vĐồng tin tức tài chính 365

Chuyên gia giải mã: Kẻ bạo hành trẻ em tăng bạo lực khi hắn tự tin không ai xử được mình

2022-01-22 09:35

Công chúng còn chưa hết bàng hoàng vì vụ bé gái 8 tuổi bị dì ghẻ bạo hành đến tử vong thì lại hứng chịu cú sốc nữa với tin em bé 3 tuổi bị nhân tình của mẹ đóng đinh vào đầu.

Tình trạng bạo hành trẻ em đã và đang gia tăng đến mức báo động. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội) về chủ đề này.

Nhận diện kẻ bạo hành - người thân khó vô can

Chuyên gia giải mã: Kẻ bạo hành trẻ em tăng bạo lực khi hắn tự tin không ai xử được mình - Ảnh 1.

TS Khuất Thu Hồng

PV: Xin chào TS Khuất Thu Hồng. Theo nghiên cứu của Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 70% trẻ em từ 4 - 17 tuổi đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong gia đình trong thời gian giãn cách vì Covid-19. Bà có nghĩ rằng Covid-19 khiến tình trạng bạo hành trẻ em trầm trọng hơn?

TS Khuất Thu Hồng: Những gì xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy bạo hành với trẻ em trong giai đoạn Covid-19 trở nên trầm trọng hơn, điển hình như các vụ đau lòng như vụ con học online không vừa lòng bố, bị bố đánh chết; vụ bé V.A 8 tuổi bị dì ghẻ đánh chết và gần đây nhất là em bé 3 tuổi bị găm đinh.

Việc trẻ em không được đến trường, phải ở nhà thời gian dài, phải tiếp xúc với những người lớn bức xúc vì chuyện công ăn việc làm không như ý, chuyện giảm thu nhập, bức bối do giãn cách xã hội… có thể khiến mối quan hệ căng thẳng hơn, người lớn khó kiểm soát hành vi của mình hơn.

Trẻ em là đối tượng yếu thế nhất, không thể chống lại nên vô hình chung trở thành "vật hy sinh", thành nơi để người lớn trút hết tất cả những bức xúc, những tức giận, những khó chịu của mình.

Tác động của Covid-19 quả là rất nghiêm trọng về mọi mặt, nhưng tác động về mặt tâm lý, như là một chất xúc tác khiến cho bạo lực gia tăng cũng là một khía cạnh cần lưu tâm.

PV: Nhưng tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng bởi Covid-19, có phải nhà ai cũng đánh trẻ con, cũng hành hạ trẻ con như thế đâu, thưa TS? Có cách nào nhận diện những kẻ bạo hành không?

TS Khuất Thu Hồng: Dịch Covid-19 chỉ làm bộc lộ thêm những điểm yếu của xã hội của chúng ta thôi. Bạo hành trẻ em là một vấn đề nhức nhối, liên đới từ luật pháp cho đến trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cá nhân trong những vụ việc như thế này.

Những kẻ bạo hành, nhất là bạo hành trong thời gian dài là những kẻ khao khát chứng tỏ quyền lực của mình với những người yếu đuối hơn. Họ luôn tìm những mục tiêu yếu đuối hơn, không có khả năng phản kháng (như người vợ, con cái, trẻ em, người già, người tàn tật…) để thực hiện hành vi bạo hành.

Nghiên cứu gần đây nhất của chúng tôi trên đối tượng nam giới Việt Nam chỉ ra rất rõ ràng mối liên hệ giữa tuổi thơ và hành vi bạo lực, rằng những người đàn ông trưởng thành bạo hành người khác thì lúc còn nhỏ họ đã sống trong môi trường bạo hành (là nạn nhân hoặc chứng kiến việc đánh đập, bị bắt nạt, xúc phạm, coi thường...).

PV: Tôi cho rằng, khó mà nói những người xung quanh, trong đó có cả những người thân của trẻ em bị bạo hành vô can.

TS Khuất Thu Hồng: Hai vụ việc nổi cộm trong 1 tháng gần đây đã cho thấy, rõ ràng người trong gia đình còn thiếu kỹ năng để phát hiện và xử lý những vụ việc như thế cũng như thiếu trách nhiệm trong việc ngăn chặn bạo hành xảy ra trong tương lai.

Việc các cháu bé bị bạo hành diễn ra trong thời gian dài chứ không phải một lần duy nhất, nhưng những người liên quan như bố (trường hợp bé V.A) hay mẹ và họ hàng bên nội (trường hợp bé N.A) chẳng làm gì để ngăn chặn, dù người ta biết là cháu bé bị hành hạ, đi cấp cứu nhiều lần. Người nhà có thể là thương xót, chăm sóc, nhưng để ngăn chặn thì họ không làm gì cả.

Cán bộ, nhân viên y tế ở bệnh viện nhiều lần cấp cứu cho cháu nhưng không nhận thấy bất thường sao? Chỉ có bị hành hạ mới như thế, chứ sao một đứa trẻ lên 3 tuổi lại biết tìm thuốc trừ sâu để uống? Chắc chắn là không! Nhưng không ai làm gì để ngăn chặn.

Tôi cứ dằn vặt mãi, nếu như mọi người hành động sớm hơn, quyết liệt hơn, có lẽ cháu bé đã không phải chịu kết cục bi thương như thế này.

Chuyên gia giải mã: Kẻ bạo hành trẻ em tăng bạo lực khi hắn tự tin không ai xử được mình - Ảnh 2.

Những kẻ bạo hành sẽ "tự tin" hơn nếu không được ngăn chặn.

PV: Ý TS là, nếu không được ai ngăn chặn, cảnh cáo và trừng phạt, kẻ bạo hành lại càng tự tin rằng mình có quyền làm việc đó?

TS Khuất Thu Hồng: Đúng vậy! Vì không ai quyết liệt ngăn chặn, tâm lý “tự tin” đó của kẻ bạo hành đã được tiến triển. Đó là điều đáng nói, nhức nhối nhất trong phần lớn các vụ bạo hành. Mẹ bé V.A đã 4 lần phát hiện con bị nhét keo vào mũi, uống thuốc sâu, nuốt đinh, bẻ gãy tay… nhưng chỉ đưa lên cấp cứu rồi lại đưa về; gia đình bên nội cũng biết nhưng chăm cho bé khỏe rồi lại trả về. Tương tự, bố bé V.A cũng nhiều lần thấy dì ghẻ đánh mắng con nhưng còn cho phép.

Sự lặp lại nhiều lần như thế sẽ cũng cố tâm lý cho kẻ bạo hành, khiến họ sự tự tin rằng mình có quyền sử dụng bạo lực và chẳng ai dám/có thể làm gì được mình cả.

Tâm lý đó cũng được củng cố bằng niềm tin rằng họ sẽ không bị pháp luật xử lý. Điều đó thể hiện vấn đề là việc thực thi pháp luật của chúng ta còn chưa đủ nghiêm minh, nên những kẻ bạo hành không sợ, sẵn sàng tiếp tục phạm tội. Họ nghĩ rằng hành vi sai trái của mình sẽ không bị trừng trị, xử lý thích đáng. Đó là lý do các vụ việc khác nhau cứ tiếp diễn như thế.

Hòa giải chỉ khiến bạo hành âm thầm hơn

PV: Riêng trong vụ bé N.A, nhà nội bé nói có nghi ngờ và đã dặn mẹ bé trông con cẩn thận. Trên hết, họ không truy cứu vì muốn mẹ bé về đoàn tụ gia đình?

TS Khuất Thu Hồng: Bạn thấy đấy, trong nhiều vụ bạo hành, mọi người nhận thức đây là vấn đề riêng tư của gia đình nên đã không có những hành động quyết liệt. Họ chỉ quan tâm đến việc gìn giữ một gia đình để nó không đổ vỡ, nhưng cái giá phải trả là sức khỏe, thậm chí là tính mạng của một đứa trẻ. Tôi thấy không thể biện minh được! Quan điểm đó cần phải thay đổi.

PV: Ngay cả cơ quan chức năng, nhân viên xã hội cũng muốn giải quyết vấn đề bạo hành bằng phương pháp ôn hòa mà, thưa TS?

TS Khuất Thu Hồng: Chính tâm lý không muốn những câu chuyện không hay lan truyền ra bên ngoài, xấu chàng hổ ai, mất danh dự gia đình, thậm chí cả những cơ quan chức năng, đoàn thể cũng muốn có thành tích không có những vụ việc bạo hành xảy ra nên mới cho rằng hòa giải sẽ làm chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không.

Bạo lực là phải giải quyết bằng pháp luật, không thể hòa giải được. Hòa giải chẳng đi đến đâu cả, nó chỉ khiến nạn nhân tiếp tục bị bạo hành, khiến cho những vụ bạo hành đi vào bí mật mà thôi.

Về lâu dài, nó sẽ như sự đồng lõa, khuyến khích cho hành vi bạo hành tiếp tục, kiểu như nạn nhân có đi mách thì cũng không ai thực sự cứu, thủ phạm càng hả hê hơn vì “chẳng ai làm gì được tao”.

Chuyên gia giải mã: Kẻ bạo hành trẻ em tăng bạo lực khi hắn tự tin không ai xử được mình - Ảnh 3.

Tấm phim X-quang của bé N.A, nạn nhân bị người tình của mẹ tra tấn.

PV: Có một điều tôi quan sát thấy, đó là dường như những bạn nhân bị bạo hành thường rất ngoan hiền, phản kháng yếu ớt hoặc không dám phản kháng?

TS Khuất Thu Hồng: Thật buồn khi rất nhiều phụ nữ nghĩ rằng bị chồng đánh là chuyện đương nhiên, nhiều trẻ con cũng nghĩ rằng người lớn có quyền đánh mình.

Các nghiên cứu về trải nghiệm tuổi ấu thơ chỉ ra rằng các nạn nhân của bạo lực, nhất là bạo lực kéo dài có tuổi thơ “tập nhiễm” với bạo lực, được lớn lên trong gia đình thường xuyên chứng kiến bạo lực. Họ nghĩ bạo lực là một phần của cuộc sống, là cái gì đó không thể tránh khỏi nên họ không thể phản kháng.

Cũng có khi nạn nhân, sau nhiều lần cầu cứu bất thành, với sự “đồng lõa” vô tình của những người xung quanh, mất niềm tin rằng mình sẽ được cứu, sẽ thoát ra khỏi tình trạng bạo lực.

PV: Vậy làm thế nào để có thể hạn chế bạo hành trẻ em, thưa bà, khi mà luôn có những kẻ bạo hành giấu mặt và những nạn nhân tiềm ẩn trong xã hội?

TS Khuất Thu Hồng: Để hạn chế và chấm dứt bạo hành gia đình nói chung, bạo hành trẻ em nói riêng cần những giải pháp tổng thể. Người lớn phải thay đổi và trẻ con phải được dạy về quyền của mình.

Trẻ em cần được giáo dục để biết quyền của mình, phải được dạy là chúng không thể bị đánh đập, hành hạ, xúc phạm, tra tấn và khi điều đó xảy ra nghĩa là sai trái, chúng có quyền kêu cứu, có quyền tìm trợ giúp, phải biết là sự trợ giúp đó ở đâu.

Nhưng quan trọng nhất là sự thay đổi từ người lớn, khi phát hiện bạo hành thì đều phải có trách nhiệm lên tiếng và can thiệp. Đó là trách nhiệm pháp lý chứ không đơn thuần là trách nhiệm đạo đức. Trách nhiệm pháp lý này cần được làm rõ trong luật.

Các nhà làm luật cũng cần rà soát các luật liên quan đến bảo vệ trẻ em như luật trẻ em, luật hình sự, luật hôn nhân gia đình… xem thiếu, trống, mơ hồ ở đâu thì cải thiện, bổ sung.

Về thực thi pháp luật thì các cơ quan chức năng cần mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để có tính răn đe, cảnh cáo và ngăn chặn để những vụ việc tiếp theo không xảy ra. Mặt khác, thủ phạm phải được giáo dục về quyền trẻ em và kỹ năng kiểm soát nóng giận, phải hiểu là nếu có hành vi hành hạ trẻ em dù nhỏ nhất thì họ cũng sẽ bị pháp luật trừng trị.

Đó phải là sự thay đổi đồng bộ và nghiêm túc, chứ không phải mỗi khi có trẻ em chết vì bạo hành, tất cả xôn xao rồi đâu lại vào đấy. Dư luận xã hội bức xúc mà không có gì để bám víu thì rất khó giải quyết triệt để.

Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Khuất Thu Hồng.

https://soha.vn/chuyen-gia-giai-ma-ke-bao-hanh-tre-em-tang-bao-luc-khi-han-tu-tin-khong-ai-xu-duoc-minh-20220122044504048.htm

Theo Thiên Yết

Pháp Luật và Bạn đọc

Xem thêm: nhc.69133948022102202-hnim-coud-ux-ia-gnohk-nit-ut-nah-ihk-cul-oab-gnat-me-ert-hnah-oab-ek-am-iaig-aig-neyuhc/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chuyên gia giải mã: Kẻ bạo hành trẻ em tăng bạo lực khi hắn tự tin không ai xử được mình”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools