Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử (TMĐT). Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất chính sách để chặn tình trạng né thuế khi mua hàng nhập khẩu qua TMĐT.
Nhập khẩu hàng hóa qua TMĐT tăng mạnh
Trong báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam (EBI), Hiệp hội TMĐT đánh giá tốc độ tăng trưởng trung bình năm của Việt Nam là 25%-30% trong 5 năm gần đây. Nếu vẫn duy trì mức tăng trưởng này, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam tới năm 2025 sẽ đứng thứ ba Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan.
Theo Bộ Tài chính, TMĐT phát triển mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Việc mua hàng ở nước ngoài qua TMĐT ngày càng trở nên thuận lợi hơn về cả phương thức giao dịch lẫn thanh toán, nhận hàng. Thực trạng này cũng đặt ra các vấn đề về quản lý sao cho phù hợp với hoạt động giao dịch TMĐT qua biên giới.
Theo Tổng cục Hải quan, tuy chưa có số liệu đầy đủ nhưng lượng giao dịch TMĐT gia tăng nhanh chóng, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh và các dịp lễ hoặc dịp giảm giá. Trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng hàng hóa giao dịch qua TMĐT làm thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh - Cục Hải quan Hà Nội đạt kim ngạch hơn 1 tỉ USD (riêng trong tháng 6 là 416 triệu USD, tăng gấp 5 lần so với tháng 1).
Cơ quan hải quan dẫn số liệu nhập khẩu của một công ty tại Hà Nội chuyên làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa của sàn TMĐT Shopee, Lazada của Trung Quốc cho thấy năm 2020, kim ngạch là hơn 551 triệu USD. Năm 2021, kim ngạch quý I là gần 70 triệu USD, tăng hơn 50 lần so với cùng kỳ; quý II là hơn 49 triệu USD, tăng hơn 1,6 lần so với cùng kỳ. Do việc mua bán hàng hóa qua TMĐT có xu hướng phát triển nhanh nên số lượng các lô hàng nhỏ cũng tăng nhanh.
Bộ Tài chính đề xuất chỉ ưu đãi thuế nhập khẩu giao dịch điện tử không quá 4 đơn hàng/tháng
Chặn việc chia nhỏ lô hàng
TMĐT đang có những bước phát triển bùng nổ nhưng hiện chưa có quy định riêng về chính sách thuế cho hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua TMĐT. Quy định của pháp luật về thuế nhập khẩu có đề cập hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh (không phân biệt hàng hóa TMĐT hay hàng hóa khác) có trị giá hải quan từ 1 triệu đồng trở xuống hoặc tổng số thuế từ 100.000 đồng trở xuống thì được miễn thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, chưa có cụ thể số lần hoặc lô hàng được miễn thuế, vì vậy có tình trạng người khai hải quan lợi dụng chính sách này để chia nhỏ lô hàng nhằm trốn thuế.
Từ thực tiễn đó, Bộ Tài chính đề xuất hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua TMĐT được miễn thuế nhập khẩu gồm: hàng hóa nhập khẩu có giá trị hải quan theo từng đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống; hàng hóa nhập khẩu có giá trị hải quan theo từng đơn hàng trên 1 triệu đồng nhưng có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 100.000 đồng. Ngoài ra, mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu không quá 1 đơn hàng/ngày và không quá 4 đơn hàng/tháng.
Theo đại diện cơ quan soạn thảo, việc quy định giới hạn số lần hưởng định mức miễn thuế tương tự quy định đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới hiện được quy định tại Nghị định 134/2016. Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách miễn thuế để chia, tách hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế khi thực hiện mua bán hàng hóa qua giao dịch TMĐT.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS - chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc xây dựng các quy định như trên để bảo đảm công tác quản lý, ngăn chặn trốn thuế và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua TMĐT là phù hợp. Theo ông Thịnh, việc mua hàng xuyên biên giới qua các sàn TMĐT là xu thế tất yếu, ở Việt Nam ngày càng được ưa chuộng nhưng phải tuân thủ các quy định quản lý hải quan, quản lý thuế. Khống chế số đơn hàng được miễn thuế như đề xuất của Bộ Tài chính là một trong những biện pháp để ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi.
Cần chính sách quản lý phù hợp
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, hiện nay, ngoài khách hàng cá nhân mua hàng từ nước ngoài qua sàn TMĐT để sử dụng, không ít cá nhân, tổ chức thông qua hình thức này để nhập hàng về buôn bán. Vì vậy, việc quy định các trường hợp được miễn thuế, giới hạn số lượng đơn hàng được miễn thuế là cần thiết. "Xây dựng quy định để quản lý TMĐT qua biên giới là phù hợp nhưng cần lưu ý không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của loại hình này" - luật sư Bình nêu quan điểm.
Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định này, cơ quan hải quan xác định xuất nhập khẩu qua TMĐT dựa trên nền tảng công nghệ, tính chất hàng hóa, phương thức vận chuyển, thời gian giao hàng tương đối đặc thù, có xu hướng phát triển mạnh mẽ. Do đó, cần có chính sách quản lý phù hợp, tạo sự công bằng, thuận lợi nhưng cũng bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, phòng chống lợi dụng gian lận thương mại.
Xem thêm: mth.64560839121901202-ut-neid-iam-gnouht-auq-uahk-pahn-gnah-euht-en-ceiv-nahc/et-hnik/nv.moc.dln