Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ họp phiên đầu tiên của năm 2022 trong hai ngày 25 và 26/1 để thảo luận về chiến lược thắt chặt tiền tệ nhằm ứng phó với lạm phát cao nhất gần 40 năm.
Nhiều chuyên gia tài chính dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 4 lần trong năm nay sau hai năm áp dụng mức lãi suất thấp kỷ lục 0 - 0,25%/năm.
Ngân hàng trung ương Anh, Hàn Quốc, Nga, New Zealand và Brazil đều đã nâng lãi suất và siết chặt van bơm tiền.
Trong một báo cáo công bố ngày 23/1, tổ chức phi lợi nhuận Jubilee Debt Campaign cho rằng chi trả nợ của các quốc gia đang phát triển năm 2021 đã tăng tới 120% so với 2020, hiện đang ở mức cao nhất kể từ 2001.
Chi trả nợ nước ngoài tăng từ 6,8% doanh thu chính phủ vào năm 2010 lêm 14,3% vào năm 2021, trong đó tăng sốc nhất là năm 2020.
Gánh nặng nợ nần lên cao đang cản trở quá trình hồi phục kinh tế từ hố sâu đại dịch của các quốc gia, báo cáo của Jubilee Debt Campaign nhận định. Nếu Mỹ và các nước tăng lãi suất trong 2022, vấn đề với các nước thu nhập thấp sẽ càng trở nên trầm trọng hơn.
Tuần trước, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc Điều hành Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự đoán rằng việc Fed nâng lãi suất có thể sẽ "dội gáo nước lạnh" vào tiến trình phục hồi kinh tế vốn đã yếu ớt tại một số quốc gia.
Theo CNBC, lãi suất tại Mỹ đi lên sẽ khiến đồng USD tăng giá và các nước sẽ thêm khó khăn trong việc trả nợ vay bằng USD.
"Cuộc khủng hoảng nợ tiếp tục bao trùm các nước thu nhập thấp và tình hình sẽ không cải thiện nếu không có quyết định xóa nợ khẩn cấp", bà Heidi Chow, Giám đốc điều hành của Jubilee Debt Campaign nói.
"Cuộc khủng hoảng nợ hiện nay đã khiến các quốc gia mất đi nhiều nguồn lực để ứng phó với vấn đề khí hậu và những gián đoạn mà COVID-19 gây ra. Lãi suất tăng sẽ khiến các nước chìm sâu hơn trong nợ nần".
Dữ liệu của Jubilee Debt Campaign cho thấy 54 quốc gia trên khắp thế giới đang đối mặt với khủng hoảng nợ, tức là nghĩa vụ trả nợ khiến cho các chính phủ gặp khó khăn trong việc đảm bảo các quyền kinh tế và xã hội cần thiết của công dân nước mình.
Thêm 14 quốc gia khác đang gặp rủi ro khủng hoảng nợ đồng thời với khu vực nhà nước và tư nhân. Trong khi đó, 22 nước có khả năng xảy ra khủng hoảng nợ tư nhân và 21 nước có thể chịu khủng hoảng nợ công.
Trong số tổng nghĩa vụ nợ năm 2022 của các nước thu nhập thấp và trung bình thấp, khoảng 47% là nợ các tổ chức cho vay tư nhân, 27% thuộc về các tổ chức đa phương, 12% nợ Trung Quốc và 14% nợ các chính phủ khác.
Trong một dòng tweet tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass kêu gọi các nước xóa nợ khẩn cấp, nâng cao tính minh bạch về nợ và cân bằng lại quyền lợi giữa chủ nợ và con nợ.