Tại đây, giám đốc các hợp tác xã, đại diện doanh nghiệp nuôi biển ở Quảng Ninh và một số tỉnh thành trên cả nước đã đặt câu hỏi kiến nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy.
Ông Trần Văn Bảo (giám đốc Hợp tác xã thủy sản Thắng Lợi đang nuôi trồng tại vùng biển Vân Đồn) chia sẻ sau một quá trình dài, ông đã được cấp phép nuôi biển, giao mặt nước ổn định, lâu dài để yên tâm đầu tư sản xuất.
Tuy nhiên, ông Bảo mong muốn tỉnh Quảng Ninh sớm đầu tư xây dựng cảng cá ở Hòn Gai và Cẩm Phả đủ tiêu chuẩn để bà con sản xuất ra có nơi mua bán, tiêu thụ.
"Hạ tầng nuôi biển cần có nguồn điện để phục vụ nuôi biển. Khi bà con được giao mặt nước ổn định, lâu dài, nghĩa là người dân có 'đất' để canh tác nên bà con sẵn sàng góp tiền để xây dựng đường điện, từ đó có nguồn năng lượng để sản xuất" - ông Bảo nói.
Chị Ngô Thị Vui, giám đốc Hợp tác xã nuôi trai Đảo Ngọc, mong muốn tỉnh có quy hoạch riêng vùng nước cho con trai lấy ngọc bởi đây là giống nuôi kén nước, cần có môi trường biển an toàn, trong sạch.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, tổng giám đốc STP Group, mong Quảng Ninh có kế hoạch đối với sản phẩm rong sụn để nuôi biển theo hướng đa giá trị.
"Chúng tôi muốn có sự phối hợp giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã. 7 năm qua, STP đi tìm kiếm sự phối hợp, liên kết với các hợp tác xã nhưng chưa tìm được tiếng nói chung, đó là một hành trình dài, vất vả" - bà Bình nói.
Trả lời nhanh một số kiến nghị của người nuôi biển, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định tỉnh luôn có những chỉ đạo sát sao và xác định nuôi biển là một trụ cột tăng trưởng kinh tế của địa phương.
"Quảng Ninh có lợi thế rất lớn về biển với hơn 6.000km2, người dân làm nghề nuôi biển rất nhiều nhưng giá trị chưa cao. Như bộ trưởng nói, chúng ta không phát triển nghề nuôi biển thì có lỗi với chính chúng ta và thế hệ mai sau" - ông Huy nói.
Đối với kiến nghị của người dân về việc xây dựng cảng cá ở Cẩm Phả và Hòn Gai, ông Huy cho biết trong quy hoạch của tỉnh đã có, tới đây tỉnh sẽ đầu tư xây dựng cảng rất lớn ở Hòn Gai, còn ở Cẩm Phả tỉnh sẽ chỉ đạo để sớm triển khai.
Đối với hệ thống điện, ông Huy cho hay tỉnh sẽ kiến nghị với EVN, tuy nhiên người nuôi, doanh nghiệp cũng cần tận dụng khai thác các tài nguyên như điện năng lượng mặt trời...
Về vấn đề môi trường nước cho nuôi biển, ông Huy nhấn mạnh tỉnh đã nắm bắt và đi trước nên tất cả các vấn đề về nuôi biển đã được giải quyết trong quy hoạch tỉnh.
"Vừa qua, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch vùng nuôi ở tất cả các địa phương, trong quy hoạch vùng nuôi thì tỉnh quy hoạch từng đối tượng nuôi. Tới đây người nuôi sẽ phải thực hiện theo quy hoạch, như ngọc trai thì phải chọn vùng nước đảm bảo sạch" - ông Huy nói.
Đối với nuôi trồng kết hợp với du lịch, ông Huy khẳng định tỉnh sẽ hướng tới các mô hình nuôi biển kết hợp du lịch, sinh thái, kết hợp với các ngành kinh tế để đảm bảo việc phát triển đồng bộ.
Đưa nuôi biển trở thành ngành hàng đa giá trị
Chia sẻ với người nuôi biển, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh câu chuyện nuôi biển không chỉ cho mình hôm nay mà còn cho thế hệ mai sau.
Nuôi biển không độc lập mà nằm trong một chủ trương xuyên suốt trong ba trụ cột của kinh tế biển là khai thác, nuôi trồng và bảo tồn.
"Nuôi biển giảm áp lực khai thác để chúng ta hướng tới nền khai thác bền vững. Nuôi biển cũng giúp chúng ta chứng minh giá trị đại dương không chỉ con tôm con cá mà còn đa loài, đa giá trị" - ông Hoan nói và cho biết bộ cùng các địa phương đang nỗ lực tạo ra một không gian sinh kế mới, đưa nuôi biển trở thành ngành hàng đa giá trị.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đánh giá Quảng Ninh đang gợi ý cho bộ trưởng một cảm hứng rất lớn. Mới 2 năm mà đã thành lập hơn 100 hợp tác xã nuôi biển, điều này cho thấy lãnh đạo Quảng Ninh rất quyết tâm dù còn vô vàn thách thức.
"Việc giải phóng gần 10 triệu cái phao xốp đã giải phóng cho vùng biển Quảng Ninh, đó là sự quyết tâm lớn của lãnh đạo địa phương. Điều này kéo theo cảm hứng cho các doanh nghiệp đến nuôi biển ở Quảng Ninh. Mặc dù khó khăn có thể còn vướng ở bộ này, bộ kia nhưng sẽ có những giải pháp tháo gỡ" - ông Hoan nhấn mạnh.
Theo cục trưởng Cục Thủy sản, không gian phát triển nuôi nuôi trồng thủy sản trên biển không nên bị bó hẹp bởi những quy hoạch mà cần vượt ra ranh giới, tích hợp cùng với các ngành kinh tế khác như du lịch.