“Gia cảnh luôn túng thiếu, con cái thua thiệt bạn bè đồng lứa nên khi có người rủ rê đánh bạc để có tiền tiêu xài, tôi gật đầu ngay” - chị HHL (44 tuổi, ở tổ 8, khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận) kể lại.
Bà Dương Phương Huyền luôn theo sát cuộc sống của chị HHL (ngồi may) để giúp đỡ. |
Quyết tâm rũ bỏ lỗi lầm
Cột mốc đưa chị L vào con đường đánh bạc là năm 2008. “Vào nghề” không lâu, chị L bị bắt và bị xử án treo. Sau khi được xóa án, ma lực đồng tiền có được từ đánh bạc níu kéo nên chị L tiếp tục lao vào con đường cũ để rồi bị bắt lần hai và phải vào trại.
“Lúc trong trại, tôi hối hận việc mình đã làm nên khóc suốt đến nỗi mắt mờ. Mỗi khi nhớ về con, tôi đau từng khúc ruột. Khi chồng mất, nỗi lo bốn đứa con côi cút khiến tôi không khỏi quặn lòng” - chị L tỏ bày.
Năm 2019, chị L được ra trại. Chỉ vài ngày sau, có người tới nhà rủ chị tham gia đánh bạc để có tiền. Lần này, chị L cương quyết từ chối “nghề” cũ. “Biết tôi mới ra trại nên bà Dương Phương Huyền (tổ trưởng tổ phụ nữ 8, khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận) tìm đến để giúp đỡ. Lúc đầu, do mặc cảm những việc đã làm, lại từng ra vào trại nên tôi tránh né không gặp. Tuy nhiên, sau khi biết rõ bà Huyền muốn gặp để giúp đỡ nên tôi đồng ý” - chị L nói.
Đến nhà thăm chị L, bà Huyền nhớ lại: “Tôi tìm cách liên lạc mấy lần với chị L mà không được. Sau đó, tôi trao đổi với người thân của chị L và nói rõ mục đích tìm gặp chị. Độ tuần sau, tôi bất ngờ khi chị L gọi điện thoại và nói muốn gặp tôi” - bà Huyền cho biết thêm.
Gặp nhau tại nhà, chị L khóc rất nhiều vì ăn năn, hối hận khi tham gia đánh bạc. Chị L mong muốn địa phương hỗ trợ việc học cho bốn đứa con và cần số vốn để may quần áo gia công.
“Thu nhập từ nghề may đủ để tôi trang trải chi tiêu trong gia đình. Giờ tôi rất vui vì sống bằng những đồng tiền chân chính.”
“Tôi mang câu chuyện của chị L kể với ban ngành, đoàn thể của phường. Vài ngày sau, đoàn viên thanh niên mang tập vở, bút mực tới tặng con của chị L. Chưa hết, Hội Liên hiệp Phụ nữ hỗ trợ học bổng cho các cháu. Tiếp theo, chị L được hướng dẫn làm thủ tục vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua ba máy may và một máy vắt sổ” - bà Huyền nói.
“Thu nhập từ nghề may đủ để tôi trang trải chi tiêu trong gia đình. Giờ tôi rất vui vì sống bằng những đồng tiền chân chính. Nói thật, không nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của ban ngành, đoàn thể phường Đông Hưng Thuận và bà Huyền, không biết cuộc sống của mẹ con tôi giờ ra sao” - chị L tiếp lời.
Nhằm góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ở địa phương, Ủy ban MTTQ phối hợp với công an và các ban ngành, đoàn thể phường triển khai thực hiện mô hình “Quản lý, giúp đỡ và cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư ”.
Năm 2022, tổng cộng 35 trường hợp liên quan đến tàng trữ và sử dụng ma túy, cướp giật, trộm cắp tài sản, đánh bạc… trên địa bàn phường cần được giúp đỡ và cảm hóa sau khi ra trại. Sau đó, sáu trường hợp được cảm hóa, sáu trường hợp chuyển chỗ ở, 23 trường hợp tiếp tục được cảm hóa.
Qua năm 2023, thêm 11 trường hợp mới ra trại. Hiện có tổng cộng 34 trường hợp lầm lỗi được các ban ngành, đoàn thể địa phương chịu trách nhiệm giúp đỡ và cảm hóa.
Bà NGUYỄN THỊ NGỌC ĐIỆP,
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Đông Hưng Thuận, quận 12
Sống bằng đồng tiền tự làm ra
Câu chuyện giúp đỡ, cảm hóa anh HPT (40 tuổi) sau thời gian ở trại do tàng trữ ma túy của bà Tô Thị Tuyết Nhung, Phó Trưởng ban Công tác mặt trận khu phố 2, phường Đông Hưng Thuận, cũng kỳ công.
“Người ở trại về thường mặc cảm nên ngại tiếp xúc với những người khác, anh T cũng vậy. Không gặp được anh T, tôi đến nhà gặp vợ anh vào thời điểm thích hợp. Tôi hỏi han chuyện nhà cửa, học hành của các cháu. Lúc đầu, vợ anh T còn dè chừng. Dần dà, tôi với vợ anh T coi nhau như người trong nhà” - bà Nhung kể.
Một hôm, vợ anh T nhắn bà Nhung ghé nhà. Vừa bước vào cổng, bà thấy anh T lấp ló phía sau. Nghe vợ gọi, anh T chầm chậm bước lên nhà trước. Sau vài câu chào hỏi, anh T bớt ngần ngại và cởi mở chuyện trò với bà Nhung. “Hễ rảnh rỗi là tôi ghé nhà anh T. Biết anh muốn có việc làm, tôi đưa ra những công việc phù hợp. Cuối cùng, do nhà có xe máy nên anh T đăng ký chạy xe công nghệ ” - bà Nhung nói.
Nhờ chí thú làm ăn nên thu nhập từ chạy xe của anh T và may gia công của vợ anh đủ để chi tiêu hằng ngày và trả tiền thuê nhà, tiền học hành của hai con nhỏ. Bên cạnh đó, ngày lễ hoặc tết, chính quyền địa phương gửi gạo, mì ăn liền, bột ngọt… cho nhà anh T. Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, hai con của anh T được nhận quà từ các anh chị đoàn viên. Hai con của anh T còn được nhận học bổng từ Hội Phụ nữ của phường.
“Được địa phương và các ban ngành quan tâm, hỗ trợ cho cả nhà, anh T vui lắm. Niềm vui chính là động lực giúp anh T gạt bỏ quá khứ lỗi lầm để tìm công việc chân chính” - bà Nhung nói thêm.•
Đưa những người lầm lỗi thành công dân có ích
Ủy ban MTTQ phường giao cho đoàn thanh niên giúp đỡ chín trường hợp từng đi trại do liên quan đến sử dụng ma túy, cướp giật, trộm cắp tài sản.
Dựa vào sự hỗ trợ của công an khu vực, ban ngành và đoàn thể, kể cả người nhà của các trường hợp nói trên nên các chi đoàn khu phố có thể tiếp cận. Cả chín trường hợp đều mong muốn có việc làm ổn định, được vay vốn làm ăn. Sau đó không lâu, nhờ sự hỗ trợ của địa phương, tất cả họ đều tìm được việc làm phù hợp. Không chỉ vậy, những trường hợp có vợ con hoặc cha mẹ già cũng được địa phương quan tâm giúp đỡ” - anh Đức cho biết thêm.
Đến thời điểm hiện tại, tám trường hợp lầm lỗi đã rũ bỏ được quá khứ không hay, tự tin hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, còn một trường hợp có biểu hiện tái sử dụng ma túy và đã được chi đoàn khu phố báo cho công an khu vực để giám sát.
Ông TRẦN TRỌNG ĐỨC, Bí thư Đoàn phường Đông Hưng Thuận, quận 12