Trong quá trình phát triển không ngừng của đất nước hàng chục năm qua, TP HCM đã luôn giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, thể hiện ở những đóng góp khổng lồ của siêu đô thị cùng những kỳ vọng lớn lao của khu vực và cả nước dành cho thành phố. Tuy nhiên, những năm gần đây, đầu tàu TP HCM đang chậm lại, nhất là giai đoạn đầu năm 2023 khi tăng trưởng GRDP chỉ đạt 0,7%.
Thêm đà, thêm lực cho đầu tàu kinh tế
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết không chỉ tăng trưởng thấp, các chỉ số về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính của thành phố như PCI, PAPI, PAR-INDEX... cũng ở mức trung bình thấp. Năm năm trở lại đây, các động lực tăng trưởng bị suy giảm; mức độ đóng góp của TP HCM vào GDP cả nước và ngân sách quốc gia đều sụt giảm.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, nền kinh tế thành phố có độ mở, độ nhạy cao nên mọi biến động của tình hình kinh tế thế giới đều có tác động đến thành phố. Khi nền kinh tế thế giới tích cực, thành phố cộng hưởng phát triển rất thuận lợi và ngược lại, kinh tế thế giới biến động sẽ khiến kinh tế thành phố bị ảnh hưởng rất nặng nề. Bên cạnh đó, TP HCM chưa kịp thời huy động các động lực mới, chưa giải quyết được điểm nghẽn thì đối mặt với dịch COVID-19 khiến các động lực phát triển vốn đang suy giảm lại tiếp tục bị bào mòn, gặp thách thức. "Nếu không tháo điểm nghẽn có tính chiến lược, TP HCM sẽ gặp khó về hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực trong thời gian tới" - Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhận định.
TP HCM cần một nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để có thể phát triển đột phá, lan tỏa cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp cho cả nước. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu chung nhận định rằng TP HCM phải có cơ chế, chính sách vượt trội để tháo gỡ điểm nghẽn, phát huy động lực cũ, khai phóng động lực mới, thêm đà, thêm lực tiến mạnh mẽ về phía trước.
Theo GS-TS Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cơ chế đột phá, vượt trội cho TP HCM phải bao quát hơn để phát huy vai trò lan tỏa vùng của thành phố. Theo đó, tinh thần bao trùm của nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội là nên trao quyền nhiều hơn, kiểm soát ít hơn, người lãnh đạo có trách nhiệm hơn, sở - ngành có động lực phụng sự hơn. Ngoài ra, muốn tạo đột phá, nghị quyết mới nên mở rộng phạm vi không gian địa lý bởi nếu tiếp cận từ nguồn lực mang tính giới hạn của thành phố sẽ rất khó tạo đột phá.
Tạo lực đẩy bứt phá
Nhấn mạnh sự cần thiết của Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 để tạo động lực cho TP HCM phát triển, ông Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế luật và quản lý - Trường ĐH Kinh tế TP HCM, nhìn nhận dự thảo nghị quyết mới trao cho thành phố nhiều quyền lớn về đất đai, bất động sản. Những khó khăn, vướng mắc trên thị trường bất động sản thời gian qua là vấn đề "nóng" của TP HCM. Doanh nghiệp (DN), người dân rất quan tâm và mong muốn chính quyền TP HCM được quyền chủ động hơn trong tháo gỡ những vướng mắc liên quan lĩnh vực này. Tuy nhiên, khi đã có cơ chế, cần thiết có sự chủ động, sáng tạo, năng lực triển khai và tinh thần dám chịu trách nhiệm của người thực thi.
TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM, cho rằng thời gian qua, một số vấn đề liên quan cơ chế, thể chế liên kết giữa bộ, ngành và TP HCM trong xử lý vấn đề vượt thẩm quyền; sự phân cấp và ủy quyền cho thành phố vẫn chưa được cụ thể hóa. Điều này khiến TP HCM chưa được thật sự chủ động về vốn, cơ chế giao việc trong triển khai giải pháp đặc thù, gây ra sự bế tắc.
"Những yếu tố về đột phá, sáng tạo, dám nghĩ dám làm cũng cần được cụ thể hóa, định lượng rõ ràng để nhân sự thực hiện sẵn sàng triển khai. Khi TP HCM được trao quyền lớn hơn, được chủ động, tự quyết hơn, cơ chế làm việc giữa thành phố với bộ, ngành rõ ràng, tinh thần trách nhiệm được khơi mở, tạo được sự đồng thuận... thì sẽ tạo lực đẩy mạnh để vượt qua khó khăn và bứt phá" - TS Trần Quang Thắng nêu quan điểm.
TS Lê Đạt Chí, Giám đốc Chương trình Tài chính ứng dụng - Đại học Rennes (Pháp), đề xuất để thúc đẩy kinh tế TP HCM trong bối cảnh hiện nay, nhất là để dòng vốn chảy nhanh hơn, cần thúc đẩy đầu tư công và nhanh chóng xử lý vướng mắc của các dự án bất động sản. TS Chí phân tích: Về thị trường bất động sản, khi tháo gỡ được về pháp lý, có thể chuyển nhượng, thế chấp dự án để đẩy nhanh lưu thông tiền và kích thích nhu cầu trên thị trường. Về đầu tư công, nhà nước nên ứng vốn trước cho DN thay vì quyết toán theo khối lượng. Bởi trong điều kiện khó khăn, DN ngại vay lãi suất cao nên nếu không có vốn để tạm ứng thì DN sẽ không mặn mà đẩy mạnh triển khai dự án cho nhà nước.
Tọa đàm "Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế TP HCM phát triển"
Sáng nay, 16-5, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm "Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế TP HCM phát triển" nhằm kết nối, tạo điều kiện để đại diện lãnh đạo cơ quan chức năng, chuyên gia kinh tế và DN cùng trao đổi, mổ xẻ thực trạng, kiến nghị giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy TP HCM hồi phục nhanh, tự tin vững bước phát triển.
Tọa đàm tập trung thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017), dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 22-5. Nghị quyết mới được kỳ vọng tạo sức bật, chắp cánh cho TP HCM phát triển đột phá, lan tỏa cho vùng và cả nước.
Xem thêm: mth.92361422251503202-mch-pt-ohc-cul-nougn-gnohp-iahk/et-hnik/nv.moc.dln