiệu quả.
Theo bà Thoa, doanh nghiệp được vận hành dựa trên 3 dòng chảy về thông tin, thanh toán và hàng hoá, nhưng do Covid, các dòng chảy này đều có sự tắc nghẽn hoặc đứt gãy, đặc biệt đối với dòng chảy hàng hoá, phần nhiều nằm ở cách quản trị.
Nhìn theo hướng khác, Covid lại chính là cơ hội khiến hành vi tiêu dùng của khách hàng thay đổi, chuỗi cung ứng cũng có những biến chuyển. Từ đó, đòi hỏi doanh nghiệp cần có cách thức tiếp cận và thích nghi phù hợp với thời cuộc hơn.
Từ đó, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó trưởng Ban Nghiên cứu phát triển, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) bày tỏ, để quản trị và vận hành một chuỗi cung ứng khép kín, dữ liệu đóng vai trò không thể thiếu.
Song, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, rất nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đã không thể trụ vững, dẫn đến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.
Do đó, cần nâng cao tính minh bạch qua tất cả các cấp của chuỗi cung ứng là điều kiện cần để đảm bảo sản xuất hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ được liên tục.
“Tiếp sức" chuỗi cung ứng, cần bắt đầu từ đâu?
Theo đại diện Vietnam Post, trong một chuỗi cung ứng bất kỳ, con người có thể tham gia toàn bộ các khâu hoặc chỉ tham gia một phần trong chuỗi cung ứng. Ông lấy ví dụ về công ty thực phẩm Masan, đã có chuỗi cung ứng khép kín với quy mô lớn từ khâu chăn nuôi, chế biến, tới vận chuyển và tới tay người tiêu dùng.
Theo đó, ông nhấn mạnh: “Chúng ta chỉ có thể thực sự làm được điều đó khi có công cụ hỗ trợ”.
Cụ thể, chuỗi cung ứng trong sản xuất sẽ được “tiếp sức” khi có hệ thống truy xuất nguồn gốc (TXNG) nội bộ và truy xuất nguồn gốc bên ngoài.
Truy xuất nguồn gốc nội bộ, về cơ bản, mỗi sản phẩm được truy xuất cần trả lời thỏa mãn các câu hỏi như: Ai liên quan? Đối tượng TXNG là gì? Hoạt động ở đâu? Hoạt động xảy ra khi nào? Xảy ra như thế nào? Nghĩa là, tất cả các khâu từ nhập đầu vào nguyên liệu, chế biến, tới đầu ra đều sẽ được quản lý bằng hệ thống cơ sở dữ liệu, được ghi chép lại thông tin cụ thể.
Truy xuất nguồn gốc bên ngoài, cần phải đảm bảo nguyên tắc “một bước trước, một bước sau”. Theo đó, mỗi bên tham gia truy xuất nguồn gốc phải đảm bảo khả năng tối thiểu xác định được bên trực tiếp giao vật phẩm truy xuất cho họ, đồng thời, bên nhận trực tiếp vật phẩm truy xuất cũng vậy.
Từ bối cảnh thực tế và mô hình công ty đã triển khai, ông Cương đề xuất các chuỗi cung ứng nên thiết lập quy trình 7 bước đối với truy xuất nguồn gốc: xác định chuỗi cung ứng; phạm vi truy xuất (nội bộ/ ngoại vi); xác định vật phẩm xuất nhập, đối tượng cần truy xuất liên quan; thiết lập hệ thống thông tin TXNG; ghi nhãn và quản lý nhãn; xác định/ phân công đơn vị quản lý, vận hành hệ thống TXNG; thông báo với các bên.