vĐồng tin tức tài chính 365

Đề xuất cấm cầm cố, mua bán sổ BHXH

2023-05-16 05:55

Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất tám nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện chính sách BHXH. Trong góp ý mới đây, BHXH Việt Nam đề xuất bổ sung hành vị cấm cầm cố, mua bán sổ BHXH; mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia BHXH.

Đề xuất cấm cầm cố, mua bán sổ BHXH ảnh 1

Nhân viên BHXH Việt Nam giải thích các chính sách về BHXH cho người lao động.
Ảnh: V.LONG

Bảo đảm tối đa quyền lợi người lao động

Trên thực tế, hiện nay có không ít người lao động (NLĐ) cầm cố, mua bán sổ BHXH dưới hình thức ủy quyền làm thủ tục đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần hoặc thậm chí không có ủy quyền. Việc này dẫn đến quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng, phát sinh tranh chấp dân sự, khiếu nại, tố cáo trong việc cho vay, cầm cố… nhưng cơ quan BHXH không có căn cứ để giải quyết.

Khoản 2 Điều 2 BLDS quy định: “Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Như vậy, quyền mua bán, cầm cố là quyền dân sự, do đó khi phát sinh tranh chấp thì một trong những cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là căn cứ vào việc hành vi này có bị pháp luật nghiêm cấm hoặc hạn chế quyền hay không.

Sổ BHXH không thể xem là một loại tài sản thuộc sở hữu của NLĐ có quyền định đoạt như mua bán, cầm cố, thế chấp.

Sổ BHXH không phải là một loại giấy tờ tùy thân, một loại tài sản hoặc một loại giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản (như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cổ phiếu hay sổ tiết kiệm…). Sổ BHXH là một loại giấy tờ ghi nhận quá trình tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHYT của NLĐ mà quá trình đó có sự tham gia đóng góp của cả NLĐ, người sử dụng lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước (nếu có). Do đó, sổ BHXH không thể xem là một loại tài sản thuộc sở hữu của NLĐ có quyền định đoạt như mua bán, cầm cố, thế chấp…

Ngoài ra, nếu coi sổ BHXH là một loại tài sản và không thể quy định hạn chế quyền định đoạt đối với tài sản của NLĐ thì họ không chỉ có quyền mua bán, cầm cố, thế chấp sổ BHXH mà còn có quyền tặng cho, thừa kế… sổ BHXH. “Như vậy, việc chính sách BHXH quy định chế độ tuất sẽ không còn ý nghĩa. Điều này không phù hợp với bản chất của BHXH, đó là đảm bảo an sinh xã hội và có sự chia sẻ giữa những người cùng tham gia và khiến sổ BHXH trở nên giống với hợp đồng bảo hiểm thương mại...” - BHXH nêu.

Nhiều cơ quan, đơn vị đã đề nghị cơ quan soạn thảo có thể đưa ra quy định bù năm đóng BHXH cho số năm thiếu tuổi nghỉ hưu nhằm giúp những người thừa năm đóng BHXH, thiếu tuổi nghỉ hưu vẫn được hưởng 75% lương hưu.

Cần cấm mượn giấy tờ, hồ sơ đi làm

Trước tình trạng nhiều NLĐ mượn các loại giấy tờ như giấy khai sinh, bằng cấp, chứng chỉ, sơ yếu lý lịch… của người thân, bạn bè để tham gia BHXH, BHXH Việt Nam đề xuất cần cấm hành vi này do dễ dẫn đến trùng thông tin tham gia BHXH với “chính chủ” hoặc có sự không thống nhất trong hồ sơ, giấy tờ khi giải quyết hưởng các chế độ BHXH.

Theo pháp luật dân sự, hợp đồng được giao kết trên sự giả tạo, lừa dối được coi là hợp đồng vô hiệu, hệ quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu là các bên phải khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Như vậy, chỉ khi pháp luật có quy định xác định hành vi mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia BHXH là hành vi vi phạm pháp luật thì mới có cơ sở xác định việc tham gia quan hệ lao động và tham gia BHXH của NLĐ trong trường hợp này có “vô hiệu” hay không.

Trong Công văn 1767/LĐTBXH-BHXH, Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ: Trường hợp NLĐ mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc “trung thực” theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật Lao động và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động.

Như vậy, hành vi mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia BHXH là hành vi gian dối, có nguy cơ gây thiệt hại đến lợi ích của cá nhân, tổ chức và Nhà nước. Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 Bộ luật Lao động thì đây là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.•

Cần xem lại tuổi nghỉ hưu

Tám hiệp hội doanh nghiệp và ngành hàng vừa có văn bản gửi Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan đề nghị xem lại tuổi nghỉ hưu của NLĐ. Theo đó, đa số NLĐ Việt Nam làm việc chân tay, nhiều người tham gia BHXH từ sớm, có thời gian đóng BHXH dài với mức đóng cao. Khi nữ tới 55 tuổi, nam 60 tuổi sức khỏe giảm sút, khó đáp ứng được yêu cầu công việc, nguy cơ mất việc làm cao. Nếu NLĐ phải chờ đến đủ tuổi nghỉ hưu (nữ 60 tuổi, nam 62 tuổi) sẽ gặp khó trong đảm bảo cuộc sống trong thời gian đủ tuổi nghỉ hưu.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đã được Quốc hội, Chính phủ đánh giá tác động rất kỹ, nhất là trong bối cảnh nước ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số. Tuy nhiên, luật cũng tạo điều kiện cho NLĐ làm các công việc nặng nhọc, độc hại… được nghỉ hưu trước tuổi mà không bị giảm trừ lương hưu.

VIẾT LONG

Xem thêm: lmth.324337tsop-hxhb-os-nab-aum-oc-mac-mac-taux-ed/nv.olp

“Đề xuất cấm cầm cố, mua bán sổ BHXH”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools