Quy định 1374 ban hành cuối năm 2017, tiếp nhận thông tin về các dấu hiệu vi phạm của cán bộ, đảng viên từ 4 nguồn: ý kiến cử tri; hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử; thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo; phản ánh từ báo chí.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho biết trong 5 năm qua đã tiếp nhận 9.864 thông tin, trong đó thông tin từ báo chí chiếm hơn 12%. Các phản ánh của báo chí trên nhiều lĩnh vực, nhất là công tác quản lý nhà nước, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, thậm chí sai phạm của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ. Qua đó, giúp địa phương, đơn vị phần nào nắm bắt được tình hình, chủ động giải quyết các vi phạm, nhất là những vi phạm diễn biến kéo dài gây bức xúc trong dư luận.
Các ý kiến tại tọa đàm đánh giá Quy định 1374 là cách làm sáng tạo của Thành ủy TP.HCM trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các đơn vị có cán bộ, đảng viên bị phản ánh có dấu hiệu vi phạm cần trao đổi, phản hồi kịp thời đến cơ quan báo chí về tiến độ, kết quả xử lý. Một số ý kiến cho rằng cần có cơ chế xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ xử lý, giải quyết thông tin phản ánh nhưng thực hiện chậm trễ, kéo dài.
Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, đánh giá báo chí đã luôn sâu sát thực tiễn để kịp thời phát hiện, phản ánh chính xác, khách quan, trung thực những sai phạm của các tập thể và cá nhân trên các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước. Vai trò của báo chí, truyền thông trong tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khá toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, góp phần tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh rất lớn… Phó bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc phát ngôn và chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đúng quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi để báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ.