Ở Hàn Quốc, đổ rác là cả một nghệ thuật. Đây được ví như nét văn hóa độc nhất tại xứ sở kim chi, nơi người dân phải mua túi đựng rác riêng và tính phí thu gom dựa trên số rác mà họ vứt bỏ. ‘’Đổ rác’’ khi đó không chỉ đơn thuần là "đổ rác’’ và ngay cả trẻ em cũng phải học cách đổ, nhận biết, thu gom và phân loại sao cho đúng.
Một hệ thống xử lý rác thải riêng biệt được chính phủ Hàn Quốc lắp đặt có tên gọi Jongnyanje, với nhiệm vụ phân loại tất cả các loại rác thải một cách rõ ràng, qua đó giúp quy trình xử lý rác thải trở nên xanh hơn và thân thiện hơn với môi trường.
Túi đựng rác tại Hàn Quốc
Túi đựng rác tại Hàn Quốc
Túi đựng rác sẽ được phân chia theo từng khu vực, thành phố; trên túi ghi rõ là "túi đựng rác" chứ không phải túi nylon nào cũng có thể sử dụng. Bạn phải ra cửa hàng tiện lợi và trực tiếp hỏi nhân viên bán hàng mới có thể mua loại túi này.
Ngoài ra, siêu thị tại Hàn Quốc cũng không cho bạn túi nylon để đựng hàng hóa mang về. Bạn phải đem theo túi, hoặc mất tiền mua túi nylon. Những chiếc túi này sau đó có thể tái sử dụng thành túi đựng rác. Túi rác cũng có nhiều kích cỡ. Túi càng lớn, càng nhiều thì phí càng cao. Đây chính là phí thu gom rác mà mọi công dân Hàn Quốc phải chi trả.
Như vậy, không thể dùng túi bình thường để đựng rác thải. Bạn cũng không thể dùng túi rác của thành phố này bỏ vào thùng rác của thành phố khác. Nếu sai quy định, nhân viên môi trường sẽ không thu gom rác của bạn. Bạn cũng sẽ bị check camera và chịu phạt từ 500.000 đến 1 triệu won (tức 10 triệu đến 20 triệu đồng) - mức phạt rất cao mà chính phủ Hàn Quốc đặt ra để tăng cường ý thức người dân.
Các thùng phân loại rác thải tại Hàn Quốc
Thông thường, rác sẽ được chia theo từng hạng mục nhỏ, chẳng hạn như rác thông thường, rác thực phẩm hay rác tái chế … - mỗi loại sẽ có một khu vực riêng. Ngay cả khi đi ăn ngoài nhà hàng, quán cafe, bạn cũng phải tự làm điều đó
Thức ăn thừa phải được bỏ trong túi chuyên dụng, thậm chí nhiều thành phố còn có thùng rác riêng chuyên đựng thức ăn thừa. Những chiếc thùng này đều được lắp đặt đầu đọc thẻ và tự động mở nắp nếu bạn quẹt thẻ từ, sau đó cân rác và thông báo khối lượng cho bạn.
Một lưu ý là khi vứt các loại rác thực phẩm như vỏ hải sản, hạt, xương, lông động vật, bã chè, tương, cải muối, kim chi thừa…, bạn phải để ráo nước và cho chúng vào những chiếc túi đặc biệt có tên là Eum-shik-mool và Sseulaegi Bongtu để hạn chế mùi thực phẩm nhất có thể. Số thức ăn thừa này sau đó sẽ được tái chế thành phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi. Quy định này được chính phủ Hàn Quốc đưa ra nhằm khuyến khích người dân tiết kiệm, chỉ sử dụng lượng thực phẩm vừa đủ và tránh lãng phí.
Hàn Quốc thu thêm phí đối với các loại rác quá khổ
Ngoài ra, đối với rác thải là hộp giấy có kích cỡ quá lớn, chẳng hạn như hộp đựng tivi, máy giặt… bạn sẽ phải đến cửa hàng tiện lợi để mua một chiếc tem dán hộp, sau đó trả phí xử lý rác quá khổ. Những vật dụng lớn như máy nóng lạnh, nội thất, đồ điện tử, … cũng sẽ bị tính phí từ 2.000 đến 15.000 won tùy vào kích thước. Nếu còn mới hoặc vẫn có thể sử dụng tốt, chúng được khuyến khích quyên góp cho các tổ chức từ thiện địa phương để có thể đến tay những người nghèo có nhu cầu sử dụng.
Theo: Hanyangsummer
http://tintuc.vdong.vn/01/1197167.htmHuệ Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị