Ngọn đồi rực rỡ với mai, đào và niềm vui của những đứa trẻ được nhận lì xì
Sân trường Lang Lương, Man Dí, Tu Gia, Tắk Pổ, Tắk Rối… những ngày cuối năm bỗng tươi vui, nhộn nhịp khác hẳn ngày thường. Đây là các điểm trường xa xôi nhất của huyện miền núi này.
Năm nay, các em được đón cái Tết thật đặc biệt khi được học gói và nấu bánh chưng, trang trí hoa mai, hoa đào, và dự một bữa tiệc tất niên thịnh soạn với những món "xa xỉ" mà đám trẻ mơ ước như cà ri bánh mì, cá viên chiên, bánh kẹo, uống nước ngọt và ăn bánh chưng…
Mỗi em còn được nhận những phong bao lì xì mừng tuổi từ chương trình "Mang Tết lên núi" do nhóm thiện nguyện Bạn Thương Nhau (Đà Nẵng) tổ chức.
Anh Nguyễn Bình Nam - chủ nhiệm CLB Bạn Thương Nhau - cho biết do tình hình dịch bệnh phức tạp, nhóm không thể trực tiếp lên thăm và vui chơi với các em được nên đã gửi kinh phí và hướng dẫn các thầy cô tổ chức cho các em đón Tết.
Ban đầu, nhóm định tổ chức tất niên tại 2 - 3 điểm trường từ kinh phí bạn bè đóng góp. Nhưng khi anh Nam chia sẻ dự định của mình lên Facebook cá nhân, nhiều người đã tham gia và con số đóng góp lên đến hơn 80 triệu đồng. Thế là có 21 điểm trường được đón Tết ấm.
Anh Nam chia sẻ mục đích chính của chương trình "Mang Tết lên núi" là động viên thầy cô và học sinh ở những điểm trường vùng cao, để các cô giáo nơi đây không cảm thấy đơn độc, luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng.
Đồng thời tạo ra một không khí Tết tại các điểm trường xa xôi, giúp các học sinh có những trải nghiệm mới, biết thêm phong tục Tết cổ truyền của người Việt Nam...
Cô Lê Thị Hòe - giáo viên điểm trường Tu Gia, thôn 1, xã Trà Tập (huyện Nam Trà My) - cho biết ở những thôn làng vùng cao nơi đây chỉ đón Tết cổ truyền đúng một ngày duy nhất, và không có nhiều hoạt động cho trẻ em vui chơi.
Từ khi nhận được ý tưởng tổ chức Tết cho học trò và có kinh phí, cô đã về trung tâm huyện mua đồ và cùng mấy phụ huynh mang lên điểm trường Tu Gia. Cô trò cùng đi rừng kiếm cây khô về trang trí hoa mai, hoa đào. Phụ huynh cũng đi hái lá dong cùng tham gia gói bánh chưng.
Đám trẻ hào hứng lau lá, phụ gói bánh. Không khí đón Tết chỉ có tiếng cười vui vang giữa núi đồi.
"Rất cảm ơn nhóm đã cho các em đón một ngày Tết cổ truyền ý nghĩa và trọn vẹn. Các em cũng biết thêm được nhiều điều mà nơi núi rừng không có" - cô Hòe chia sẻ.
Những đứa trẻ háo hức gắn hoa mai, hoa đào đón Tết - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Những chiếc bánh chưng do các em tự tay gói dù không được vuông vức nhưng là món quà ý nghĩa - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Những chiếc bánh được cô giáo đỏ lửa nấu để hôm sau các em mang về nhà - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Thưởng thức những chiếc bánh tự tay mình gói cùng thầy cô và ba mẹ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Các em được ăn Tết với món cà ri bánh mì mà hầu như đứa trẻ con vùng cao nào cũng yêu thích - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Nhiều đứa trẻ vùng cao lần đầu tiên được đón Tết truyền thống - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Những ngày cuối năm bỗng tươi vui, nhộn nhịp khác hẳn ngày thường - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Niềm vui được nhận lì xì Tết - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Háo hức mở phong bao lì xì - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Khoe bao lì xì mình nhận được - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Khép lại năm cũ đầy biến động, trong những ngày cận kề năm mới, chương trình Trao yêu thương - Gửi Tết đến mọi nhà đã mang sự sẻ chia đến với những trẻ em thiệt thòi và các hộ gia đình khó khăn, lan tỏa yêu thương tới mọi người.
Xem thêm: mth.38114736142102202-tet-yagn-ir-ac-na-gnuhc-hnab-iog-coh-coud-oac-gnuv-ohn-hnis-coh/nv.ertiout