Trung tâm dệt may Quảng Đông chao đảo
Mặc dù nằm cách khu tự trị Tân Cương đến 3.300 km, các chủ nhà máy và doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc tại tỉnh Quảng Đông lại đang chịu áp lực lớn từ Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng ép mà Tổng thống Biden ký ban hành hồi tháng 12 năm ngoái nhằm bảo vệ tộc người Duy Ngô Nhĩ.
Chia sẻ với SCMP, các nhà xuất khẩu hàng dệt may tại Quảng Đông cho biết họ đã nhận được hoặc dự đoán sẽ sớm nhận được yêu cầu từ các khách hàng nước ngoài về việc cung cấp thông tin toàn bộ chuỗi cung ứng, từ nguồn gốc của các kiện vải bông đến thành phẩm.
Phía đối tác còn yêu cầu doanh nghiệp tại Quảng Đông phải cung cấp bằng chứng rằng chuỗi cung ứng của họ không dính dáng đến sức lao động cưỡng ép tại Tân Cương.
Chính quyền Washington sẽ bắt buộc các nhà nhập khẩu hàng dệt may trong nước phải tiết lộ thông tin trên sau khi lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa Tân Cương có hiệu lực từ tháng 6 tới.
"Nếu chúng tôi đề nghị các nhà cung ứng chia sẻ nguồn gốc nguyên vật liệu, điều này có thể được hiểu là chúng tôi đang tuân thủ quy định của Mỹ.
Nếu bị báo cáo lên chính quyền, chúng tôi sẽ chịu áp lực dư luận rất lớn ở Trung Quốc. Do đó, không ai muốn làm như vậy", quản lý của một công ty thương mại điện tử quốc tế ở Quảng Đông cho hay.
"Song, nếu chúng tôi không có chứng nhận nguồn gốc, các khách hàng ở Mỹ cũng sẽ gây khó dễ cho doanh nghiệp chúng tôi", vị quản lý bày tỏ.
Theo SCMP, các công ty đa quốc gia lớn không phải là nạn nhân duy nhất bị cuốn vào căng thẳng chính trị do đạo luật mới của Mỹ gây ra.
Ngày càng nhiều các công ty xuất khẩu nhỏ của Trung Quốc - những doanh nghiệp không có nhiều nguồn lực để đối phó với các rủi ro địa chính trị, cũng rơi vào thế khó, buộc họ phải đứng về phe nào.
Giới chuyên gia cho rằng đạo luật mới của Mỹ sẽ bóp nghẹt hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành công nghiệp khác nhau tại đất nước tỷ dân, từ đó buộc các công ty nước ngoài phải chuyển chuỗi cung ứng khỏi Tân Cương hoặc thậm chí là khỏi Trung Quốc.
Nghề trồng bông ở Tân Cương
Nghề trồng bông ở khu tự trị Tân Cương là tâm điểm của nhiều cáo buộc cưỡng ép lao động, dù Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ các lập luận này. Ngoài ra, trồng bông còn là trụ cột của ngành nông nghiệp Tân Cương.
Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng bông năm 2020 của Tân Cương đạt khoảng 5,13 triệu tấn, chiếm đến 89% tổng sản lượng của cả nước.
Tuy nhiên, Tân Cương không xuất khẩu nhiều bông hoặc sợi thô. Thay vào đó, hầu hết nguồn hàng được tiêu thụ trong khu vực hoặc bán cho các tỉnh khác để sản xuất thành vải, hàng may mặc hoặc các sản phẩm dệt may khác phục vụ cho thị trường trong lẫn ngoài nước.
Do đó, khu tự trị này là nguồn cung ứng nguyên liệu thô quan trọng cho toàn ngành dệt may của Trung Quốc. Tính phức tạp của chuỗi cung ứng cũng khiến việc truy xuất nguồn gốc chính xác của hàng hóa trở nên khó khăn hơn.
"Các nhà xuất khẩu hàng may mặc phải chứng minh cho các công ty nhập khẩu tại Mỹ biết vải đến từ đâu, các nhà sản xuất vải lại cần thông tin nguồn gốc từ các nhà chế biến vải thô, và các nhà chế biến vải thô lại cần bằng chứng nguồn gốc vải bông", giám đốc một công ty chế biến vải bông tại Tân Cương cho hay.
Cứ mỗi bước truy xuất nguồn gốc như vậy lại khiến nhiều doanh nghiệp liên đới hơn, họ buộc phải cân nhắc giữa vấn đề chính trị và nhu cầu kinh doanh. Mỗi quyết định có thể ảnh hưởng đến sinh kế của hàng trăm người.
Là nhà cung ứng quan trọng nhất, ngành sản xuất vải bông ở Tân Cương đã phải chịu áp lực lớn kể từ năm 2020, khi chính phủ các nước phương Tây tăng cường cáo buộc Bắc Kinh sử dụng sức lao động cưỡng ép ở khu tự trị này.
Theo một cuộc khảo sát do Hiệp hội Bông Trung Quốc thực hiện vào tháng 7 năm ngoái, một số nhà máy đã chuyển sang sử dụng bông nhập khẩu để hạn chế phụ thuộc vào nguồn cung vải bông của Tân Cương.
Tuy nhiên, khoảng 86,7% nguồn bông tiêu thụ ở Trung Quốc vẫn có nguồn gốc từ Tân Cương, trong khi bông nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 9,8%.
Đối với các sản phẩm như đồ thể thao, doanh nghiệp dệt may có thể dễ dàng loại bỏ việc sử dụng vải bông Tân Cương vì thành phần chính trong các sản phẩm này là polyester, không phải vải bông.
"Tuy nhiên, với các mặt hàng như quần jeans, vải bông vẫn là nguyên liệu thô chủ chốt. Cho nên, chúng tôi rất khó cắt bỏ hoàn toàn nguồn bông từ Tân Cương", quản lý tại công ty thương mại điện tử ở Quảng Đông nhấn mạnh.
Theo SCMP, nhiều công ty xuất khẩu hàng dệt may ở Quảng Đông vẫn đang hy vọng rằng các khách hàng nước ngoài sẽ tiếp tục vận động chính phủ Mỹ thay đổi quyết định, trong khi số khác đang tích cực tìm kiếm các điểm đến xuất khẩu thay thế.
Một chuyên gia phân tích am hiểu về chuỗi cung ứng hàng dệt may Trung Quốc cho biết: "Tất cả nhà xuất khẩu hàng dệt may đều đang phải đối mặt với khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc đã giảm khoảng 15 tỷ USD vào năm ngoái, số liệu năm nay có thể còn tồi tệ hơn".
Chưa kể, chính phủ các nước khác có thể nối gót Washington, từ đó ban hành các quy định gây khó dễ cho ngành dệt may Trung Quốc. Bất luận ra sao, các chuyên gia cảnh báo kết cục tồi tệ nhất chính là việc doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt dịch chuyển khỏi Tân Cương, hoặc rời khỏi Trung Quốc.
Song, cũng có một số chuyên gia cho rằng mọi thứ "nói thì dễ hơn làm". SCMP dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu đang làm việc tại Bắc Kinh bày tỏ: "Các công ty nước ngoài có thể dời đến đâu. Không phải nước nào cũng có đủ cơ sở hạ tầng hỗ trợ như Trung Quốc".c