Người dân thủ phủ hoa cúc miền Trung chăm bẵm từng bông hoa cho đến khi thương lái đến chuyển đi - Ảnh: TRẦN MAI
Những ngày qua, hơn 700 hộ dân trồng hoa ở làng hoa xã Nghĩa Hiệp tập trung chăm sóc và vận chuyển hoa lên các xe tải để thương lái chuyển đi các tỉnh tiêu thụ. Dọc các tuyến đường vào làng hoa, xe tải tấp nập. Nhiều thương lái ở Quảng Nam, Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Gia Lai… đặt mua hoa từ trước đã cho xe tải vào làng hoa nhận hoa.
Năm nay, người trồng hoa cúc phấn khởi vì hoa được mùa, được giá. Anh Duy - một hộ trồng hoa cúc ở làng hoa Nghĩa Hiệp - cho biết năm trước, anh trồng 700 chậu cúc pha lê loại có đường kính 50-55cm. Năm nay, sợ trồng nhiều hoa không có đầu ra vì ảnh hưởng của dịch bệnh, anh đã giảm số lượng, nhờ vậy hoa dễ tiêu thụ. Toàn bộ số hoa cúc gia đình anh trồng đã được bán hết.
Thời điểm hiện tại, rất nhiều thương lái ở các tỉnh đưa xe tải đến chở hoa đi tiêu thụ - Ảnh: TRẦN MAI
Ở làng hoa cúc lớn nhất miền Trung này, thu nhập chính của người dân dịp cuối năm dựa hoàn toàn vào giá và số lượng hoa bán ra. Để hoa có giá cao, người dân với kinh nghiệm của mình chăm bón rất tỉ mẩn, giữ được lá xanh đến tận gốc kết hợp với bông nở rộ để tạo vẻ đẹp cân xứng cho chậu hoa. Năm nay, thời tiết thuận hơn mọi năm nên hoa đều đạt chuẩn và thương lái rất hài lòng.
Người dân cho biết năm nay giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng, bù lại hoa dễ tiêu thụ, giá bán cao hơn năm trước và số lượng ít nên người trồng hoa rất phấn khởi. Số lượng hoa ít, tư thương mua chủ yếu vận chuyển ra ngoài tỉnh. Thị trường trong tỉnh dự báo sẽ khan hiếm hoa cúc.
Tùy vào đường kính chậu hoa có giá bán 120.000-200.000 đồng, những chậu có đường kính "khủng" có giá bán cả triệu đồng, phục vụ chưng Tết ở các công sở, doanh nghiệp.
Sau khi trừ chi phí, người trồng hoa cúc ở Quảng Ngãi lãi 30-40% giá bán mỗi chậu.
Ngoài cúc pha lê còn có cúc mâm xôi và nhiều loại hoa khác được trồng tại thủ phủ hoa cúc miền Trung - Ảnh: TRẦN MAI
Bà Võ Thị Thịnh, chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp, cho biết số lượng hoa trồng tại xã chỉ khoảng 40-45% so với Tết năm trước. Người dân chủ động giảm số lượng bởi lo lắng dịch bệnh ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ. Đến nay, tất cả hoa đã được bán hết khiến người dân rất vui.
Theo chính quyền huyện Tư Nghĩa, trồng hoa cúc là nghề truyền thống của người dân Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ và nay đã tỏa ra các địa phương khác. Năm nay, người dân giảm số lượng nhưng bù lại đã bán hết hoa, giúp người dân đón Tết sớm hơn mọi năm. Điều này giúp người dân phấn khởi và tiếp tục gắn bó với nghề.
TTO - Diện tích giảm, sức mua tăng vào những ngày cận Tết khiến nhiều vùng hoa 'nóng' từng ngày. Nhưng cũng có nơi người bán 'nóng ruột' vì vắng người mua. Nhiều nơi đã có cách làm mới để hoa hấp dẫn hơn.
Xem thêm: mth.96414305142102202-gnurt-neim-cuc-aoh-uhp-uht-o-mos-tet/nv.ertiout