Cuối năm 2020, Vietravel ra mắt hãng hàng không riêng của công ty - Vietravel Airlines. Tuy nhiên, chưa hoạt động được bao lâu thì cả Vietravel lẫn Vietravel Airlines phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 thứ tư, khiến toàn bộ hoạt động lõi của công ty rơi vào trạng thái on/off trong suốt năm 2021.
Chia sẻ với Trí Thức Trẻ về những kỳ vọng trong năm 2022, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, ông Nguyễn Quốc Kỳ bộc bạch, ông mong môi trường sống càng ngày càng tốt hơn và người dân Việt Nam có thể cải thiện cuộc sống, từng bước thích ứng được với bệnh tật để dần dần quay trở lại nhịp sống bình thường của mình. Thế nhưng…
"Mong ước có thể rất giản dị nhưng thực sự là một thách thức", ông Nguyễn Quốc Kỳ trăn trở.
Covid-19 tác động rất lớn đến hai lĩnh vực hàng không và du lịch - và Vietravel lại hoạt động trong cả hai lĩnh vực này. 2021 có phải một năm "nằm im" của Vietravel hay không?
Nói là "nằm im" thì cũng không chính xác. Chúng ta có thể chia năm 2021 thành hai giai đoạn. Giai đoạn một là giai đoạn có thể hoạt động được, kéo dài khoảng 6 tháng, bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 4 và từ tháng 10 đến tháng 12. Trong đó, tháng 10 được xem là thời điểm "rã đông".
Giai đoạn thứ hai, khoảng sáu tháng còn lại, là giai đoạn giãn cách xã hội hoàn toàn, và hoạt động của cả hàng không lẫn du lịch đều gần như "đóng băng".
Vốn dĩ, từ năm 2020, hoạt động kinh doanh của Vietravel đã bị giảm đi gần 5 lần so với hoạt động của năm 2019. Sang đến năm 2021, việc kinh doanh của hãng cũng chỉ đạt được khoảng 60% so với 2020. Như vậy là đã có sự sụt giảm rất lớn trong hoạt động kinh doanh của Vietravel so với thời điểm trước khi đại dịch xảy ra.
Vậy Vietravel làm thế nào để vượt qua giai đoạn khó khăn đó?
Năm 2020, Vietravel đã có kinh nghiệm trong việc ứng phó với đại dịch, phân loại cụ thể những nhóm công việc cần giải quyết như: nguồn nhân lực, thị trường, khách hàng, và tài chính… để tập trung giải quyết. Và cách này khá thành công.
Trên cơ sở đó, sang đến năm 2021 mặc dù tình hình khó khăn hơn nhưng Vietravel đã điều chỉnh hoạt động của công ty giống với 2020 và có phần thắt chặt hơn, chúng tôi gọi là chuyển sang trạng thái "ngủ đông tích cực".
Trạng thái "ngủ đông tích cực" khác với ngủ đông bình thường ở chỗ, trạng thái này vẫn giữ bộ phận cơ thể đủ ấm để có thể duy trì hoạt động của toàn bộ hệ thống. Bên cạnh đó, cách này có khả năng giúp doanh nghiệp nhanh chóng "rã đông" và quay trở lại thị trường sớm, quay trở lại hoạt động được ngay, khi tình trạng giãn cách xã hội, tình trạng dịch bệnh có chiều hướng được khắc phục.
Trải qua 2 năm khó khăn nhất trong lịch sử ngành du lịch và cả ngành hàng không, ông có thấy mình nên đầu tư vào thêm một lĩnh vực khác để tránh rủi ro hay vẫn kiên định với ngành mình đã chọn trong nhiều năm?
Dịch bệnh khiến môi trường kinh doanh thay đổi, bắt chúng ta phải phân tích lại thị trường, hướng phát triển của thị trường đó đã đến mức độ bế tắc chưa, đã đến đường cụt chưa. Hay nói cách khác, nhu cầu đi du lịch của người dân còn hay không.
Tất cả những phân tích đó cho thấy, nhu cầu đi du lịch là tự thân của mỗi người, là mong muốn tự do khám phá, khát khao mở rộng tri thức của con người. Vì thế nhu cầu du lịch vẫn sẽ tiếp tục tồn tại theo cách này hoặc cách khác.
Bây giờ có thể khó khăn nhưng nhu cầu vẫn sẽ phục hồi và phát triển tiếp. Người ta bảo là không ăn thì chết chứ không đi du lịch thì có sao đâu. Nhưng không có một người nào cả đời chỉ ăn mà không đi du lịch.
Du lịch là một nhu cầu để cân bằng cuộc sống căng thẳng hiện nay, để tái tạo năng lượng cho con người bước vào công việc một cách hứng khởi hơn. Cho nên, khi nhu cầu du lịch vẫn còn thì Vietravel vẫn còn thị trường.
Mặc dù bây giờ thị trường về du lịch và vận chuyển đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng lĩnh vực này vẫn còn dư địa phát triển, khôi phục trở lại trong tương lai. Tổ chức IATA dự báo đến năm 2025, 85% thế giới di chuyển bằng máy bay, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thế nên Vietravel vẫn đang tập trung vào 2 lĩnh vực cốt lõi này.
Bên cạnh đó, Vietravel cũng mở thêm hệ thống dịch vụ để hỗ trợ cho hoạt động chính. Mình đang bị ảnh hưởng như thế mà cứ ngồi chờ thì mình chết, phải triển khai thêm những mảng kinh doanh khác để hỗ trợ và tạo ra được sự hoàn thiện trong cấu trúc kinh doanh của công ty; đồng thời, giúp cho lĩnh vực chính vượt qua khó khăn trong lúc đợi thị trường phục hồi.
Liệu du lịch Việt Nam có thể hồi phục vào đầu năm 2022 trước những lo ngại về sự xuất hiện của biến chủng Covid-19 mới hay không?
Theo tôi, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi từ giữa năm 2022. Với biến chủng Omicron thì tôi lại không xem đó là một vấn đề lớn. Đây không phải là lạc quan tếu. Bản chất của câu chuyện là không có biến chủng này thì có biến chủng khác.
Cho nên, khi chúng ta đã chọn sống chung với dịch thì chúng ta cần bình tĩnh để nhìn thấy được nước đi cần thiết, từ đó đưa ra những quyết định cho phù hợp. Còn nếu như chúng ta luôn hoảng sợ, e dè khi mở cửa, thì chúng ta chưa chết vì dịch đã chết vì suy thoái kinh tế, người dân đã chết vì khổ sở.
Chúng ta cần phải làm những gì để khôi phục ngành du lịch khi dịch bệnh có rủi ro quay trở lại mà không báo trước?
Nếu đi dọc Việt Nam hiện nay, ở tất cả các điểm du lịch, chúng ta phải gọi là một cảnh thành phố ma, nhiều khu du lịch ma, không có người, tan hoang hết, và như thế này rất khó để làm cho du lịch quay trở lại, vì phục hồi cả một hệ thống như vậy không hề đơn giản.
Chúng ta có nhiều việc cần phải làm, nhưng trước hết là phải giữ bằng được ngành du lịch và cơ sở hệ thống ngành du lịch. Cả một hệ thống được xây dựng gần 20 năm qua và gần 10 năm nay đã có những bước tiến rất lớn, rất mạnh, rất nhanh về mức độ đầu tư của xã hội cho ngành du lịch, chiếm 10% GDP của cả nước.
Để giữ được ngành như thế thì Chính phủ cần có chính sách tổng thể, tổng quan cho vấn đề chiến lược phát triển du lịch và giữ du lịch hồi phục trở lại. Điều này sẽ giúp tránh lãng phí những tài sản đầu tư của xã hội, tài nguyên du lịch, và đặc biệt là lực lượng lao động phục vụ ngành du lịch.
Đây là lực lượng được đào tạo, có kỹ năng, có thâm niên, kinh nghiệm, đòi hỏi phải trau dồi rất lâu mới có được. Qua đợt dịch, toàn bộ hệ thống lao động này bị gãy đổ và đứt đoạn, dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động rất nghiêm trọng. Hậu quả là khi chúng ta mở cửa du lịch trở lại thì cũng không có lao động để làm việc.
Đặc biệt, chính sách không được để mỗi nơi một kiểu, không thì sẽ dẫn đến việc các cơ sở kinh doanh du lịch không biết đường nào mà lần. Trong bối cảnh bộn bề như thế này chúng ta đưa ra những rất nhiều chính sách, rất nhiều quyết định nhưng lại không thực hiện một cách triệt để, dẫn đến những chính sách đó cuối cùng chỉ là trên giấy, còn doanh nghiệp vẫn chờ đợi mòn mỏi và ngành du lịch cũng rất khó mà phục hồi trở lại.
Bên cạnh yếu tố về chính sách, còn giải pháp phục hồi nào khác mà ta cần thực hiện?
Phải giải quyết vấn đề tâm lý, nhận thức của người đi du lịch. Bây giờ chúng ta nhận thấy một tâm lý rất nặng nề đối với dịch bệnh, thậm chí còn nặng hơn cả năm 2020.
Theo tôi, khi chúng ta sống chung, thích ứng với dịch thì câu chuyện truyền thông phải làm cho người dân luôn cảnh giác, hiểu đúng về dịch bệnh, để có thái độ ứng xử đúng. Từ đó, mọi người có thể trở lại cuộc sống bình thường, chứ không bây giờ mình đi đâu cũng nơm nớp sợ, thấy ai làm gì mình cũng ớn.
Nếu không giải quyết được vấn đề đó thì du lịch sẽ mãi mãi bị tê liệt. Một khu du lịch có sức phục vụ lên đến cả chục ngàn người mà mở cửa ra chỉ đón đoàn 500 người, chi phí lớn lắm, chỉ mang tính quảng cáo tuyên truyền là chính, sau 3-4 ngày người ta đi rồi thì khu du lịch lại đìu hiu.
Theo ông ngành du lịch sẽ thay đổi ra sao sau khi Covid-19 đi qua?
Chắc chắn du lịch đang có xu hướng thay đổi để phù hợp với tình hình dịch bệnh. Gần đây rất nhiều người nói về xu hướng du lịch nhanh, ít chạm và mang tính cá nhân (private trip), gia đình (family trip), hoặc những nhóm bạn bè nhỏ, nhưng đây không phải là một xu hướng về lâu dài.
Mọi người đang nhầm tưởng việc phát triển du lịch thông qua những hình thức chuyển đổi số là một xu thế có thể làm thay đổi vĩnh viễn ngành du lịch. Thực chất, trong bối cảnh dịch chưa được kiểm soát và chúng ta chưa xác định rõ được bao giờ dịch bệnh thật sự kết thúc, thì sự thay đổi này chỉ là tạm thời và sẽ kéo dài khoảng 2 năm.
Còn bản chất của du lịch phải là touch (chạm), experience (trải nghiệm), cảm giác trải nghiệm trong không gian văn hoá, trong không gian lịch sử, trong những không gian đó thực sự chứ không phải cảm nhận qua TV, tôi hay nói đùa là "qua loa" thì việc này mang tính chất là qua loa.
Chúng ta ăn một món ăn thì không thể ăn qua màn hình được. Bản thân đi mua sắm, người ta cũng muốn đến tận nơi, được tận tay sờ vào đồ vật đó để mua đúng chất vải, đúng theo ý mình. Chứ không ai muốn mua một món đồ người khác chọn sẵn cho mình. Đó chẳng qua là trường hợp bất đắc dĩ trong bối cảnh người ta không đến được cửa hàng để mua sắm trực tiếp.
Ông thấy tốc độ phục hồi ngành du lịch của Việt Nam hiện nay như thế nào so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore?
Nếu như chúng ta không làm được những điều trên thì nguy cơ tụt hậu so với các nước là rất cao. Không những vậy, ta còn tốn kém thêm 2 loại phí không hề rẻ: Phí phục hồi và Phí cơ hội. Chúng ta không những mất tiền vì phục hồi chậm, mà khi cơ hội trôi qua, chúng ta còn mất thêm chi phí quảng cáo để đuổi kịp nước khác, và cũng chẳng nước nào chờ mình đuổi kịp họ, họ lại tiếp tục vượt lên trên.
Du lịch nước ta hiện nay có bước phát triển nhanh, nhưng nếu nhìn vào các nước ASEAN thì tốc độ của ta chưa phải là quá cao đối với top đầu của ASEAN mà chúng ta chỉ ở mức trung bình khá. Đấy là chúng ta chưa nói đến chất lượng khách du lịch.
Chúng ta phải thấy được rằng, tốc độ tăng trưởng cũng như số lượng khách đến các quốc gia như Thái Lan, Singapore tăng rất nhanh và cao, còn chúng ta vẫn phải phấn đấu. Phấn đấu bình thường chưa đuổi kịp họ, huống chi dịch bệnh rồi mà chúng ta không nhân dịp này để đuổi kịp thì lúc nào chúng ta mới đuổi kịp.
Bởi lẽ, khi khủng hoảng xảy ra, thì không có khách hàng thân thiết, khách hàng chung thuỷ, cũng chẳng có khách hàng nào gọi là của mình, và tất cả doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều trên một vạch xuất phát như nhau hết, là không có khách.
Vậy khi bắt đầu kiểm soát được tình hình, thì doanh nghiệp nào chạy nhanh, không kể lớn hay nhỏ thì doanh nghiệp đó chiếm thị trường. Trong bối cảnh khủng hoảng, nhanh mới là yếu tố quyết định, không phải lớn hay nhỏ. Vì thị trường lúc đó đang hồi phục nên quy mô nhỏ hơn so với trước khủng hoảng rất nhiều, không đủ lớn để chia miếng bánh cho tất cả mọi người, và ai nhanh là lấy được thị trường đó luôn.
Chúng ta cần phải nhanh vì vốn dĩ chúng ta đã đứng sau họ rồi. Khi khủng hoảng xảy ra như thế này chính là cơ hội vàng để chúng ta chuyển đổi nhanh để chúng ta lấy khách về, thì bây giờ chúng ta thành ra chuyển đổi chậm. Đây là điều chúng ta cần phải xem lại, nhận thức, hành động của chúng ta phải nhanh và dứt khoát, mạnh mẽ mới có thể đưa Việt Nam trở lại đường đua với các nước trong khu vực.
Sau nhiều đợt mở, đóng thì thời điểm hiện nay, ông nghĩ gì về cơ hội cho mảng du lịch và hàng không của Vietravel?
Vietravel khác biệt với tất cả các hãng du lịch khác, khác hoàn toàn. Về bản chất, không phải vì Vietravel đứng đầu cả nước mà vì công ty có hãng Vietravel Airlines. Còn Vietravel Airlines khác tất cả các hãng hàng không khác ở chỗ có Vietravel.
Người ta nói du lịch và hàng không là 2 cánh của chiếc máy bay. Dĩ nhiên khi bị ảnh hưởng, cả hai sẽ bị ảnh hưởng rất nặng, gấp đôi so với các hãng khác. Nhưng mà khi thời cơ quay trở lại thì đây chính là thế mạnh của Vietravel. Bởi vì khi giãn cách xã hội được gỡ bỏ, chúng ta quay lại cuộc sống bình thường mới thì có 2 từ xuất hiện trong cuộc sống và trong kinh doanh. Một là "change" - thay đổi, hai là "corporate" - liên kết, kết nối chặt chẽ hơn.
Nếu không liên kết lại thì không cách nào phục hồi được hết, dịch bệnh thế này, không ai đi lẻ một mình mà vượt qua khó khăn. Phải có sự kết nối, mà rất nhiều hãng hàng không, rất nhiều đơn vị du lịch đã kết nối lại với nhau, chúng ta gọi là "two in one" - 2 trong 1, nhưng Vietravel với Vietravel Airlines là "one in one" - 1 trong 1 cho nên có thuận lợi hơn. "Two in one" - 2 trong 1 thì vẫn là hai, quyền lợi phải của cả hai, nhưng mà "one in one" là chỉ có 1 thôi là đủ.
Kế hoạch của Vietravel trong năm 2022 sẽ là gì?
Mục tiêu của Vietravel thời gian tới là hoàn thiện tái cấu trúc toàn bộ hệ thống kinh doanh của công ty. Trong đó tập trung vào chuyên ngành và mở rộng thêm một số ngành trong hệ sinh thái kinh doanh của mình.
Hiện Vietravel đang có một hệ thống mua sắm online là Vietravel Shop, chuyên cung cấp trang thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ gia dụng… để phục vụ cho người dân và cộng đồng 1 triệu khách hàng thân thiết của công ty.
Bên cạnh đó, Vietravel cũng sở hữu công ty xuất nhập khẩu và phát triển văn hóa CDIMEX, chuyên cung cấp toàn bộ sách báo ngoại văn, văn hoá phẩm phục vụ cho các trung tâm dạy ngoại ngữ, trường học.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang hoàn thiện lại Vietravel Training Center để có thể triển khai công tác đào tạo nghề nhằm từng bước phát triển lực lượng lao động, giữ lại được lao động, phục vụ cho chính bản thân Vietravel trước, sau đó là xã hội sau. Bởi vì khi thế hệ này mất đi, hay nói cách khác họ đã chuyển nghề thì phải có thế hệ mới để bù vào.
Đây là bước đi chúng tôi đánh giá là bắt buộc phải đi nếu muốn tồn tại và mở rộng liên doanh, liên kết với các đơn vị khác một cách chặt chẽ hơn, trên cơ sở là cộng đồng lợi ích, chia sẻ trách nhiệm để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
https://cafef.vn/chu-tich-vietravel-nguyen-quoc-ky-cac-diem-du-lich-doc-viet-nam-hien-nay-chi-la-khu-du-lich-ma-20220120202038079.chn
Quỳnh Anh
Trí Thức Trẻ