9h sáng 23 tháng Chạp, một chủ cửa hàng vàng mã tại chợ Thanh Xuân Bắc (Hà Nội) đon đả mời khách mua đồ lễ, trầu cau.
"Đồ Bộ Táo quân, thần linh, cá chép tiền vàng năm nay phong phú nhưng giá không lên mấy", chị chủ nói. Bộ vàng mã cúng ông Công, ông Táo tại cửa hàng này dao động từ 50.000 – 150.000 đồng một bộ tuỳ chất lượng và kích cỡ, tăng 10.000 đồng so với ngày thường. "Những bộ to, đẹp lấp lánh giờ nhiều nhà không chuộng vì đốt lâu tàn, lại nhiều nilon nên giờ loại hàng 50.000 – 70.000 đồng là chạy nhất", chị nói thêm.
Các mặt hàng phục vụ ngày 23 Tết chỉ tăng nhẹ giá so với thường ngày. Giá gà sống tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống ở mức 120.000-140.000 đồng một kg, tăng khoảng 10.000-20.000 đồng một kg so với những ngày trước đó. Giá thịt lợn ở mức 140.000-160.000 đồng một kg tuỳ loại, thịt bò ở mức 210.000-280.000 đồng một kg, đều cao hơn bình thường khoảng 20.000 đồng một kg. Giá cá chép là 60.000 – 100.000 đồng một bộ 3 con, tăng nhẹ so với hôm trước Tết.
Hoa tươi năm nay cũng có giá cả hợp lý hơn các năm trước. Hoa cúc giá 6.000-8.000 đồng một bông, cành đào nhỏ giá 40.000-60.000 đồng một cành, hoa ly 15.000-20.000 đồng một cành 3 tai, phật thủ giá 25.000-200.000 đồng tuỳ loại quả...
Tại TP HCM, thị trường cũng cho thấy giá thực phẩm tươi sống, vàng mã, hoa quả... khá ổn định. Về hoa tươi, giá hoa cúc từ 5.000-8.000 đồng một bông; cành đào nhỏ khoảng từ 50.000-60.000 đồng một cành; hoa ly 15.000 đồng một cành 3 tai.
Các loại trái cây cũng không tăng đột biến. Đơn cử, thanh long ruột trắng từ 15.000-20.000 đồng một kg, thanh long ruột đỏ từ 30.000-35.000 đồng một kg; vú sữa từ 20.000-55.000 đồng một kg...
Nguyên nhân khiến giá cả hàng hoá năm nay không tăng vọt đến từ hai phía cung và cầu.
Ở phía cung, nhiều loại mặt hàng rau củ năm nay không xuất đi được Trung Quốc vì dịch Covid-19 khiến nguồn hàng trong nước dồi dào. Điều này khiến giá cả hàng hoá được giữ ổn định.
Mặt khác, trước diễn biến Covid-19 vẫn còn phức tạp, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu khiến cho sức mua yếu nên hàng hoá khó tăng mạnh như trước.
Chị Hương, 32 tuổi cho biết, lễ ông Táo lần này chỉ mua 3 "ông cá", một bó hoa tươi, cái bánh chưng về cúng. Các năm trước, mâm cỗ cúng nhà chị luôn có hoa quả nhập ngoại, gà luộc, xôi đồ, giò chả...
Minh, chủ một cửa hàng hoa tươi kể, nhiều khách đắn đo dù chỉ mua mỗi một bó hoa. "Tư vấn một bó hoa lãi được 25.000 đồng mà hết cả sáng", cô chia sẻ và đùa rằng phải tìm cách tư vấn ngắn gọn, hiệu quả hơn.
Nhiều cửa hàng cung cấp dịch vụ mâm cỗ cúng cũng cho biết đã thiết kế lại sản phẩm đơn giản với giá hợp lý hơn so với mọi năm.
Chị Hạnh, chủ cửa hàng chuyên nhận đơn đặt hàng cúng "ông Công, ông Táo" cho biết, năm nay số lượng đơn đặt hàng giảm 10% so với năm ngoái. Ngoài các mâm cỗ có giá 500.000-1.000.000 đồng, chị còn có mâm "siêu rẻ" với giá 300.000 đồng. Các mâm cỗ này đa phần được làm bằng đồ "chay". Trong đó, cá chép, đùi gà và tôm đều được nặn từ xôi nếp nên có giá rẻ chỉ bằng một nửa so với đồ mặn. Riêng các món xào và chiên chị Hạnh chọn nguyên liệu là khoai lang và nấm để chế biến.
"Thay vì làm mỗi đĩa khoảng 500 gram thì năm nay tôi tiết giảm chỉ còn khoảng 150-200 gram cho một món", chị Hạnh nói.
Cũng không dám ấn định giá chi tiết mâm cỗ cúng như các năm trước, năm nay anh Thành, ở thành phố Thủ Đức cho biết, nhận làm theo yêu cầu đặt hàng của khách. Tuỳ yêu cầu anh sẽ cân đối các mâm cỗ sao cho phù hợp.
"Thay vì niêm yết giá cụ thể, tôi sẽ mua theo yêu cầu của khách và chế biến, sau đó lợi nhuận sẽ được chiết khấu trong khoảng 20%. Các mâm cỗ được khách ấn định chi phí từ 500-2.000.000 đồng", anh Thanh nói.
Hồng Châu - Đức Minh