Khi còn làm việc tại Google, Justine Tiu - chuyên viên thiết kế phụ trách khâu tương tác người dùng cho những dự án giáo dục - bắt đầu mò mẫm học đan móc. Cô đọc qua nhiều bài blog, xem video hướng dẫn trên YouTube với mong muốn tự tay làm món quà dành tặng người bạn. Tuy nhiên, sau quá trình tìm kiếm, Tiu sớm thấy chán nản. Cô nhận ra chưa có những loại sản phẩm cùng nội dung hướng dẫn làm thủ công thật sự phù hợp với người hoàn toàn không có kinh nghiệm.
Đồ chơi thủ công với tạo hình đáng yêu của The Woobles. Mỗi bộ sản phẩm đi kèm đầy đủ dụng cụ, vật liệu và video hướng dẫn chi tiết - Ảnh: The Woobles |
Trở ngại ấy lại khơi nguồn cho cảm hứng. Ít lâu sau đó, Tiu quyết định thành lập The Woobles, công ty khởi nghiệp sản xuất đồ chơi thủ công từ kỹ thuật đan móc. Mỗi bộ đồ chơi xinh xắn theo phong cách DIY (do-it-yourself, tức sản phẩm tự làm) đi kèm video lẫn bảng hướng dẫn trực tuyến sinh động, dễ hiểu, lôi cuốn nhiều khách hàng yêu thích nhưng còn e ngại việc tự học làm thủ công.
Niềm vui từ trải nghiệm mới
Tiu tiết lộ, The Woobles hướng tới mục đích hỗ trợ những người từng rơi vào tình huống tương tự như cô. “Cả khi bạn đang thấy vô cùng lạ lẫm với đan móc - môn lâu nay vẫn được xem là cần trực tiếp cầm tay chỉ việc, chúng tôi tin các bộ sản phẩm đơn giản, tươi vui của The Woobles có thể giúp bạn tự tin hơn để học một kỹ năng mới” - nữ CEO gốc Á cho biết.
Hoạt động thiết kế sản phẩm giáo dục Tiu từng đảm trách ở Google giúp cô hình thành góc nhìn bao quát về cách mọi người tiếp nhận, rèn luyện những kỹ năng mới. “Khi còn phụ trách xây dựng nội dung sản phẩm, tôi có dịp trò chuyện cùng rất nhiều giáo viên, học sinh. Nhờ vậy, tôi được chứng kiến tận mắt cách học tập một thứ mới mẻ có thể giúp thay đổi cuộc sống chúng ta như thế nào. Khi có tuổi, chúng ta có xu hướng muốn dần tách mình khỏi những trải nghiệm mới. Nhưng lối tư duy ấy dễ khiến bạn vô tình quên đi cảm giác hào hứng, vui vẻ từ việc được học hỏi một điều bổ ích” - Tiu bày tỏ.
Bộ sản phẩm làm nến thơm tại nhà của thương hiệu Việt Heny Garden sử dụng nguyên liệu chất lượng cao, thân thiện với môi trường - Ảnh: Heny Garden |
Niềm vui tuy giản đơn nhưng đầy phấn khởi qua trải nghiệm làm thủ công như lời Tiu gợi ý là điểm cuốn hút nổi bật của dòng sản phẩm DIY. Đặc biệt vào giai đoạn dịch bệnh, khi phải dành nhiều thời gian hơn ở nhà, không ít người tìm đến nghệ thuật thủ công vừa để chống lại sự buồn chán, vừa tạo nên những thành quả tích cực.
Sáng tạo thủ công thời công nghệ
Báo cáo tổng kết của công ty cung ứng dữ liệu thương mại đa quốc gia Report Linker ghi nhận: tổng giá trị toàn cầu của thị trường phụ kiện thủ công và mỹ thuật ước tính có thể tăng đến 59,4 tỷ USD trước năm 2026. Trên các mạng xã hội nổi tiếng hiện nay như TikTok, Instagram và Pinterest, từ khóa xoay quanh chủ đề làm thủ công như “đan móc”, “thêu tay” thu hút từ vài trăm triệu đến hàng tỷ lượt tìm kiếm.
Những không gian công nghệ số hóa đang đóng vai trò “cầu nối” truyền cảm hứng trải nghiệm nghệ thuật thủ công cho không ít người tiêu dùng, nhất là thế hệ thanh thiếu niên. Ở thị trường châu Á gần đây, làn sóng làm thủ công tại nhà gắn liền với thương mại điện tử. “Khách hàng đang rất ưa chuộng các loại phụ liệu, nguyên vật liệu thủ công. Năm qua, chúng tôi tiếp nhận nhiều đơn đặt hàng trực tuyến vải cotton, chỉ len, phụ kiện đan móc, đan len và thêu” - chủ một cửa hàng phụ kiện thủ công tại thành phố Petaling Jaya, Malaysia, chia sẻ.
Song song đó, khoảng hai năm trở lại đây, trào lưu DIY-luxury (“tái sinh” phụ kiện cao cấp cũ, tuổi thọ ngắn thành thiết kế mới có tính ứng dụng cao) đang tạo sức hút không kém tại Trung Quốc. Tiêu biểu là dạng video hướng dẫn “làm túi đeo vai cao cấp phiên bản giới hạn”. Túi mua sắm của những nhãn hàng lớn như Gucci, Chanel được thay đổi diện mạo thành kiểu túi vải tiện ích và bền vững hơn với môi trường.
Một nữ giáo viên về hưu người Malaysia tìm thấy niềm vui sáng tạo với nghệ thuật may chắp vá vải - Ảnh: The Star |
“Không ít người dùng nghệ thuật thủ công để “biến tấu” phụ kiện cao cấp như một cách tạo nên những giá trị tự do, cá nhân hóa” - Tingzi, một nữ nghệ nhân Trung Quốc nổi danh trong trào lưu DIY-luxury, nhận định.
Lợi ích kết nối
Ngoài yếu tố khuyến khích sự tự do sáng tạo, nền tảng mạng điện tử có thể đóng vai trò kết nối thú vị ở thị trường sản phẩm thủ công trong tương lai là quan điểm của Justine Tiu.
Tiu lý giải: “Dù là kỹ thuật thủ công đơn giản nhưng để nhanh chóng thành thạo, bộ môn đan móc đòi hỏi người học phải có dịp quan sát trực tiếp. Đối với môi trường số hóa, hẳn nhiên điều này là bất khả. Để giải bài toàn đó, chúng tôi đã nỗ lực nghiên cứu và thử nghiệm liên tục. Mỗi chi tiết từ lớn đến nhỏ trên từng bộ sản phẩm đều được chú trọng. Cần chọn loại len nào tốt nhất cho người mới bắt đầu học, cần biên soạn nội dung hướng dẫn ra sao cho súc tích và dễ hiểu nhất… đều được tính toán cẩn thận.
Khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng nhiều hoạt động, trải nghiệm qua thế giới mạng, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thủ công giờ đây càng cần hướng đến tiêu chí đơn giản hóa, dễ tiếp cận hơn”.
Bộ hoa giấy thủ công của thương hiệu Uncommon Goods (Mỹ) với hướng dẫn thiết kế đơn giản, tiện lợi, giúp bạn tự tay trang hoàng cho tổ ấm - Ảnh: Uncommon Goods |
Đối với một số doanh nghiệp trong thị trường sản phẩm thủ công, cảm nhận gắn kết thậm chí đã trở thành kim chỉ nam giúp họ duy trì hoạt động. Angel Vu, giám đốc sáng lập công ty sản xuất nến thủ công Blow Me Candle Co. (trụ sở tại California, Mỹ), chia sẻ: “Bạn khó có thể tìm thấy dấu ấn gần gũi, ấm cúng ở những loại nến sản xuất hàng loạt. Luôn có thứ gì đó thật sự đặc biệt về một sản phẩm “nhà làm”, khiến chúng ta muốn gắn bó và trân trọng hơn. Thêm vào đó, không ít loại hàng hóa bán lẻ đang gây sức ép ô nhiễm đến môi trường. Chọn tìm hay tự tay làm sản phẩm thủ công sẽ mang đến nhiều lợi ích không chỉ cho riêng bạn”.
Mặt khác, bên ngoài môi trường trực tuyến, tính kết nối ở hoạt động làm thủ công truyền thống vẫn hiện hữu thường trực. Yee Wan Chang, chủ một doanh nghiệp bán lẻ phụ kiện thủ công lâu đời tại Malaysia, cho biết: “Doanh thu mặt hàng phụ kiện thủ công bày bán qua trang web của chúng tôi và các kênh bán lẻ điện tử tăng nhanh trong mùa dịch. Nhưng ngay khi chúng tôi mở cửa hiệu trở lại, lượng khách đến trực tiếp tham quan mua sắm cũng tăng không ít. Khá đông trong số này là nhóm khách hàng gia đình. Thật vui khi được trông thấy những bà mẹ đi mua sắm phụ kiện thủ công với con cái, sôi nổi thảo luận về sản phẩm họ muốn cùng nhau tạo ra”.
“Cho dù vì mục tiêu cá nhân khi bạn muốn học hỏi một kỹ năng mới hay hướng tới cộng đồng nhằm san sẻ sở thích cùng gia đình và bạn bè, chúng ta có thể cảm thấy bản thân như được hoàn thiện hơn thông qua trải nghiệm làm thủ công” - Justine Tiu bày tỏ.
Như Ý
Xem thêm: lmth.7675541a-gnoc-uht-tauht-ehgn-iov-iuv-mein-aot-nal/nv.moc.enilnounuhp.www