Hai bên trao quyết định về việc phê duyệt sử dụng hoạt chất Metsulfuron methyl thay thế Glyphosate - Ảnh: CHÍ TUỆ
Sáng 24-1, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tổ chức lễ công bố biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật mới đối với hoa cắt cành xuất khẩu sang Úc.
Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Thu Hương cho biết Úc là thị trường truyền thống với sản phẩm hoa xuất khẩu của Việt Nam suốt 23 năm qua và tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây. Hằng năm, Việt Nam xuất khẩu sang Úc gần 30 triệu cành hoa/lá trang trí, đạt doanh thu 5,2 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, từ ngày 31-6-2021, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có hiệu lực quy định các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate không được sử dụng, buôn bán, nhập khẩu. Vì vậy, xuất khẩu hoa sang Úc bị ngưng trệ do nước này không chấp nhận tiệt mầm cành hoa bằng hoạt chất khác ngoài Glyphosate.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và tránh gây đứt gãy trong chuỗi cung ứng hoa cắt cành xuất khẩu sang Úc, Cục Bảo vệ thực vật đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sản xuất hoa cắt cành để hoàn thành thí nghiệm tìm kiếm hoạt chất thay thế Glyphosate cho phép và đáp ứng quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
"Cục Bảo vệ thực vật nỗ lực đàm phán và trao đổi thông tin với Bộ Nông nghiệp và nguồn nước của Úc. Nhờ vậy, hai bên đã đạt được thỏa thuận về hoạt chất thay thế là Metsulfuron methyl để xử lý cho hoa cắt cành xuất khẩu vào Úc chỉ sau 6 tháng thử nghiệm và tiến hành các thủ tục cần thiết", bà Hương nói.
Ông Tony Harman, tham tán nông nghiệp, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, cho biết Việt Nam hiện là nước đầu tiên và duy nhất được Úc phê duyệt sử dụng hoạt chất Metsulfuron methyl thay thế Glyphosate.
"Thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã hợp tác chặt chẽ với chúng tôi; nhờ đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nối lại hoạt động xuất khẩu hoa cắt cành sang Úc nhanh hơn dự kiến và nhanh hơn quy định hiện hành của Úc.
Thông thường, chúng tôi cần ít nhất 12 tháng để hoàn thành các thủ tục cần thiết đối với việc phê duyệt hoạt chất thay thế", ông Tony Harman nhấn mạnh.
Hoạt chất Metsulfuron methyl thay thế Glyphosate trong xử lý mầm hoa cắt cành xuất khẩu sang Úc - Ảnh: M.V.
Đại diện Hiệp hội Hoa Đà Lạt, đại diện Công ty Đà Lạt Hasfarm, cho biết việc Úc chấp nhận biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật mới đối với hoa cắt cành xuất khẩu sang nước này là "tin rất mừng" với doanh nghiệp, người trồng hoa trong dịp cuối năm và đón năm mới.
Đại diện các doanh nghiệp bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của Cục Bảo vệ thực vật và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, đồng thời cam kết thực hiện đúng các quy định để sớm đưa hoa cắt cành trở lại thị trường Úc.
Theo phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Thu Hương, việc Úc phê duyệt sử dụng hoạt chất Metsulfuron methyl thay thế Glyphosate từ ngày 1-3 sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu hoa cắt cành sang các thị trường khác và xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp khác.
Tới đây, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục làm việc với Úc để mở rộng các hoạt chất khác thay thế cho Glyphosate, trên cơ sở đó đa dạng biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật và tăng cơ hội cho ngành xuất khẩu hoa của Việt Nam. Cùng với đó, cục sẽ làm việc với một số nước, trong đó có New Zealand, để mở rộng thị trường xuất khẩu hoa cắt cành.
TTO - Hàng trăm tấn hoa Đà Lạt xuất khẩu đã phải tiêu hủy để làm phân bón do Bộ NN&PTNT ra quy định cấm sử dụng hợp chất glyphosate, trong khi thị trường Úc chỉ cho phép dùng hợp chất này để xử lý chồi hoa trước khi xuất khẩu.