Hà Nội - Toà sơ thẩm tuyên phạt ông Nguyễn Quốc Anh - cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai 5 năm tù; ông Nguyễn Ngọc Hiền - cựu Phó Giám đốc 3 năm 6 tháng tù...
Sáng 24.1, sau nghị án kéo dài, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quốc Anh 5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Cùng tội danh, toà tuyên phạt ông Nguyễn Ngọc Hiền - cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai 3 năm 6 tháng tù; Trịnh Thị Thuận - cựu Kế toán trưởng 3 năm tù treo và Lý Thị Ngọc Thủy - Phó trưởng Phòng Tài chính kế toán 2 năm tù treo;
Phạm Đức Tuấn - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS 3 năm tù treo, Ngô Thị Thu Huyền - Cựu phó Giám đốc Công ty BMS 2 năm 6 tháng tù treo, Trần Lê Hoàng - cựu thẩm định viên Công ty VFS 2 năm tù và Phan Minh Dung - Cựu Tổng giám đốc Công ty VFS 20 tháng tù.
Tuấn phải bồi thường cho 637 bệnh nhân, bị cáo đã bồi thường cho hơn 500 người.
HĐXX xác định, trong vụ án, bị cáo Quốc Anh giữ vai trò chính, các bị cáo Hiền, Thuỷ, Thuận thực hiện theo chỉ đạo. Các bị cáo ở công ty BMS, VFS giúp sức trong vụ án.
Quá trình thẩm vấn, nghị án, toà thấy, năm 2012, Bệnh viện Bạch Mai triển khai đề án sử dụng các trang thiết bị y tế từ nguồn xã hội hóa. Biết điều này, tháng 5.2016, Tuấn gặp ông Quốc Anh, đề nghị bán 2 robot Rosa và Mako, hỗ trợ phẫu thuật do công ty BMS nhập khẩu, giá 39 tỉ đồng và 44 tỉ đồng.
Ông Quốc Anh từ chối mua, song cho hay, Tuấn có thể làm đề án liên kết đặt máy tại bệnh viện. Thủ tục, thẩm quyền khi đó sẽ do Bệnh viện Bạch Mai tự quyết định, chỉ cần có Chứng thư thẩm định giá. Hai bên thoả thuận giá thiết bị và đơn vị thẩm định sẽ do Tuấn quyết định.
Giám đốc bệnh viện Bạch Mai sau đó không thảo luận bàn bạc công khai, tự ý chủ trì cuộc họp, thông qua đề án liên kết đặt robot phẫu thuật tại viện song không công bố giá máy và đơn vị cung cấp máy.
Cuối năm 2016, theo chỉ đạo của ông Quốc Anh, 3 thuộc cấp tại bệnh viện Bạch Mai liên hệ với Tuấn và thẩm định viên về giá robot đã được Tuấn sắp xếp trước để làm khống Chứng thư thẩm định.
Dù không có hồ sơ, tài liệu làm căn cứ xác định giá và 2 hệ thống robot chưa được nhập về, thẩm định viên VFS vẫn cấp chứng thư nêu giá của 2 robot là 39 tỉ đồng và 44 tỷ đồng, theo yêu cầu của Tuấn và gửi Bệnh viện Bạch Mai.
Cáo trạng xác định, robot Rosa trị giá 7,4 tỉ đồng được Tuấn nâng khống giá gấp 5, thành 39 tỉ đồng.
Cuối tháng 2.2017, ông Quốc Anh ký văn bản giá dịch vụ robot Rosa là 36 triệu đồng/ca, trong đó, Công ty BMS được hưởng tổng 27 triệu đồng các khoản chi phí không đúng quy định. Giá này đồng nghĩa, mỗi bệnh nhân phải trả thêm hơn 16 triệu đồng so với thực tế cho mỗi ca phẫu thuật sử dụng robot, cáo trạng xác định.
Đến tháng 5.2020, tổng cộng 637 người bệnh tại Bạch Mai trả tiền sử dụng robot Rosa. Hậu quả của vụ án là số tiền 637 người này đã trả, hơn 10 tỉ đồng. Toàn bộ thiệt hại đã được bị cáo Tuấn khắc phục.
HĐXX cho rằng, Viện Kiểm sát truy tố các bị cáo là đúng tội danh, đúng pháp luật. Các bị cáo đã cố tình làm trái, xâm phạm đến quyền lợi của người bệnh, gây dư luận xấu, làm mất niềm tin của nhân dân vào chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Toà cho rằng, nhóm bị cáo tại Bệnh viện Bạch Mai trong khi thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình đã làm trái quy định làm thiệt hại cho 637 bệnh nhân.
Tuy nhiên, HĐXX cũng xét đến hoàn cảnh phạm tội của các bị cáo. Thời điểm phạm tội, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện nhiều đề án xã hội hóa, giúp việc chữa bệnh cho nhân dân có chi phí thấp hơn, tạo điều kiện nâng cao tay nghề, chuyên môn cho các bác sỹ.
Khi thực hiện liên kết, việc áp dụng các thông tư, quy định không đúng, không chặt chẽ, dẫn đến việc vi phạm, tạo điều kiện cho các bên thông đồng, cấu kết làm sai.
Hành vi của nhóm cựu cán bộ bệnh viện này đã phạm vào tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Các bị cáo còn lại có vai trò giúp sức, đều phạm tội danh theo cáo trạng truy tố.
Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, với động cơ mục đích khác nhau, gây ảnh hưởng tới uy tín của bệnh viện Bạch Mai.